|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

CEO May 10: Doanh nghiệp dệt may đang chuyển từ trạng thái 'giật gấu vá vai' sang 'đủ ăn đủ mặc'

21:27 | 15/09/2023
Chia sẻ
Ông Thân Đức Việt, CEO May 10 cho biết sau nhiều tháng sụt giảm, xuất khẩu dệt may đã có những tín hiệu sáng hơn, doanh nghiệp đã có đơn hàng và chuyển sang trạng thái "đủ ăn, đủ mặc".

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10. (Ảnh: Tạp chí Công Thương)

Tại chương trình Bí mật đồng tiền mùa 2, số 27, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết hơn 30 năm nay, ngành dệt may đã xuất khẩu hàng hóa sang nhiều thị trường như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Tuy nhiên, 2023 là một năm đặc biệt theo hướng tiêu cực, doanh nghiệp phải “giật gấu vá vai” các đơn hàng trong suốt 8 tháng đầu năm.

Đến thời điểm này, ngành dệt may đang chuyển dần chuyển sang trạng thái “giật gấu vá vai” sang “đủ ăn, đủ mặc".

 Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 7. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt 22,5 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. 

Nói thêm về tiềm năng xuất khẩu dệt may sang Mỹ trong thời gian tới, ông Thân Đức Việt cho biết 7 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 39% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành.

Việc Tổng thống Joe Biden đến thăm Việt Nam và hai nước nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là cơ hội rất tốt cho xuất khẩu hàng hóa nói chung, ngành dệt may nói riêng.

Tuy nhiên hiện nay, hàng hóa Việt Nam vẫn chưa được hưởng thuế Hệ thống Ưu đãi Thuế quan Phổ cập -  GSP (hệ thống ưu đãi thuế quan các nước phát triển dành cho các quốc gia đang và kém phát triển). Hiện, Bộ Công Thương cũng mong muốn phía Mỹ cung cấp GSP cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

Lấy ví dụ về GSP, Tổng giám đốc May 10 cho biết trước khi Việt Nam và EU ký hiệp định thương mại tự do EVFTA, EU cũng đã cấp GSP cho Việt Nam, điều này có nghĩa hàng dệt may nước ta xuất khẩu sang EU được giảm thuế từ 12% xuống 3% với điều kiện các doanh nghiệp chứng minh được hàng dệt may được sản xuất từ vải.

Với mức thuế 3% FOB, đơn hàng lớn, các nhà nhập khẩu sẽ được giảm giá, điều này cũng sẽ tạo ra sức cạnh tranh cho hàng dệt may của Việt Nam.

“Trường hợp, Mỹ cung cấp GSP cho Việt Nam, hàng hóa của chúng ta sẽ không được miễn hoàn toàn thuế quan mà giảm phần nào, đây cũng có thể là lợi thế cho hàng Việt xuất khẩu vào Mỹ”, ông Thân Đức Việt nói.

Ngoài ra, Việt Nam và Mỹ cũng chưa có hiệp định thương mại tự do, hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ vẫn phải chịu mức thuế tùy theo mã hàng, chủng loại sản phẩm.

Liên quan việc chuẩn bị thực hiện tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị doanh nghiệp) ở các thị trường lớn, Tổng giám đốc May 10 cho biết ESG hay sản xuất xanh được ngành dệt may tiếp cận khá sớm. Khoảng 20 năm trở lại đây, các nhãn hàng lớn như H&M, Zara... đã đưa ra lộ trình về câu chuyện chỉ tiêu thụ sản phẩm xanh.

Hai năm trở lại đây, May 10 đã triển khai mạnh từ việc sử dụng năng lượng tái tạo bằng cách xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái; đến những lò hơi chuyển sang đốt bằng điện và nhiên liệu sinh khối không gây ô nhiễm môi trường.

“Tỷ trọng sản phẩm có nguồn gốc từ sợi tái chế hiện nay ở May 10 đang tăng lên bằng lần trong nhiều năm qua. Nếu không làm xanh hóa, khách hàng sẽ không nhập khẩu”, CEO Thân Đức Việt chia sẻ.

Hoàng Anh