Xuất khẩu dệt may đặt mục tiêu 33,5 tỷ USD trong năm 2018
Xuất khẩu dệt may 2018 sẽ tốt hơn 2017 | |
Có thể đạt mục tiêu xuất khẩu, dệt may vẫn lo sức ép cạnh tranh |
Năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 31 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2016. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của dệt may Việt Nam với tỷ trọng trên 48% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 12 tỷ USD.
Xuất khẩu dệt may đặt mục tiêu 33,5 tỷ USD trong năm 2018 (Ảnh minh họa: KT) |
Ngoài ra, những thị trường xuất khẩu tiềm năng khác là EU, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, năm 2017 đánh một dấu mốc quan trọng của ngành dệt may Việt Nam khi lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu sản phẩm may mặc sang thị trường Trung Quốc. Dự kiến, trong năm tới dệt may xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng cao hơn.
Vượt qua những thách thức của năm 2017, năm tới, ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định CPTPP dự kiến được ký kết, sẽ là đòn bẩy quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi rộng mở thị trường cho ngành dệt may.
Toàn ngành đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 33,5 tỷ USD. Trong đó, sẽ tập trung đầu tư tái cơ cấu nội bộ ngành, áp dụng công nghệ tiên tiến để tự cân đối dần các khâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chuyển dịch sản xuất theo vùng lãnh thổ; tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp dệt may trong nước, doanh nghiệp trong nước với đầu tư nước ngoài; khai thác thị trường truyền thống song song khai thác thị trường mới.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, năm 2017, mặc dù ngành dệt may đã hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu, nhưng bước sang năm mới vẫn còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục khơi thông để ngành có động lực tăng trưởng sản xuất kinh doanh và đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.
Theo ông Giang, trong sản xuất phải đi đôi với phát triển công nghệ, đi đôi với phát triển thương hiệu, đi đôi với đưa nhãn hiệu hàng hóa ra thị trường thế giới.
"Chúng ta phải làm chủ được công nghệ phát triển hiện đại, công nghệ 4.0, làm chủ được các sản phẩm của chúng ta ra thị trường thế giới mang thương hiệu của chúng ta để tạo ra một nền công nghiệp dệt may phát triển ổn định, bền vững và hiệu qủa. Hướng đi đã rất rõ ràng và tạo ra động lực có sự bảo trợ hỗ trợ của Nhà nước về chính sách, cơ chế ổn định để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển ngành công nghiệp nhằm đảm bảo sự bền vững trong tương lai", Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam lưu ý./.