|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Vitas: Một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị dừng đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ

20:19 | 21/06/2022
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tìm ra đơn hàng tại các thị trường khác để bù đắp vào khoảng trống do các nhãn hàng Mỹ để lại.

Đơn hàng bị dừng vì có nguồn gốc bông Tân Cương

Tại Hội nghị chuỗi cung ứng bông bền vững được diễn ra ngày 21/6, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết hiện nay đã có một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ (UFLPA) của Mỹ khi đạo luật này bắt đầu được thực thi từ hôm nay (21/6).

“Các nhãn hàng sẽ phải dừng các đơn hàng có nguồn gốc vải từ bông Tân Cương (Trung Quốc) vì các dòng vải, sợi có xuất xứ từ nơi đây sẽ không thể được mua bán vào thị trường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Và hiện tại đã có một số doanh nghiệp Việt Nam bị dừng đơn hàng ”, ông Giang chia sẻ.

Đạo luật UFLPA được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 7/2021 và được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành ngày 23/12/2021. Đạo luật này cho rằng hàng hóa được sản xuất ở khu vực Tân Cương được làm bởi lao động cưỡng bức, do đó bị cấm theo Đạo luật thuế quan 1930, trừ khi có chứng nhận khác của cơ quan chức năng Mỹ.

 Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas chia sẻ tại Hội nghị chuỗi cung ứng bông bền vững. (Ảnh: Như Huỳnh)

Trước tình hình này, ông Vũ Đức Giang cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tìm ra đơn hàng tại các thị trường khác để bù đắp vào khoảng trống do các nhãn hàng Mỹ để lại.

"Các doanh nghiệp phải theo dõi sát tình hình diễn biến của đạo luật này được áp dụng vào các điều khoản nào trong tình hình hiện nay về nguồn gốc xuất xứ từ bông, sợi, dệt nhuộm để tránh bị thiệt hại khi ký hợp đồng mua nguyên liệu.

Bên cạnh đó cũng cần làm rõ với các nhãn hàng về việc mua nguyên liệu. Vì có trường hợp các nhãn hàng chỉ định cụ thể nơi mua nguyên liệu cho doanh nghiệp, song với những trường hợp doanh nghiệp chủ động mua nguyên liệu thì cần cẩn trọng", ông Giang khuyến nghị.

Ở góc độ doanh nghiệp, chia sẻ bên lề hội thảo, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư- Thương mại Thành Công, cũng thừa nhận thực tế có một số nhãn hàng chỉ định mua vải từ Trung Quốc, điều này đồng nghĩa bông có xuất xứ Trung Quốc.

"Do đó doanh nghiệp phải yêu cầu họ cam kết nếu mua vải của Trung Quốc để làm đơn hàng và khi xuất khẩu sang Mỹ nếu hải quan chặn lại thì nhãn hàng phải chịu trách nhiệm", ông Tùng cho hay.

Tuy nhiên, theo đại diện Vitas, không phải tất cả doanh nghiệp sản xuất vải của Trung Quốc đều bị ảnh hưởng bởi bông Tân Cương.

Có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu bông Mỹ về kéo sợi tại Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau đó doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất ra vải và bán ngược lại thị trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Như vậy, trường hợp này sẽ không bị ảnh hưởng bởi đạo luật UFLPA.

6 tháng cuối năm dự báo nhiều khó khăn

Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho hay 6 tháng đầu năm doanh số xuất khẩu của công ty tích cực khi khách hàng ở thị trường Mỹ, EU có tốc độ phục hồi nhanh chóng, nhờ đó, số lượng đặt hàng tăng 20-30% so với cùng kỳ năm 2021, tăng trưởng xuất khẩu của công ty đạt trên 30%.

Tuy nhiên, dự báo nửa cuối năm 2022, ông Việt cho rằng với mức độ lạm phát cao tại các thị trường xuất khẩu quan trọng là Mỹ, EU sức mua hàng dệt may có xu hướng sẽ giảm do người tiêu dùng ưu tiên cho mặt hàng thiết yếu hơn là thời trang.

“Mặc dù công ty đã có đơn đặt hàng đến hết quý III, thậm chí đến quý IV và quý I năm sau đối với một số mặt hàng thế mạnh như sơ mi, veston nhưng nếu thị trường tiêu thụ chậm, tỷ lệ tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng lên họ có thể điều chỉnh giảm hoặc hủy đơn đột ngột.

Bên cạnh đó, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng khiến giá thành sản xuất tăng theo, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng” ông Thân Đức Việt chia sẻ.

 ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10. (Ảnh: Như Huỳnh)

Đây cũng là tình hình chung của toàn ngành dệt may khi 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu dệt may dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng rất ấn tượng của ngành dệt may trong bối cảnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu. 

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng những ảnh hưởng của Đạo luật UFLPA là một trong những yếu tố thách thức cho việc xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, tình hình chi phí đầu vào tăng cao do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine, sự đứt gãy nguồn cung do chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc… có thể khiến cho mục tiêu xuất khẩu 42 – 43 tỷ USD của ngành dệt may Việt Nam trở nên khó khăn hơn.

Như Huỳnh