|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Xanh hóa' ngành dệt may để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

09:54 | 12/05/2022
Chia sẻ
Bộ Công Thương cho rằng ngành dệt may cần bắt kịp xu hướng "xanh hóa" của thế giới để tăng sức cạnh tranh ở các thị trường lớn, đồng thời tiết giảm chi phí, cải thiện lợi nhuận.

Theo Bộ Công Thương, “xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp cần để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn đã ký FTA.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đặt ra mục tiêu “xanh hóa” với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.

Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều tập đoàn, công ty dệt may đã xây dựng chiến lược “nguyên liệu xanh” và ứng dụng vào thời trang “xanh”.

Điển hình như CTCP Dệt may Thành Công (TCM) đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển kinh doanh (R&BD) từ năm 2015.

Trung tâm này đã đưa ra 3 dòng sản phẩm thân thiện với môi trường (tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, quần áo cũ…), dòng sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống.

 Dệt may Thành Công đang nghiên cứu sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường. (Ảnh: TCM)

Năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát nặng nề, nhà nhập khẩu hủy đơn hàng thời trang nhưng bù lại, TCM nhận được nhiều đơn hàng về khẩu trang kháng khuẩn, góp phần ổn định doanh thu, lợi nhuận của công ty.

Tương tự dệt may Thành Công, Faslink là một trong những nhà cung cấp nguyên liệu xanh. Theo đó, doanh nghiệp này đã đầu tư nhiều xưởng sản xuất với tổng diện tích 10.000 m2, trang bị hơn 300 thiết bị hiện đại và bộ rập cải tiến, cũng như hợp tác R&D với nhiều trung tâm nghiên cứu sản xuất nguyên liệu công nghệ nổi tiếng trên thế giới.

Các nguyên liệu xanh của Faslink hướng đến yếu tố nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường sống, an toàn cho sức khỏe người dùng, dễ dàng chế tác trong may mặc và có thể tự phân hủy theo thời gian.

Đầu năm 2022, Faslink đã ra mắt 5 loại sợi tự nhiên, bao gồm sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà được xử lý bằng công nghệ hiện đại, đáp ứng được tiêu chí mềm mịn, bền đẹp và thời trang.

Không riêng ở mảng nguyên liệu, Faslink thực hiện chuyển đổi xanh toàn diện trong vận hành, sản xuất, phân phối và tiếp thị sản phẩm theo xu hướng eco-fashion. Hiện các đối thủ của Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh cũng đang ráo riết chuyển đổi sang xu thế này.

Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng câu chuyện “xanh hóa” ngành dệt may sẽ là thách thức dài hạn của doanh nghiệp Việt, đồng thời cũng là cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị phần ở thị trường lớn.

Hoàng Anh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.