|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xuất khẩu 'thuận buồm xuôi gió', nhiều doanh nghiệp dệt may báo lãi lớn

07:00 | 12/05/2022
Chia sẻ
Trong quý I, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đều khởi sắc hơn so với cùng kỳ nhờ đơn hàng dồi dào.

Sau hai năm dồn nén bởi đại dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ hàng may mặc tăng bật trở lại, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may sớm kín đơn hàng cho đến quý III, thậm chí cả năm 2022. Minh chứng là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đều khả quan trong quý I.

Loạt doanh nghiệp báo lãi lớn

Dẫn đầu trong loạt doanh nghiệp dệt may đã niêm yết, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – Mã: VGT) ghi nhận doanh thu thuần trong quý I đạt gần 4.900 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của Vinatex cũng đạt gần 329 tỷ đồng, tăng 65%.

Năm 2022, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu đạt 18.067 tỷ đồng, tăng 13% so với kết quả thực hiện năm 2021; lợi nhuận sau thuế ước đạt 951 tỷ đồng, giảm 28%. Như vậy, doanh thu và lợi nhuận quý I lần lượt đạt 27% và 35% kế hoạch cả năm 2022.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết ngành sợi tăng 139% và ngành may tăng 167% so với cùng kỳ nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 và các đơn hàng đã ký từ năm 2021.

Vinatex cho biết doanh thu trung bình của các đơn vị trong hệ thống ngành may khu vực phía Nam đều tăng trung bình từ 1,2-1,5 lần. Đáng chú ý, doanh thu quý I của các công ty con như may Đồng Nai, Tổng công ty miền Nam tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Vinatex cho rằng thị trường ngành may hiện tương đối tốt, các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đều được các đối tác quay trở lại, đơn hàng dài, số lượng lớn.

Đứng ở vị trí thứ hai, CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Mã: GIL) với doanh thu 1.417 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 107 tỷ đồng, lần lượt tăng 64% và 51% so với cùng kỳ.

GIL cho biết sở dĩ lợi nhuận của doanh nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ doanh thu khởi sắc và có thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu.

Tương tự, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng 38% và 73% so với cùng kỳ năm 2021, lần lượt đạt 1.260 tỷ đồng và 38 tỷ đồng.

TNG đặt kế hoạch năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 6.000 tỷ đồng, tăng 10% và 280 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021. Kế hoạch này không bao gồm mảng bất động sản.

Như vậy, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I lần lượt đạt 21% và 14% kế hoạch năm.

Phạm Mơ tổng hợp từ BCTC hợp nhất của các doanh nghiệp.  

Một ông lớn khác là CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Mã: TCM) thông báo doanh thu quý I đạt 1.081 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hơn 69 tỷ đồng, tăng 17%.

Năm 2022, Thành Công đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 4.180 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 254 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 18% và 77% so với kết quả thực hiện trong năm 2021.

Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I lần lượt đạt 21% và 14% kế hoạch năm.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công cho biết hiện công ty đã kín đơn hàng đến quý III và chuẩn bị nhận đơn hàng cho quý IV.

Để chạy đua với các đơn hàng, công ty dự kiến đưa vào vận hành nhà máy may số 2 tại khu công nghiệp Hòa Phú tỉnh Vĩnh Long với 1.500 công nhân, công suất 9 triệu sản phẩm/năm. Sau khi nhà máy vận hành sẽ đóng góp thêm doanh thu cho năm 2022 và những năm tiếp theo.

Trong khi các doanh nghiệp đều báo lãi thì CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH) lại ghi nhận lợi nhuận giảm.

Cụ thể, trong quý I, doanh thu thuần của May Sông Hồng đạt 1.292 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ việc đưa công ty con Sông Hồng Nghĩa Hưng vào sản xuất.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của MSH lại giảm 11% bởi công ty con mới đi vào hoạt động, năng suất lao động còn thấp trong khi chi phí sản xuất cao.

Năm 2022, May Sông Hồng đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 3% so với kết quả năm 2021 và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 500 tỷ đồng, giảm 8%.

Zero COVID và biến số với ngành dệt may

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may gần 12 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.

Dù xuất khẩu dệt may đang phục hồi nhanh và mạnh nhưng ngành này vẫn phải đối mặt hàng loạt vấn đề từ phía Trung Quốc.

CTCK Mirae Asset cho rằng việc Trung Quốc kiên trì với mục tiêu Zero-COVID và phong tỏa diện rộng có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất dệt may.

Hiện, Trung Quốc là nhà cung cấp vải nguyên liệu chính của ngành may mặc Việt Nam, nếu nguồn cung suy giảm sẽ làm ảnh hưởng đến giá đầu vào và việc đáp ứng đơn hàng của các công ty may mặc Việt Nam.

Do vậy, bất kỳ thay đổi nào ở thị trường này cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành dệt may Việt Nam.

Ngoài yếu tố bất lợi ở Trung Quốc, Bộ Công Thương nhận định ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro như chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ.

Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý III nhưng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ thế nào sau đó vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch.

Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia, dù thị trường dệt may khởi sắc nhưng nhiều đối thủ của dệt may Việt Nam như: Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… cũng tăng tốc và có nhiều nỗ lực để bù đắp những thiếu hụt về kim ngạch trong năm 2021.

Phạm Mơ