Dệt may Thành Công vực lên từ đáy khủng hoảng, tham vọng mở rộng thị phần ở 3 châu lục
Vực lên từ đáy khủng hoảng
Doanh thu tháng 3 của CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Mã: TCM) đạt 437 tỷ đồng, tăng 26% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 32 tỷ đồng, tăng 55% so với tháng 3/2021.
Lũy kế quý I, doanh thu của dệt may Thành Công đạt 1.081 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hơn 69 tỷ đồng, tăng 17%.
Sở dĩ nói Dệt may Thành Công đã vực lên từ đáy khủng hoảng bởi doanh nghiệp này đã có một năm 2021 đầy khó khăn.
Dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam khiến công ty phải hoạt động 3 tại chỗ với chi phí cao, năng suất lao động không đạt kế hoạch. Cùng với đó, giá cước vận tải, thuê container phi mã đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp này.
Riêng trong quý III/2021, doanh thu thuần đạt 783 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, lãi gộp đạt gần 76 tỷ đồng giảm 57% so với quý 3/2020.
Trong khi, chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng cao khiến doanh nghiệp này lỗ gần 3 tỷ đồng trong quý III, trong khi cùng kỳ lãi hơn 85 tỷ đồng.
Điều này dẫn đến doanh thu năm 2021 không đạt được như kỳ vọng, chỉ nhích nhẹ gần 2% lên 3.535 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế giảm đến 48% so với cùng kỳ, xuống mức 144 tỷ đồng.
Công ty đã không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra năm 2021 khi chỉ thực hiện được 84% chỉ tiêu doanh thu và gần 50% mục tiêu lợi nhuận.
Dịch bệnh kéo lợi nhuận của Thành Công và nhiều doanh nghiệp dệt may xuống đáy, song ngay sau khi Việt Nam phủ sóng vắc xin, mở cửa nền kinh tế, các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất và tăng trưởng nhanh.
Đại diện doanh nghiệp này nhận định năm 2022 sẽ là một năm khởi sắc hơn cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và Thành Công nói riêng. Thị trường bán lẻ quần áo thế giới đã dần hồi phục sau khi dịch COVID-19 có dấu hiệu giảm dần nhờ vào việc bao phủ vắc xin.
“Hiện công ty đã kín đơn hàng đến quý III và chuẩn bị nhận đơn hàng cho quý IV”, ôngTrần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công nói.
Để chạy đua với các đơn hàng, công ty dự kiến đưa vào vận hành nhà máy may số 2 tại khu công nghiệp Hòa Phú tỉnh Vĩnh Long với 1.500 công nhân, công suất 9 triệu sản phẩm/năm. Sau khi nhà máy vận hành sẽ đóng góp thêm doanh thu cho năm 2022 và những năm tiếp theo.
“Hiện, nhà máy đã có 200 lao động với khoảng 5 chuyền hoạt động. Chúng tôi đang tiếp tục tuyển lao động mới và hy vọng đến cuối năm nay sẽ hoạt động 100% công suất. Tuy nhiên, nhà máy mới, con người mới thì cần có thời gian cải thiện năng suất”, ông Tùng nói.
Zero COVID không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của Thành Công
Không riêng Thành Công, nhiều doanh nghiệp dệt may lớn cũng đã kín đơn hàng cho năm 2022. Song mối lo thường trực với một số doanh nghiệp trong ngành là việc “đói” nguyên liệu, chi phí cao ngất ngưởng khi Trung Quốc siết chặt Zero COVID.
Bàn về vấn đề này, ông Trần Như Tùng khẳng định: “Việc Trung Quốc đóng cửa không ảnh hưởng nhiều đến dệt may Thành Công. Chúng tôi có chuỗi sản xuất khép kín, sản xuất sợi - dệt- nhuộm – may, công ty chủ yếu tự sản xuất nguyên liệu, lượng nhập từ Trung Quốc rất ít”.
Zero COVID của Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều đến dệt may Thành Công. Chúng tôi có chuỗi sản xuất khép kín, nhập nguyên liệu từ Trung Quốc rất ít, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công nói.
Khó khăn duy nhất nhưng không phải quá lớn là việc nhập khẩu hai máy cắt từ Trung Quốc về chậm hơn dự kiến, song công ty đã sắp xếp, cân đối để không ảnh hưởng đến sản xuất.
Dù không chịu ảnh hưởng bởi chính sách Zero COVID của Trung Quốc, dệt may Thành Công vẫn không thoát khỏi cơn bão giá bông do tác động của dịch COVID-19 và căng thẳng Nga – Ukraine.
“Thực tế, giá bông tăng cao có ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi đã đàm phán với khách hàng tăng giá sản phẩm tương ứng với giá nguyên liệu đầu vào.
Mặt khác, việc doanh nghiệp nhập khẩu bông và sản xuất ra sợi, vải cũng giúp doanh nghiệp có sức cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp phải mua nguyên liệu hoàn toàn”, ông Tùng cho biết.
Tham vọng lợi nhuận khủng và mở rộng thị phần ở 3 châu lục
Sức bật của thị trường và nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất của dệt may Thành Công là sự chuẩn bị cho sự trở lại đầy hy vọng trong năm 2022.
Theo đó, năm 2022, Thành Công đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 4.180 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 254 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 18% và 77% so với kết quả thực hiện trong năm 2021.
Ông Jung Sung Kwan, Tổng giám đốc dệt may Thành Công cho biết kết quả quý I là bước khởi đầu cho sự trở lại của công ty quý III và quý IV doanh nghiệp có thể bứt tốc hơn nữa. Mục tiêu kinh doanh năm 2022 là khả quan.
Vị này cho biết có 3 động lực giúp đạt được kế hoạch đề ra, bao gồm đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị phần và tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Theo đó, thị trường Trung Quốc đang có xu hướng giảm dần đơn hàng xuất khẩu. Đây là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam.
Các doanh nghiệp dệt may của Trung Quốc có thể sản xuất đa dạng các sản phẩm từ dệt kim và dệt thoi. Tuy nhiên, ở Việt Nam rất ít doanh nghiệp có thể làm song song các sản phẩm như vậy và Thành Công làm được điều đó.
Ở Việt Nam rất ít doanh nghiệp có thể làm song song dệt kim và dệt thoi nhưng Dệt may Thành Công làm được điều đó, ông Jung Sung Kwan, CEO Dệt may Thành Công cho biết.
Động lực thứ hai là mở rộng thị trường. CEO cho biết hiện châu Mỹ đang là thị trường xuất khẩu chính của Thành Công, doanh nghiệp dự kiến sẽ gia tăng thị phần ở châu Âu và châu Á.
"Tôi đã có kinh nghiệm làm việc tại thị trường Hàn Quốc, đồng thời có những kênh bán hàng và mối quan hệ để nhận thêm các đơn hàng mới”, CEO Dệt May Thành Công cho biết.
Ngoài ra, ông Jung Sung Kwan cho biết sẽ xây dựng cấu trúc lợi nhuận bền vững bằng việc tổ chức sản xuất để tạo sản phẩm tốt, có giá thành cạnh tranh.
Ở một góc nhìn khác, CEO Thành Công cũng chỉ ra những thách thức cho doanh nghiệp trong năm 2022, bao gồm dịch bệnh, thiếu lao động, chi phí nhân công tăng, khoảng trống ở thị trường Mỹ…
“Bài toán đặt cho doanh nghiệp tạo ra được động lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng lâu dài”, ông Jung Sung Kwan nói.