|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Vinatex: Xuất khẩu dệt may khởi đầu tươi sáng nhưng tương lai khó đoán

21:52 | 28/03/2022
Chia sẻ
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex, khẳng định mục tiêu xuất khẩu dệt may năm 2022 đạt 43 tỷ USD là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, các yếu tố như căng thẳng chính trị, biến động hàng hóa, Fed tăng lãi suất,... khiến triển vọng ngành khó đoán.

Mục tiêu xuất khẩu dệt may đạt 43 tỷ USD là có cơ sở

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ở kịch bản tích cực nhất, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam sẽ đạt khoảng 42-43,5 tỷ USD, theo báo Chính phủ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may là hoàn toàn có cơ sở.

Bởi lẽ, thế giới dự báo tổng cầu dệt may năm 2022 tăng khoảng 3%. Cùng với đó, sau thời gian dịch bệnh vừa qua, việc giữ được sự liên tục vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu là một lợi thế. Việt Nam là điểm đến ưu tiên khi khách hàng lớn, đơn hàng lớn trên thế giới quay trở lại đặt hàng.

Ngoài ra, trong tháng 1 vừa qua, một tổ chức quốc tế đánh giá 27 quốc gia sản xuất dệt may với mức độ hấp dẫn khi đặt hàng năm 2022, Việt Nam đứng đầu, đạt 59/75 điểm, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc cùng đạt 54 điểm.

Đây là 2 tiền đề khách quan do nội lực của ngành dệt may Việt Nam, sức hấp dẫn và sự cạnh tranh của ngành, đạt mục tiêu tăng trưởng gần như gấp đôi so với tổng cầu thế giới, cải thiện thị phần của dệt may Việt Nam trên trường quốc tế", ông Trường cho biết.

Dù ngay từ đầu năm, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khả quan song căng thẳng Nga – Ukraine kéo theo chuỗi sự kiện như giá dầu phi mã, Ngân hàng trung ương châu Âu, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất…

Những sức ép này sẽ làm thay đổi tổng cầu thế giới diễn ra rất nhanh, khiến ngành dệt may rơi vào tình thế “khó đoán định”.

"Có rất nhiều yếu tố có thể làm thay đổi hoạch định, theo dự báo giá dầu trên thế giới có nhóm nói lên tới 140-150 USD/thùng thì kinh tế thế giới sẽ không có tăng trưởng. Đây là kịch bản xấu với các ngành sản xuất xuất khẩu phụ thuộc tổng cầu thế giới.

Cũng có nhóm dự báo giá dầu ở mức 82-85 USD/thùng, thì có thể tăng trưởng 4,1% so với 5,7% của năm trước. Mục tiêu Việt Nam đạt hơn 43 tỷ USD xuất khẩu dệt may là tương đối khả thi ở kịch bản này", ông Trường phân tích.

 Ngành dệt may đạt mục tiêu xuất khẩu đạt  42-43,5 tỷ USD nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. (Ảnh: Việt Nam hội nhập)

Ngược lại, ở kịch bản xấu, đại diện Vinatex cho rằng, một trong những khâu tiết giảm chi tiêu đầu tiên là hàng hóa thời trang.

Bài học năm 2020, khi thế giới bùng phát dịch COVID-19 và đóng cửa toàn cầu thì ngành dệt may thời trang giảm rất lớn. Mặc dù Việt Nam giảm không nhiều, khoảng 8-9% nhưng nhiều quốc gia đã có mức giảm sâu, như: Ấn Độ, Bangladesh giảm khoảng 20%, tổng cầu thế giới cũng giảm mạnh.

"Đây là những bất định chúng tôi vẫn đang theo dõi sát và tìm giải pháp xử lý phù hợp.

Mặc dù hiện nay đơn hàng ký đến tháng 6, nhiều đơn hàng hết cả năm những chưa thể khẳng định kết quả năm nay sẽ hoàn thành tốt với mục tiêu đặt ra, bởi rủi ro và biến động thị trường đang diễn ra rất nhanh và phức tạp", Chủ tịch Vinatex chia sẻ.

Ổn định vĩ mô, cân nhắc lãi suất cho doanh nghiệp

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Vitas cho biết điểm sống còn với doanh nghiệp dệt may là phải có đơn hàng, đủ lực lượng lao động và kiểm soát được dịch COVID-19. Các doanh nghiệp muốn lao động gắn bó phải chăm lo đời sống, bảo đảm việc làm cùng các chế độ phúc lợi.

Mới đây, Quốc hội thông qua gói hỗ trợ cho ngành đông lao động, điển hình như dệt may: hỗ trợ tiền nhà 3 tháng, tiền quay trở lại thị trường lao động với công nhân, hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp… tạo hành lang tốt, không khí tốt cho doanh nghiệp sản xuất.

Trao đổi về chính sách này, ông Trường cho biết: "Chúng tôi đang chờ cách thức triển khai để doanh nghiệp có thể tiếp cận. Bởi mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng, như doanh nghiệp dệt may hiện nay số dự án đầu tư mới không nhiều do dịch bệnh trong 2 năm qua, như vậy hỗ trợ cho đầu tư, doanh nghiệp dệt may sẽ ít được tiếp cận.

Còn hỗ trợ cho vay vốn lưu động, hỗ trợ trả lương, lãi suất khoản vay ngắn hạn… thì doanh nghiệp dệt may sẽ tiếp cận tốt hơn, mang lại lợi ích khá hơn cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Vinatex cho rằng bản thân doanh nghiệp mong đợi nhất là một môi trường vĩ mô ổn định để có thể sớm đánh giá những dự báo đưa vào kế hoạch và giải pháp trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là lãi suất chính thức của hệ thống ngân hàng, để doanh nghiệp cũng được tiếp cận bình đẳng với các quốc gia cạnh tranh khác.

Nhiều quốc gia vốn vay chỉ 3-4%, còn chúng ta là 8-10%, thậm chí hơn 10% cho doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới đang làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp yếu đi.

"Chúng tôi tiếp cận theo hướng làm sao để trong sân chơi cạnh tranh toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam không bị bất lợi hơn các doanh nghiệp khác do mặt bằng giá và chính sách nội địa.

Giải quyết vấn đề này sẽ phát huy được nội lực của doanh nghiệp, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế", ông Trường nói.

Hoàng Anh