VNDirect: Ngành dệt may Việt Nam có thể chớp lấy thời cơ từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Theo CTCK VNDirect, GDP toàn cầu được dự báo đạt 4,9% vào năm 2022 và nhu cầu dệt may thế giới trong năm 2022 sẽ quay trở lại mức 2019, đạt khoảng 740 tỷ USD.
VNDirect cho rằng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể đạt 43 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021 nhờ nhu cầu tiêu thụ và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của Mỹ và EU tiếp tục phục hồi nhanh sau COVID-19. Hiện, các doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam như May 10, Thành Công, Sợi Thế Kỷ đều có đơn hàng cho đến quý II và quý III.
Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng đang tạo cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật cấm nhập khẩu bông nguyên liệu được sản xuất tại Tân Cương (Trung Quốc), chiếm 11% tổng lượng hàng dệt may nhập khẩu của Mỹ.
VNDirect kỳ vọng các nhà sản xuất sợi bông của Việt Nam có thể giành được "miếng bánh" mà các nhà sản xuất Tân Cương để lại. Và Sợi Thế Kỷ sẽ là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất trong bối cảnh nhu cầu sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường ngày càng tăng.
Ngoài những triển vọng tươi sáng, các doanh nghiệp dệt may cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi nguyên liệu đầu vào tăng, rủi ro của dịch COVID-19.
Theo Trading Economic, giá bông năm 2022 dự kiến đạt 107,4 USD/pound, tăng 15% so với cùng kỳ do thu hoạch mùa vụ kém ở Mỹ và Ấn Độ.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng bông của Mỹ năm 2022 đạt 17,6 triệu kiện, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi khối lượng sản xuất bông của Ấn Độ trong hai vụ 2021-2022 được dự báo sẽ giảm 4% do cây trồng ở các bang sản xuất chính bị thiệt hại do mưa lớn vào mùa thu hoạch. Giá bông cao sẽ khiến biên lợi nhuận gộp của các công ty may mặc giảm 1-1,3 điểm phần trăm.
Ngoài ra, biến thể Omicron đã lan rộng ra ở các thị trường xuất khẩu dệt may chính của Việt Nam, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các công ty dệt may.
Mặt khác, tình trạng thiếu container rỗng và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao trong năm 2022 có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn đặt hàng ODM (gia công) và OBM (thương hiệu gốc).