|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đơn hàng dồn dập, doanh nghiệp dệt may tăng tốc ngay từ đầu năm

08:08 | 09/02/2022
Chia sẻ
Tận dụng tốt các FTA, phần lớn các doanh nghiệp dệt may đều có đơn hàng đến hết quý II. Nhiều doanh nghiệp lớn đang ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất để cung cấp trọn gói các dịch vụ cho khách hàng, đồng thời gấp rút đào tạo lao động để đáp ứng các đơn hàng lớn và giao nhanh.

Lượng đơn hàng liên tục đổ về trong những ngày đầu năm 2022 tạo động lực cho các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu ở cả thị trường truyền thống và tiềm năng, theo báo Nhân Dân.

Đến thời điểm hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp đều có các đơn hàng đến hết quý II và đang tiếp tục đàm phán, ký hợp đồng cho quý III và những tháng cuối năm.

Ông Cao Hữu Hiếu, TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết đơn hàng xuất khẩu năm 2022 của Vinatex khá dồi dào, Tập đoàn hướng đến chuyển đổi số trong giai đoạn 2022-2025, cung cấp trọn gói nhu cầu của khách hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, Vinatex cũng đang hình thành mô hình cụm doanh nghiệp sợi, dệt nhuộm, may (trước tiên tập trung vào sản phẩm dệt kim) với một số doanh nghiệp hiện có, chia sẻ năng lực sản xuất, tạo chuỗi liên kết hoàn chỉnh.

Đơn hàng dồn dập, doanh nghiệp dệt may tăng tốc ngay từ đầu năm - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp dệt may tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm để đáp ứng đơn hàng lớn và giao nhanh. (Ảnh: Vinatex)

Ngành dệt may xác định thị trường xuất khẩu là chủ đạo với tỷ lệ xuất khẩu chiếm khoảng 70%. Do đó, việc xây dựng hệ thống quản trị sản xuất đối với lĩnh vực may, ứng dụng công nghệ số hóa và tự động hóa để thực hiện các đơn hàng kích cỡ vừa và nhỏ, thời gian giao hàng ngắn.

Đồng thời, tăng cường năng lực thiết kế, marketing và chuyển dịch sang phương thức sản xuất OEM (sản xuất sản phẩm gốc), ODM (thiết kế và sản xuất theo đơn đặt hàng) mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Ở quy mô nhỏ hơn, Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) định hướng sản xuất các đơn hàng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm) cho thị trường Mỹ và Australia, đồng thời tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mang lại.

Bà Phạm Thị Phương Hoa, TGĐ Hugaco cho biết để chuẩn bị cho các đơn hàng FOB, doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn nguồn lực, điều chỉnh lại dây chuyền sản xuất và đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, sẵn sàng đáp ứng những đơn hàng có giá trị cao, thời gian giao nhanh.

Năm 2022, Hugaco đặt mục tiêu duy trì doanh thu và lợi nhuận của năm 2021, lần lượt là 630 tỷ đồng và 76 tỷ đồng, đồng thời cố gắng tăng trưởng thêm 5%.

Đánh giá về triển vọng ngành dệt may năm 2022, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn như Mỹ, EU.

Nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại là điều kiện lý tưởng để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Nếu dịch COVID-19 sớm được kiểm soát, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành đạt khoảng 42 - 43,5 tỷ USD trong năm 2022 sẽ sớm thành hiện thực.

Hoàng Anh