|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu dệt may năm 2022 sẽ thế nào sau thời gian 'đóng băng' vì COVID-19?

07:29 | 13/12/2021
Chia sẻ
Các chuyên gia và doanh nghiệp ngành dệt may nhận định với những tín hiệu tích cực từ thị trường, nguồn lao động, ngành dệt may Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội, tăng kim ngạch xuất khẩu lên mốc lý tưởng 43,5 tỷ USD trong năm 2022.

Đơn hàng mới phủ đến quý II/2022, thị trường dự báo sẽ ấm trở lại

Sau thời gian đình trệ sản xuất do dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư trong năm 2021, các doanh nghiệp ngành dệt may đã nhanh chóng quay trở lại nhịp độ sản xuất vào các tháng cuối năm, đồng thời ráo riết chuẩn bị cho sự hồi phục trong năm 2022.

Chia sẻ với người viết, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết doanh nghiệp đã hoạt động trở lại từ đầu tháng 10, hiện đơn vị đang hoàn tất các đơn hàng để khách hàng bán vào dịp Noel và năm mới. 

Bên cạnh đó, liên tục bổ sung các đơn hàng mới từ các khách hàng truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... đến hết tháng 6/2022.

Cũng theo ông Việt ngành dệt may đang trên đà phục hồi, nhiều nơi đã khôi phục 80-90%, thậm chí có doanh nghiệp đã trở về mức trước dịch.

Không chỉ đơn hàng dồi dào trở lại mà tinh thần người lao động cũng đang rất háo hức sau khi được quay lại làm việc, có những doanh nghiệp năng suất cao hơn bình thường.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP HCM (AGTEK), cho hay sau khoảng thời gian dài ngừng sản xuất, công nhân đang rất cần việc và thu nhập. 

Có nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án tăng ca, làm thêm giờ để kịp các đơn hàng và được người lao động rất hợp tác. Đây cũng là tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp dệt may phía Nam để nhanh chóng phục hồi sản xuất.

Dự báo của Tập đoàn Navigos Group cũng cho biết các doanh nghiệp dệt may lớn và có uy tín đang có rất nhiều đơn hàng. Có những công ty đã nhận đơn hàng tới tận quý II năm sau và vẫn đang cần tuyển thêm nhiều lao động. Do đó, việc tuyển dụng có thể sẽ tăng do tăng đơn hàng và nhu cầu mở rộng sản xuất.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, đơn các doanh nghiệp không ngừng thu hút khách hàng cùng với tình hình dịch bệnh khả năng được kỳ vọng kiểm soát tốt hơn sẽ giúp thị trường tiêu thụ của dệt may ấm lên.

Do đó, sau khoảng hai năm thị trường dệt may toàn cầu bị “áp lực” quá lớn, nếu phục hồi nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao. Doanh nghiệp nên “chớp” lấy cơ hội để vươn lên trong năm 2022, liên kết lại với nhau để khai thác được tiềm năng tăng trưởng của thị trường dệt may thế giới.

Xuất khẩu dệt may năm 2022 sẽ "chớp" nhiều cơ hội?

Bước sang năm 2022, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) xây dựng mục tiêu xuất khẩu theo ba kịch bản. Kịch bản tích cực nhất phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 42,5 đến 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022.

Kịch bản trung bình đạt từ 40 đến 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm. 

Và kịch bản thấp nhất đạt 38-39 tỷ USD, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022.

Theo ông Phạm Văn Việt, nếu các địa phương sớm kiểm soát dịch bệnh thì mong muốn tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2021 là khả quan. Bởi thị trường đầu ra vẫn rất tốt, khả năng phục hồi sản xuất sau dịch cũng ở mức cao.

Xuất khẩu dệt may năm 2022 sẽ thế nào sau thời gian 'đóng băng' vì COVID-19? - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng tiêu thụ hàng dệt may sẽ tiếp tục phục hồi cùng với nền kinh tế trong năm 2022. (Ảnh: Zing News)

Báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cũng dự báo rằng ngành dệt may Việt Nam năm 2022 vẫn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực.

Cụ thể, Hiệp định EVFTA, CPTPP sẽ giúp thị phần dệt may của Việt Nam tại Mỹ, EU và Mỹ mở rộng. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển nguồn cung ứng dệt may thế giới ra khỏi Trung Quốc, còn Việt Nam là một trong những điểm đến của các nhà nhập khẩu, hãng bán lẻ.

COVID-19 cũng làm thay đổi một số xu hướng. Đó là thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm thể thao. Đồng thời cũng thúc đẩy số hóa trong toàn ngành với gần 40% tổng doanh số bán hàng hiện đang được tạo ra từ các kênh kỹ thuật số.

Các doanh nghiệp cũng chú trọng hơn đến quy trình sản xuất "xanh" trong nhà máy và sản xuất sợi bông, sợi tái chế. Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn các đơn hàng của các đối tác lớn đang quan tâm đến vấn đề bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu như H&M, Uniqlo, Nike, Adidas,…

Tương tự, Mirae Asset cũng kỳ vọng tiêu thụ hàng dệt may sẽ tiếp tục phục hồi cùng với nền kinh tế trong năm 2022 do hầu hết các thị trường chính đã đạt tỷ lệ hoàn thành tiêm vắc xin COVID-19 trên 70% dân số.

Ngoài ra, các FTA sẽ tiếp tục phát huy tác dụng. Đối với CPTPP, đơn vị này kỳ vọng giá trị xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Canada năm 2022 sẽ tăng trưởng 10% so với cùng kỳ.

Còn với hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu hàng dệt may vào EU tiếp tục được cắt giảm dần theo hiệp định sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam. Nhờ đó, khả năng xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU tiếp tục tích cực trong năm 2022 và giá trị xuất khẩu mặt hàng quần áo dự phóng đạt 3 tỷ Euro, tăng 11% so với cùng kỳ.

Kịch bản vẫn còn nhiều trở lực

Với những dự báo lạc quan, xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam có thể được sẽ có những phục hồi tích cực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình những tháng cuối năm 2021 liên tục "đảo chiều", giá năng lượng, lạm phát… tăng cao. Đặc biệt là tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, làn sóng biến chủng COVID-19 mới đang bùng phát, điều này dẫn tới năm 2022 sẽ là một năm khó dự doán cho các kịch bản xuất khẩu của ngành.

Cụ thể, theo các doanh nghiệp, dù có đơn hàng dồi dào song một trong những khó khăn mà ngành hàng đang đối diện là giá cả nguyên phụ liệu đầu vào đều tăng cao.

"Giá nguyên phụ liệu tăng, giá gia công cũng tăng nên giá bán tăng theo. Hiện doanh nghiệp tiếp tục nhận được bảng báo giá mới là tăng thêm khoảng 10% so với mức giá cũ", ông Việt cho hay.

Bên cạnh đó, hiện nay khách hàng trở nên dè chừng hơn khi phải theo dõi tình hình tiêu thụ của thị trường nên phần lớn các đơn hàng bị giảm số lượng, giá trị cũng không lớn và hợp đồng ký kết từng bước thay vì thời gian dài như các năm trước.

Ngoài ra, áp lực lớn nhất của doanh nghiệp là vừa đảm bảo khôi phục sản xuất, vừa đảm bảo các tiêu chí an toàn cho người lao động.

Ông Phạm Xuân Hồng cho biết đã có nhiều thông tin nóng về việc thiếu hụt lao động sau khi mở cửa trở lại. Tuy nhiên, riêng ngành dệt may lại có những tín hiệu vui khi tình hình lao động của các doanh nghiệp đã trở lại khoảng 90%.

Vấn đề hiện nay là "chăm sóc" cho người lao động giữa bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, các F0 vẫn có thể lây lan trong các nhà máy, doanh nghiệp, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất vẫn tồn tại.

Do đó, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư cải tiến thiết bị mới để tăng năng suất lao động. Đây cũng sẽ là xu hướng trong thời gian tới khi nguồn cung về lao động còn chưa ổn định.

Như Huỳnh