Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát, xuất khẩu dệt may năm 2022 có thể đạt 43,5 tỷ USD
VOV đưa tin tại cuộc họp báo trước thềm Hội nghị ngành dệt may năm 2021, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: "Sau khi Chính phủ thay đổi chiến lược từ "Zero Covid" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ngành dệt may Việt Nam có những khởi sắc trong quý IV.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt kim ngạch 39 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2020".
Với kết quả này, ngành "về đích" với mục tiêu đặt ra từ cuối năm 2020 và vượt so với kịch bản tăng trưởng cao nhất 38 – 38,5 tỷ USD trong năm 2021 điều chỉnh khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hiệp hội xây dựng 3 kịch bản phát triển trong năm 2022.
Kịch bản thứ nhất, nếu đầu năm 2022 dịch COVID-19 được kiểm soát, ngành dệt may Việt Nam đặt ra mục tiêu xuất khẩu 42,5 - 43,5 tỷ USD.
Ở kịch bản trung bình, nếu tình hình dịch bệnh có thể kiểm soát về cơ bản vào giữa năm 2022, ngành dệt may đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 40 – 41 tỷ USD.
"Trong tình hình xấu nhất, khi biến chủng Omicron đang bùng phát tại nhiều nước trên thế giới và khả năng kiểm soát dịch bệnh kéo dài đến cuối năm 2022.
Ngành dệt may Việt Nam vẫn có thể đạt mức xuất khẩu từ 38 – 39 tỷ USD", ông Cẩm nói.
Ngành dệt may đang cố gắng giữ hoạt động của chuỗi cung ứng bởi sự gắn bó giữa khách hàng với doanh nghiệp là một trong những điều kiện sống còn.
Bởi, nếu khách hàng chuyển sang thị trường khác, doanh nghiệp rất khó kéo họ quay trở lại.
Để giúp các doanh nghiệp phục hồi hậu COVID-19, ngành dệt may xác định việc quan trọng nhất là tiêm vắc xin cho người lao động.
Do đó, hiệp hội kiến nghị Nhà nước đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi thứ 3 cho người lao động để ngành dệt may Việt Nam có thể giao lưu với thế giới, cải thiện hoạt động xuất nhập khẩu trong điều kiện bình thường mới.
Ngoài ra, ông Cẩm cho rằng Nhà nước cần nâng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ giúp doanh nghiệp có nguồn lực phát triển.