Ngành dệt may phục hồi từ đáy khủng hoảng
Theo CTCK BIDV (BSC), lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may có sự tăng trưởng tích cực, trong đó CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) tăng 149%; Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ (HTG) tăng 85%; CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) tăng 36%; CTCP May Sông Hồng (MSH) tăng 17% và Dệt may Thành Công (TCM) tăng 18%...
BSC cho rằng triển vọng ngành dệt may năm 2022 khá khả quan khi hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, giá trị đơn hàng dệt may tiếp tục tăng và Việt Nam có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Trước đó quý III/2021, việc giãn cách xã hội ở các tỉnh thành phía Nam đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện đơn hàng dệt may cho khách hàng.
Tuy nhiên, Việt Nam đã nhanh chóng phủ sóng vắc xin cho người dân, công nhân giúp tỷ lệ tử vong giảm mạnh, do vậy việc tái phong tỏa trong năm 2022 khó có thể xảy ra, đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của các nhà máy.
Tính đến hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã có đơn đặt hàng đến quý II, thậm chí sang quý III. Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may trong năm 2022 đều có kế hoạch mở rộng công suất nhà máy để phục vụ nhu cầu tăng thêm của khách hàng.
BSC cho rằng các thương hiệu thời trang lạc quan về triển vọng bán hàng khi nhu cầu mua sắm sau đại dịch tiếp tục tăng trưởng. Đồng thơi, cùng với xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam sẽ đảm bảo giá trị đơn hàng tăng trưởng tích cực trong năm 2022.
Bên cạnh xu hướng dài hạn chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn, BSC kỳ vọng trong năm 2022, Việt Nam được hưởng lợi so với các quốc gia đối thủ (Bangladesh, Myanmar) nhờ tỷ lệ bao phủ vắc xin cao và ổn định chính trị.
Hiện tại, Bangladesh và Myanamar có tỷ lệ dân số đã tiêm 2 mũi vắc xin lần lượt là 35,7% và 34,6%, thấp hơn tỷ lệ phủ 73,9% của Việt Nam.
Đồng thời, cả Bangladesh và Myanamr đều đang ghi nhận các ca nhiễm tăng cao, tăng khả năng việc Chính phủ phải thực hiện các biện pháp tái giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngành dệt may, một ngành sử dụng nhiều lao động.
Ngoài ra, tình hình căng thẳng chính trị tại Myanmar tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến ngành dệt may ở nước này khi mới đây nhất, hai công đoàn lớn nhất nước này đều kêu gọi các hãng hời trang nước ngoài ngừng giao thương với Myanmar để gây áp lực lên quân đội.
Bất ổn chính trị và lo ngại về quyền lợi của người lao động sẽ khiến các hãng thời trang rút đơn hàng tại Myanmar và tìm quốc gia thay thế khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam.