|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vinatex: Đón sóng đầu tư, dệt may tạo sức hút các ‘đại gia’ thế giới

14:14 | 03/05/2022
Chia sẻ
Theo lãnh đạo Vinatex, ngành Dệt may Việt Nam trong vòng thập kỷ tới sẽ đón nhận một làn sóng đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ các doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý III. (Ảnh: Vietnam+)

Mặc dù chịu nhiều tác động từ dịch bệnh COVID-19, chi phí logistics tăng cao…, song dệt may vẫn là một trong những ngành hàng xuất khẩu có kết quả ấn tượng nhất của Việt Nam trong quý đầu năm 2022.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), hiệu quả đầu tư cùng với việc tận dụng tốt các cơ hội thị trường và khách hàng đã giúp ngành vượt qua được nhiều khó khăn, thách thức.

Hơn nữa, với sức hấp dẫn và thương hiệu ngày càng được khẳng định, Việt Nam sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong tương lai của các “ông lớn” dệt may toàn cầu.

Quý I tốt nhất trong 10 năm

- Nhìn lại những kết quả nổi bật của ngành dệt may trong quý I, theo ông đâu là nguyên nhân tạo ra lợi thế cho ngành Dệt may Việt Nam trên bản đồ thế giới?

Ông Cao Hữu Hiếu: Đến hết quý I, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm ngành tăng trưởng xuất khẩu tốt, với kim ngạch xuất khẩu 8,84 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Không nằm ngoài xu hướng này, kết quả sản xuất-kinh doanh quý I của Vinatex khá tốt. Theo đó, doanh thu hợp nhất quý I đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 28,5% so với kế hoạch. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 376 tỷ, tăng gần 74% so với 2021 và đạt 39,6% so với kế hoạch 2022. Đây là kết quả quí 1 tốt nhất của Vinatex trong vòng 10 năm trở lại đây.

Đạt được những kết quả như vậy, trong Chiến lược phát triển sản xuất nguyên liệu của Vinatex (giai đoạn 2015-2020), chúng tôi đã xác định việc chủ động nguyên vật liệu trong sản xuất sản phẩm dệt may, tránh phụ thuộc là yếu tố vô cùng quan trọng trong phát triển dài hạn. Vì vậy, giai đoạn này, Vinatex đã đầu tư một số dự án sản xuất sợi với công nghệ hiện đại, cho sản phẩm phổ thông cấp chất lượng cao.

Trong năm 2021, Vinatex khánh thành và đưa vào sử dụng hai dự án sợi, tăng năng lực sản xuất của Vinatex lên thêm hơn 5 vạn cọc sợi. Những dự án này đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn thị trường sợi khởi sắc năm 2021, kéo dài sang quý I/2022.

Các dự án này cũng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc thực hiện chiến lược "Một điểm đến trọn gói" của Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong giai đoạn tới.

Đối với ngành sợi, tận dụng được các cơ hội thị trường, khách hàng trong quý I. Hầu hết các đơn vị sợi đầy tải với các đơn hàng được ký kết từ cuối 2021. Mặt khác, các đơn vị sợi cũng có lợi thế với lượng bông nguyên liệu đã được mua từ sớm trong năm 2021 với giá thấp hơn giá bông mua tại thời điểm quý I/2022.

Với ngành may, trong những tháng đầu quý I, tình hình dịch bệnh có dấu được kiểm soát tốt, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc của ngành may, đặc biệt là các đơn vị may phía Nam cao, lên tới hơn 90%. Điều này giúp các đơn vị nhanh chóng ổn định lao động, triển khai sản xuất hiệu quả. Nhiều đơn vị đã ký kết đơn hàng hết quý II, thậm chí hết quý III.

- Ông đánh giá thế nào về việc tạo đột phá trong việc thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy xuất khẩu từ các FTA thế hệ mới, nhất là hiệp định RCEP mà Việt Nam vừa tham gia?

Ông Cao Hữu Hiếu: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn khu vực (RCEP) tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và GDP tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

Trong khối Hiệp định RCEP có một số nước là thành viên của Hiệp định CPTPP sẽ hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu "đầu vào" vì sẽ giúp bổ trợ phần nguyên liệu bị thiếu hụt trong nước hiện nay.

Đơn cử, Nhật Bản là một thị trường tiềm năng. Nếu như trước đây, hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản, trong khi đó Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Thì nay với Hiệp định RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may. (Ảnh: Vietnam+)

Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, điểm khác biệt là RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN.

RCEP được kỳ vọng là giải quyết được một số vấn đề lớn cho doanh nghiệp ngành dệt may khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam, cơ hội rộng mở với thị trường rộng lớn này. Về mặt thị trường xuất khẩu, chúng tôi kỳ vọng sẽ đẩy mạnh được xuất khẩu thêm nữa vào thị trường Nhật Bản và Trung Quốc.

Đối với bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào, Vinatex luôn luôn khuyến khích cũng như phổ biến kiến thức cho các đơn vị về lộ trình giảm thuế, quy tắc xuất xứ, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan, thuận lợi hóa thương mại...

Ngoài ra, tập đoàn cũng tổ chức các chuyến kết nối thực tế giữa doanh nghiệp trong Vinatex với khách hàng để doanh nghiệp chủ động tìm hướng hợp tác, thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tối đa các lợi ích mà hiệp định này mang lại.

Về thu hút đầu tư, chúng tôi đánh giá ngành Dệt may Việt Nam trong vòng thập kỷ tới sẽ đón nhận một làn sóng đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ các doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.

Những doanh nghiệp này khi thấy những cơ hội do các hiệp định thương mại tự do mang lại, song hành cùng sự phát triển nhanh và bền vững của ngành dệt may Việt Nam, sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình đầu tư chuỗi tại Việt Nam.

Tất nhiên, quá trình này một mặt sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam ghép nốt những mảnh ghép còn thiếu, còn yếu ở khâu dệt nhuộm hoàn tất, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành. Mặt khác cũng gây ra những thách thức không hề nhỏ cho các doanh nghiệp nội.

Tập trung sản xuất xanh

- Thực tế cho thấy, thị trường xuất khẩu ngày càng đỏi hỏi cao, đơn cử như EU dự kiến cấm nhiều hóa chất độc hại. Các doanh nghiệp dệt may đã có kế hoạch gì để thích ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường?

Ông Cao Hữu Hiếu: Đối với các sản phẩm dệt may xuất khẩu sang thị trường EU, nhà nhập khẩu có thể đòi hỏi các yêu cầu mà nhà xuất khẩu buộc phải có như: Yêu cầu liên quan đến an toàn sản phẩm, sử dụng hóa chất (như REACH). Yêu cầu này hạn chế việc sử dụng hóa chất trong quần áo và đồ trang trí, bao gồm một số thuốc nhuộm azo, chất chống cháy, hóa chất chống thấm và chống ố và niken.

Cùng đó, EU yêu cầu đảm bảo sản phẩm tuân thủ Chỉ thị An toàn sản phẩm chung của Liên minh châu Âu ( GPSD: 2001/95 / EC)... Ngoài ra, nhà nhập khẩu có thể có các yêu cầu về trách nhiệm xã hội đối với người bán...

Đặc  biệt, trong vòng ba năm tới, xu hướng nhiều người mua sẽ yêu cầu người bán phải đáp ứng nhiều hơn các vấn đề liên quan tói truy xuất nguồn gốc nguyên liệu; sử dụng nhiều vật liệu tái chế hoặc tái sinh hơn; giảm lượng khí thải carbon và việc sử dụng hóa chất của sản phẩm; đo lường tác động môi trường của quá trình sản xuất, và đảm bảo mức lương đủ sống và môi trường làm việc an toàn cho nhân viên của nhà máy.

Hiện nay, các đơn vị thành viên của Vinatex đáp ứng khá tốt yêu cầu của các thị trường nhập khẩu đối với các  quy định về hoá chất và an toàn sản phẩm. Các quy định này luôn được khách hàng kiểm soát rất chặt chẽ và doanh nghiệp không có cách nào ngoài việc bắt buộc phải tuân thủ.

Tuy nhiên, khó khăn sắp tới sẽ nằm ở việc đáp ứng những quy định liên quan đến môi trường, trách nhiệm xã hội mà khách hàng và người tiêu dùng tại các thị trường nhập khẩu ngày càng quan tâm.

Vì vậy, để có thể từng bước chuẩn bị cho việc tuân thủ đầy đủ các quy định này, quan điểm đầu tư của Vinatex trong những năm tới sẽ đầu tư chủ động theo định hướng chiến lược của Tập đoàn để tạo liên kết chuỗi; nâng cao tỷ lệ ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết bị sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng, điều kiện làm việc, hướng tới quản trị thông minh, sản xuất xanh và bền vững.

Cùng với đó, tập đoàn sẽ đầu tư thiết bị tự động hoá cao, tăng năng suất, hướng tới giảm lao động và cải thiện điều kiện làm việc. Đầu tư thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng đặc biệt là nguồn năng lượng không tái tạo.

Tăng cường sử dụng năng lượng xanh, các dự án mới đều sử dụng điện áp mái. Nghiên cứu và triển khai sử dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm giảm phát thải, giảm sử dụng hoá chất, giảm tiêu thụ nước và năng lượng, hướng tới sản xuất xanh, bền vững.

Đặc biệt, Vinatex sẽ tiếp tục phát triển các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế, phù hợp với xu hướng và nhu cầu của các thị trường xuất khẩu mà Vinatex đang hướng đến.

- Mọi chi phí đều tăng (nguyên phụ liệu, logistics…), trong khi cạnh tranh cũng gay gắt hơn, xin ông cho biết về đơn hàng và dự báo về lợi nhuận của ngành trong quý II?

Ông Cao Hữu Hiếu: Tình hình thị trường dệt may thế giới có xu hướng trầm lắng, tổng cầu dệt may thế giới tăng trưởng dưới mức dự báo (cuối năm 2021, tổng cầu dệt may thế giới được dự báo sẽ tăng khoảng 5%, lên mức 740 tỷ USD).

Bên cạnh đó, những biến động do cuộc xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng khiến Vinatex dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II sẽ có nhiều khó khăn.

Cụ thể, các chi phí sản xuất đều tăng, trong đó nguyên nhiên vật liệu, vận tải, chi phí lao động (đặc biệt lương tối thiểu sẽ tăng 6% từ ngày 1/7/2022, kéo theo nhiều chi phí khác).

- Xuất khẩu dệt may vào một số thị trường trong tháng 1/2022:

Tình hình logistics vẫn căng thẳng. Đánh giá cho thấy, chi phí logistics tăng bởi giá xăng dầu tăng mạnh do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Dự kiến chi phí vận chuyển đường biển tăng khoảng 10-30% tuỳ từng tuyến đường; chi phí vận chuyển trong nước cũng được dự báo tăng khoảng 10%.
Ngoài ra, hiện tượng ùn nghẽn tại các cảng biển gia tăng do thiếu năng lực khai thác và nhu cầu vận chuyển tăng cao sau giai đoạn dịch bệnh.

Trong khi đó, thị trường tài chính tiền tệ cũng nhiều biến động: Lạm phát được dự báo sẽ tăng, kéo theo các chỉ số tỷ giá và lãi suất cũng có xu hướng tăng.

Với ngành sợi, ngay trong quý I, giá bông và xơ nguyên liệu đã có xu hướng tăng và sẽ còn tiếp tục tăng trong quý tới. Dự báo, gia bông quý II sẽ tăng khoảng 20 đến 30% so với giá trung bình năm 2021.

Trong khi đó, giá sợi thành phẩm lại có xu hướng giảm với dự báo khoảng 5%. Điều này khiến biên lợi nhuận ngành sợi bị thu hẹp, thậm chí nếu tiếp tục diễn biến theo xu hướng này, ngành sợi sẽ có khả năng lỗ.

Ngành may cũng phải đối mặt với một số khó khăn như: tình trạng lao động nghỉ việc do nhiễm COVID-19 tại các đơn vị ngành may phía Bắc, khiến các doanh nghiệp này khó ổn định sản xuất, giảm năng suất, ảnh hưởng tới tiến độ đơn hàng.

Các chi phí sản xuất đều tăng, trong đó nguyên liệu ngành may đều tăng ở mức 3-5%. Bên cạnh đó, cầu bán lẻ hàng may mặc trong nước tiếp tục có xu hướng giảm do thắt chặt chi tiêu sau dịch cũng khiến ngành may thiếu thị trường.

Ngoài ra, những thách thức từ phái thị trường nhập khẩu như các quy định về môi trường, xã hội của thị trường EU, quy định về xuất xứ của thị trường Mỹ...

Tuy vậy, tình hình đơn hàng của các đơn vị may trong tập đoàn khá tốt, nhiều đơn vị đã đầy tải trong quý II, thậm chí có đơn vị đã ký kết đến hết quý III/2022.

Dự báo, trong quý II, ngành may sẽ có cơ hội gia tăng doanh thu và lợi nhuận nếu làm tốt công tác quản lý sản xuất và tiết giảm được các chi phí có liên quan.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Xuân Quảng

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.