|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch COVID-19 đè nặng lên đôi vai người phụ nữ và cách doanh nghiệp gỡ rối bất bình đẳng giới

15:09 | 14/03/2020
Chia sẻ
Phụ nữ được cho là ít có nguy cơ nhiễm COVID-19 hơn nam giới, tuy nhiên dịch bệnh bùng phát lại tạo ra một áp lực lên đôi vai vốn đã nặng trĩu vì bất bình đẳng giới của người phụ nữ.

Về mặt y khoa, dịch COVID-19 dường như gây tổn hại đến nam giới hơn nữ giới. Trong một phân tích trên gần 45.000 ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc, tỉ lệ tử vong đối với nam là 2,8%, trong khi đối với nữ là 1,7%. Bên cạnh đó, nam giới chiếm hơn một nửa trong tổng số ca nhiễm, ở mức 51%.

Có một giả thuyết cho rằng nam giới (đặc biệt là ở Trung Quốc) thường hút thuốc lá, do đó lá phổi của họ yếu hơn. Bệnh tim mạch, vốn có liên quan nhiều đến số ca tử vong do nhiễm COVID-19, cũng phổ biến ở nam giới hơn.

Phụ nữ gánh áp lực triền miên từ nhà đến cơ quan

Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, phụ nữ dường như lại đang chịu đựng gánh nặng từ tình trạng gián đoạn kinh tế và xã hội. Đại đa số y tá, tiếp viên hàng không, giáo viên, nhân viên ngành dịch vụ đều là nữ, và công việc đặt họ lên tuyến đầu của dịch bệnh.

Phụ nữ hiện đại vẫn phải chăm lo nhiều việc nhà. Do vậy, khi dịch COVID-19 khiến trường học đóng cửa, lệnh hạn chế di chuyển được ban bố và người già dễ nhiễm bệnh, họ lại phải làm việc nhiều hơn.

"Thách thức từ tình hình dịch bệnh nguy cấp khiến thực trạng bất bình đẳng giới hiện tại thêm căng thẳng", Bloomberg dẫn lời bà Laura Addati - chuyên gia về chính sách kinh tế và quyền phụ nữ tại Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cho hay.

Dịch COVID-19 đè nặng lên đôi vai người phụ nữ và cách doanh nghiệp gỡ rối bất bình đẳng giới - Ảnh 1.

Các sinh viên y khoa Ấn Độ tại Bệnh viện Gandhi ở Hyderabad hôm 6/3. (Ảnh: AP)

"Nếu không có sẵn người chia sẻ công việc chăm sóc con cái hoặc việc nhà, mọi thứ sẽ đổ dồn vào người phụ nữ. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm dạy học từ xa, đảm bảo gia đình có đủ thức ăn cũng như đồ dùng, và chính họ là người đứng ra ứng phó với cuộc khủng hoảng này", bà Addati chia sẻ.

Theo Bloomberg, cứ 8 trong 10 y tá là nữ giới. Đây có lẽ là ví dụ cực đoan nhất cho thấy dịch COVID-19 đang kìm hãm người phụ nữ ngay cả ở nhà cũng như ở nơi công sở.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thông tin, giới chức Trung Quốc đã cử hơn 41.000 nhân viên y tế trên khắp cả nước đến để hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ tại tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Tính đến ngày 24/2, 3.387 nhân viên y tế tại Trung Quốc đã nhiễm COVID-19, hơn 90% tập trung tại Hồ Bắc. Hơn 50% bác sĩ và 90% y tá tại Hồ Bắc là nữ giới, theo Liên đoàn Phụ nữ Thượng Hải.

Nhìn rộng hơn, sau khi phân tích dữ liệu tại 104 quốc gia, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nữ giới chiếm 70% đội ngũ nhân viên trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Dù cùng ngành nhưng thu nhập họ lại kiếm được ít hơn nam giới 11%.

Dịch COVID-19 đè nặng lên đôi vai người phụ nữ và cách doanh nghiệp gỡ rối bất bình đẳng giới - Ảnh 2.

Bà Eleanor Holroyd - từng là giáo sư ngành điều dưỡng tại Đại học Hong Kong vào năm 2003, đã thu thập loạt dữ liệu đầu tiên về các nữ sinh viên chuyên ngành điều dưỡng trong đại dịch SARS.

Họ mô tả chi tiết tâm trạng bối rối, lo lắng và căng thẳng sau nhiều ngày dài chăm sóc bệnh nhân và chứng kiến đồng nghiệp ngã bệnh. Một số nữ sinh viên phải ngủ trong bệnh viện, vừa để chăm sóc người ốm vừa để bảo vệ gia đình của họ.

"Người ta có ý nghĩ là nếu có khoảng trống trong hệ thống y tế, các nữ y tá sẽ lấp đầy chỗ trống đó. Nhiệm vụ của họ là phải luôn xuất hiện, hữu hình, chăm sóc và cảm thông với bệnh nhân", bà Holroyd nói.

"Thêm vào đó, con hay bố mẹ ốm, hoặc chồng hay người yêu không có việc làm, cùng tính bất định của dịch bệnh khiến các nữ y tá khó có thể trụ vững", bà chia sẻ.

Theo ước tính vào ngày 10/3 của UNESCO, như một phần của nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19, 15 quốc gia/vùng lãnh thổ đã đóng cửa toàn bộ trường học trên cả nước, khiến 300 triệu trẻ em bị ảnh hưởng.

Với đa phần hộ gia đình, bước đi đó đã tạo ra một cuộc khủng hoảng đúng nghĩa. Tại Hong Kong (nơi trường học đã đóng cửa từ ngày 3/2), nhiều bố mẹ - chủ yếu là các bà mẹ, phải trở thành gia sư tại nhà bất đắc dĩ, quản lí các lớp học từ xa và giao bài tập cho con cái, bên cạnh trách nhiệm công việc ở cơ quan.

Cũng theo WEF, phụ nữ và bé gái là nhóm đối tượng thường phải làm phần lớn những việc không công.

ILO dẫn số liệu cho biết phụ nữ thực hiện khoảng 76,2% trong tổng số giờ chăm sóc sức khỏe không hưởng lương, nhiều hơn ba lần so với nam giới. Tại châu Á - Thái Bình Dương, tỉ lệ này tăng lên đến 80%.

Khi hệ thống y tế bị quá tải, nhiều người nhiễm COVID-19 sẽ phải được chăm sóc tại nhà, từ đó làm gia tăng gánh nặng cho người phụ nữ, cũng như đặt họ vào rủi ro bị lây nhiễm.

Dịch COVID-19 đè nặng lên đôi vai người phụ nữ và cách doanh nghiệp gỡ rối bất bình đẳng giới - Ảnh 3.

Phụ nữ phải chăm lo cuộc sống gia đình, con cái và công việc ở văn phòng. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Doanh nghiệp gỡ rối bất bình đẳng giới trong dịch COVID-19

Một số công ty đã bắt đầu nhận ra rằng dịch COVID-19 cũng gây thêm áp lực cho nhiều công nhân của họ.

Tại Nhật Bản, Pasona Group - một công ty cung ứng dịch vụ nhân sự, đã cho nhân viên tự do làm việc tại nhà hoặc mang con đến văn phòng.

Nhân viên tại công ty mĩ phẩm Shiseido có thể nghỉ phép 10 ngày có lương để chăm sóc con cái trong khi trường học đóng cửa và họ sẽ không bị trừ lương nếu phải làm việc ít giờ hơn trong ngày.

Tại Mỹ, các nhà lãnh đạo công đoàn - bao gồm cả người đứng đầu các công đoàn lớn cho tiếp viên hàng không, giáo viên và y tá - đã sử dụng dịch COVID-19 để thu hút sự chú ý của công chúng nhằm chứng minh: Trong nhóm các quốc gia phát triển, chỉ riêng Mỹ là nước duy nhất không có qui định nghỉ phép có lương.

"Không ai nên đi làm khi đang ốm chỉ vì họ lo sẽ bị phạt hoặc trừ lương", bà Mary Kay Henry - Chủ tịch Liên đoàn Nhân công Dịch vụ Quốc tế, nhấn mạnh.

Khả Nhân

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.