Người phụ nữ đứng sau thành công của tập đoàn CJ và phim 'Kí sinh trùng': Học vấn khủng, đam mê điện ảnh và văn hóa Hàn Quốc
Sáng ngày 10/2 có lẽ là lần đầu tiên mà nhiều người biết đến Miky Lee khi nhà sản xuất của tác phẩm "Parasite" (Ký sinh trùng) gửi đến khán giả tại nhà hát Dolby những chia sẻ cuối cùng sau khi bộ phim bom tấn của làng điện ảnh châu Á đạt giải Phim xuất sắc nhất Oscar 2020.
Song nhiều người còn chưa tầm ảnh hưởng đến ngành giải trí Hàn Quốc của bà Miky Lee trong nhiều thập kỉ qua.
"Đó là một khoảnh khắc mang tính lịch sử", Los Angles Times dẫn lời nhà sản xuất tác phẩm điện ảnh Ký sinh trùng tại buổi tiệc hậu Oscar.
"Tôi không chắc thành tích của Ký sinh trùng có ý nghĩa như thế nào đối với Hollywood, nhưng tôi chắc chắn tôi hiểu mọi thứ lớn lao với chúng tôi đến nhường nào. Nó mở ra cánh cửa mới cho các nhà làm phim Hàn Quốc", bà Miky Lee chia sẻ.
Ở tuổi 61, Miky Lee, tên tiếng Hàn là Lee Mi-kyung, nổi tiếng với biệt danh "bà trùm" truyền thông quyền lực bậc nhất Hàn Quốc.
Người phụ nữ có vóc dáng nhỏ đã dành phần nhiều tài sản của bản thân trong cơ ngơi đồ sộ của gia đình để gây dựng đế chế truyền thông trị giá 4,1 tỉ USD - Tập đoàn CJ.
Los Angeles Times đã điểm qua 6 dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp của "bà trùm" Miky Lee, góp phần lí giải tại sao niềm đam mê với điện ảnh của bà đã gián tiếp giúp Ký sinh trùng chạm đến giấc mơ Oscar.
Phó Chủ tịch Tập đoàn CJ, cháu gái của chủ tịch đầu tiên tại Samsung
Tập đoàn CJ ra đời vào đầu những năm 1950 bởi ông nội của bà - ông Lee Byung-chul. Ông Lee Byung-chul còn là Chủ tịch đầu tiên của gã khổng lồ công nghệ toàn cầu Samsung.
Ban đầu CJ là một công ty con của Samsung, kinh doanh bột mì và đường, sau đó mở rộng sang lĩnh vực công nghệ sinh học và dược phẩm. Vào năm 1993, CJ tách ra khỏi tập đoàn Samsung.
Anh trai của bà Miky Lee, ông Lee Jay-hyun, tiếp quản vị trí CEO của Tập đoàn CJ vào năm 2004 nhưng sau đó vắng mặt từ năm 2014 vì bị bắt và kết tội tham ô, trốn thuế.
Dẫu vậy, Miky Lee vẫn vẫn dành sự biết ơn cho anh trai vì ông đã đồng hành cùng bà trong hành trình đưa CJ tiến vào lĩnh vực giải trí thế giới thông qua khoản đầu tư sớm vào hãng phim DreamWorks.
Trong khoảng thời gian anh trai vào tù, bà Miky Lee đã đứng ra điều hành Tập đoàn CJ dưới chức danh Phó Chủ tịch, đồng thời quản lí cả CJ E&M - công ty truyền thông và giải trí của CJ.
CJ E&M là cái nôi sản sinh ra nhiều chương trình cũng như ngôi sao lớn tại Hàn Quốc như Produce 101 mùa 1 và 2, "boygroup" Wanna One, huyền thoại âm nhạc Seo Taiji,...
Miky Lee là một "fan" bự của làng điện ảnh
Trả lời các phóng viên tại Hollywood, đạo diễn Bong Joon Ho - chủ nhân tượng vàng Đạo diễn xuất sắc nhất, cho hay: "Miky Lee là một người yêu thích điện ảnh cuồng nhiệt, bà ấy đã xem qua rất nhiều bộ phim và muốn đem niềm đam mê cháy bỏng đó đến với thế giới kinh doanh".
Theo Los Angeles Times, CJ đã tài trợ cho Ký sinh trùng cũng như tác phẩm điện ảnh khác của đạo diễn "quái kiệt" Bong Joon Ho như Chuyến tàu băng giá (Snowpiecer), Người mẹ (Mother) và Hồi ức kẻ sát nhân (Memories of Murder).
Niềm yêu thích của Phó Chủ tịch CJ với điện ảnh hình thành từ khi bà còn là một đứa trẻ luôn say mê xem hết các chương trình được thực hiện tại một studio do ông nội bà làm chủ.
Con đường học vấn danh giá
Bên cạnh niềm đam mê lớn với lĩnh vực điện ảnh, học vấn của Miky Lee cũng khiến nhiều người khâm phục.
Bà có bằng cử nhân tại Đại học Quốc gia Seoul - một trong những trường hàng đầu Hàn Quốc, sau đó theo học tiếng Trung và ngôn ngữ học tại Đại học Quốc gia Đài Loan, cùng tiếng Nhật tại Đại học Keio (Nhật Bản).
Tiếp tục theo học lên cao hơn, người phụ nữ nhỏ bé Miky Lee nhận thêm bằng cử nhân chuyên ngành châu Á vào năm 1986. Ngoài ra, bà còn học thêm văn học và lịch sử Trung Quốc ở Đại học Phục Đán (Trung Quốc).
Đáng chú ý, năm 1987, cháu gái cựu Chủ tịch Samsung còn học lên thạc sĩ tại Đại học Harvard danh giá. Tại đây, bà đã phát huy sở trường giảng dạy và quan tâm đến việc giới thiệu văn hóa Hàn Quốc đến các sinh viên người Mỹ gốc Hàn.
Là một trong những nhà đầu tư đầu tiên của DreamWorks
Năm 1995, Miky Lee và anh trai đã kêu gọi CJ đầu tư 300 triệu USD vào DreamWorks để đổi lấy quyền phân phối các tác phẩm của hãng tại châu Á (ngoại trừ Nhật Bản).
CJ trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai vào DreamWorks, studio sáng lập bởi đạo diễn lừng danh Steven Spielberg, Jeffrey Katzenberg và David Geffen.
Thậm chí, ông Katzenberg từng chia sẻ với tờ THR rằng nếu không có bà Miky và nhà đầu tư đầu tiên - ông Paul Allen, thì sẽ không có DreamWorks của ngày nay.
Một số bộ phim thành công của DreamWorks có thể kể đến như Bí kíp luyện rồng (How to Train Your Dragon), Shrek, Kung Fu Panda và Người tuyết nhỏ bé (Abomiable).
Góp công mang hệ thống rạp đa phương tiện CGV về Hàn Quốc
Hệ thống rạp CGV được công ty con CGV của CJ mở ra vào năm 1998. Đến năm 2004, đây là chuỗi rạp chiếu phim đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Hàn Quốc.
Đến năm 2017, CGV đã lập thành tích mới khi xây dựng rạp IMAX lớn nhất thế giới tại Seoul.
Đến nay, CJ CGV là một trong 5 cụm rạp chiếu phim lớn nhất toàn cầu và là nhà phát hành, cụm rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam. Theo số liệu đến quí III năm 2019, CGV đang vận hành khoảng 453 màn chiếu phim tại Việt Nam, đạt doanh thu gần 900 tỉ đồng.
Động lực thúc đẩy thành công của làn sóng K-pop trên toàn cầu
Chia sẻ trên tờ Wired năm 2013, Miky Lee cho hay ước mơ của bà là "muốn thấy người dân trên khắp thế giới thưởng thức văn hóa Hàn Quốc".
Kcon, hiện được xem là "lễ hội âm nhạc và văn hóa Hàn Quốc lớn nhất thế giới" chính là ý tưởng của bà nhằm hiện thực hóa mong mỏi mà bà từng tiết lộ.
Ra mắt vào năm 2012, sự kiện này diễn ra ở nhiều quốc gia, kể cả Mỹ. Ở Los Angeles, Kcon kéo dài 4 ngày mỗi năm và người hâm mộ sẽ có cơ hội gặp mặt thần tượng mà họ yêu mến.
BTS, nhóm nhạc toàn cầu đến từ một công ty giải trí nhỏ tại Hàn Quốc, đã tham dự Kcon năm 2014. BTS là minh chứng cho thấy ban nhạc nam không có hậu thuẫn lớn mạnh vẫn có thể vươn ra thế giới và đạt những thành tích đáng tự hào, tương tự như cách văn hóa Hàn Quốc trỗi dậy từ châu Á đến với người hâm mộ toàn cầu.