|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đâu là nguyên nhân gây 'sốt đất'?

20:52 | 14/04/2021
Chia sẻ
Trước tình trạng "sốt đất" diễn ra tại nhiều nơi trong cả nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc và có những giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng này.

Chiều 14/4, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh xoay quanh tình trạng trên.

Phóng viên: Thời gian qua, tình trạng "sốt đất", tăng giá ảo đồng loạt diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Thứ trưởng có thể lý giải nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng này?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời, cùng sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương nên thị trường bất động sản Việt Nam được sự kiểm soát và phát triển ổn định, lành mạnh, kể cả giai đoạn chị ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 như năm 2020 vừa qua.

Tuy nhiên, bước vào quý I/2021, thị trường bất động sản có nhiều biến động. Mặc dù lượng giao dịch chỉ bằng khoảng 70% các giao dịch ở quý IV/2020 nhưng giá lại tăng. Phân khúc chung cư tăng từ 5 – 10%. Đáng chú ý là giá bất động sản đất nền có hiện tượng tăng nóng, cục bộ ở một số địa phương trên cả nước. Điển hình là một số vùng ven tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận… Hiện tượng tăng giá đất nền một cách cục bộ, nhưng lại tăng rất nhanh.

Điều này khiến nhiều người dân bỏ cả công việc, sản xuất kinh doanh để kinh doanh đất, tạo nên hiện tượng "sốt", dẫn đến nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và lan rộng trên cả nước.

Đặc biệt, trên thị trường bất động sản nổi lên việc giao dịch các sản phẩm không đủ điều kiện pháp lý. Nhiều dự án chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã giao dịch, thậm chí giao dịch cả đất rừng, đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đầu tư phát triển các dự án bất động sản. Đây là các giao dịch không đảm bảo yêu cầu pháp lý, tiềm ẩn rủi ro, nhất là khi người dân ồ ạt đầu tư vào sản phẩm này. Có 5 nguyên nhân cần được nhận diện.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm và bắt đầu triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có việc triển khai lập quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch 2017. Theo đó, các địa phương thực hiện quy hoạch đầu tư, phát triển các dự án đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn; đồng thời, nâng cấp đô thị một cách đồng bộ.

Tuy nhiên, việc lập quy hoạch, công bố quy hoạch của các địa phương cũng chưa được công khai, minh bạch để định hướng kịp thời cho người dân và doanh nghiệp. Lợi dụng "kẽ hở" này, nhiều nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản tranh thủ đẩy giá đất lên cao để trục lợi. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá đất lên cao như thời gian qua.

Nguyên nhân tiếp theo là trong thời gian dịch bệnh, lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại đều rất thấp nên không còn hấp dẫn người dân. Cùng đó, nhiều nhà đầu tư thắng lớn từ thị trường chứng khoán và chuyển hướng sang bất động sản... Xu hướng đầu tư hướng vào bất động sản bởi họ cho rằng đây là giao dịch an toàn, hiệu quả và có cơ hội cho tương lai.

Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển các dự án về nhà ở, bất động sản, đô thị cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là thủ tục về pháp lý về đất đai, đầu tư, xây dựng... khiến nguồn cung hạn chế, chưa đáp ứng được cầu.

Trong khi đó, phát triển các nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội cho đối tượng người nghèo ở đô thị, công nhân khu công nghiệp lại chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, dẫn đến nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu, chưa đáp ứng đủ yêu cầu, nhu cầu của người dân hiện nay.

Nguyên nhân thứ 5 đến từ việc một số địa phương thực hiện lộ trình điều chỉnh giá đất với mức tăng từ 15 - 20%. Mặc dù việc tăng giá đất này chưa ảnh hưởng nhiều đến các giao dịch bất động sản hiện nay bởi các sản phẩm này đã được giao đất và đầu tư từ giai đoạn trước đây, nhưng chủ trương tăng giá đất đã ảnh hưởng đến tâm lý cả người bán và mua. Điều này cũng khiến thị trường bất động sản tăng giá.

Phóng viên: Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng và các địa phương phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng này. Vậy phải làm gì để hạ nhiệt giá đất trong thời điểm hiện nay, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Trước tình trạng "sốt đất", Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc và có những giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm hiện tượng "sốt đất" ảo. Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản để tháo gỡ khó khăn, nhất là tháo gỡ về trình tự, thủ tục đầu tư.

Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Xây dựng sửa đổi, các Nghị định cũng đã được Chính phủ ban hành như: Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng, Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư; các Nghị định sửa đổi liên quan đến Nghị định về quản lý, phát triển các dự án về nhà ở và hướng dẫn Luật Nhà ở, Nghị định về phát triển nhà ở xã hội... cũng được ban hành kịp thời.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm soát chặt chẽ tín dụng, nhất là tín dụng trong bất động sản để tránh "rủi ro kép" trong lĩnh vực này.

Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương tập trung đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở thương mại giá rẻ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, công nhân khu công nghiệp.

Về phía Bộ Xây dựng, chúng tôi đề nghị thời gian tới các địa phương tập trung hoàn thiện và phê duyệt các đồ án quy hoạch; trong đó chú ý đến các dự án phát triển đô thị, nhà ở đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật - xã hội; đảm bảo đầy đủ tính pháp lý cho các dự án bất động sản; kiểm soát giao dịch bất động sản...

Các địa phương cần công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai dự án nhằm minh bạch thông tin; ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ để đẩy giá, trục lợi.

Cùng đó, Bộ Xây dựng đề xuất phải có biện pháp chặt chẽ quản lý tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách phân lô đất, bán nền tại một số khu vực chưa được phép đầu tư. Quản lý, kiểm soát việc mua đi, bán lại các giao dịch bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt quản lý thật tốt các tổ chức, môi giới kinh doanh bất động sản tham gia giao dịch.

Các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp đầu tư kinh doanh bất động sản không đúng quy định, nhất là các "dự án ma", không đủ hồ sơ pháp lý, điều kiện kinh doanh.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản cũng phải thực hiện nghiêm túc trình tự, thủ tục đầu tư, nhất là thủ tục về giao đất, đầu tư xây dựng, dự án đầu tư kinh doanh bất động sản do doanh nghiệp thực hiện... để đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, tuân thủ quy định về đầu tư xây dựng trong dự án kinh doanh bất động sản.

Tôi đề nghị, thời gian tới các doanh nghiệp quan tâm đầu tư dự án bất động sản, nhà ở đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật - xã hội, đảm bảo tính pháp lý và thực hiện việc kinh doanh, giao dịch kinh doanh đúng quy định của pháp luật.

Phóng viên: Từ thực tế đang diễn ra, cơ quan chức năng có khuyến cáo gì đối với người dân, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, tôi tin rằng, thời gian tới các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở sẽ được đầu tư một cách đồng bộ, tạo ra nguồn cung lớn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường ở khu vực đô thị, khu vực ngoài đô thị, nhất là vùng ven.

Đặc biệt, các dự án liên quan về du lịch, khu đô thị sẽ được đảm bảo tính đồng bộ, tạo nên nguồn cung dồi dào, góp phần đưa thị trường bất động sản trở về trạng thái ổn định và lành mạnh, tránh tình trạng "bong bóng" như thời gian qua.

Bộ Xây dựng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp đang quan tâm đến lĩnh vực bất động sản hết sức bình tĩnh, cảnh giác với những thông tin đồn thổi. Khi có nhu cầu mua bất động sản cần tìm hiểu, xem xét kỹ hồ sơ pháp lý của dự án và chỉ giao dịch với những sản phẩm có hồ sơ pháp lý rõ ràng, đúng quy định của pháp luật.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thu Hằng (thực hiện)