Dàn cá mập lắc đầu trước công ty sản xuất giấy dán chống cháy, bức tranh tài chính gần như bằng 0 nhưng gọi vốn 1 triệu USD cho 15% cổ phần
Mở đầu, CEO Huỳnh Nguyệt Mai cho biết sản phẩm bà mang tới là vải dán tường được làm từ sợi thủy tinh cấp E, mang thương hiệu MV (Made in Việt Nam) với sứ mệnh xây dựng thương hiệu Việt mang tầm quốc gia.
Bà cho biết sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế và công ty Việt Long cũng đã đầu tư nhà máy sản xuất với hai dàn máy có công suất 15 triệu m2 mỗi năm. CEO Huỳnh Nguyệt Mai đưa ra kế hoạch từ năm 2021 đến 2024 sẽ đạt doanh số 900 tỷ đồng/năm và IPO vào năm 2025. Bà mong muốn nhận đầu tư 1 triệu USD cho 15% cổ phần công ty, tương đương mức định giá trước đầu tư lên đến 5,7 triệu USD.
Dẫu kế hoạch rất lớn lao, nhưng khi ông Nguyễn Xuân Phú hỏi về tình hình công ty, CEO Việt Long cho biết bức tranh tài chính của công ty "gần như là con số 0". Bà Huỳnh Nguyệt Mai chia sẻ doanh nghiệp của bà đã tồn tại được 27 năm và đã có lúc gần như phá sản, phải làm lại từ đầu.
Chia sẻ thêm về sản phẩm vải thủy tinh, bà Mai cho biết vải thủy tinh đã ra đời cách đây 4 năm. Đến cuối năm 2019, Việt Long mới chọn ra mô hình kinh doanh là chọn các đại lý phân phối khắp 63 tỉnh thành. Năm 2020 với dịch bệnh COVID-19 với nhiều khó khăn nhưng Việt Long vẫn đạt được 11,3 tỷ đồng doanh số.
"Chị sản xuất ở đâu? Của mình hay đi thuê? Tổng tiền đầu tư vào đó là bao tiền?", Shark Phú tiếp tục đặt câu hỏi quen thuộc.
Phản hồi ông Phú, đại diện công ty Việt Long cho biết sản phẩm được sản xuất tại nhà máy ở khu chế xuất Tân Thuận. Tổng số tiền đã đầu tư vào nhà máy của Việt Long là 2,6 triệu USD.
Giá vải dán tường sợi thủy tinh có giá vốn sản xuất là 300.000 đồng cho một cuộn 5 m2 và bán ra với giá 1,15 triệu đồng.
Tuy nhiên, giá bán ra lại gấp 5 - 10 lần giá giấy dán tường thông thường, theo tính toán của dàn cá mập. Về lợi thế cạnh tranh, sản phẩm của Việt Long ưu việt hơn giấy dán tường thông thường ở khả năng chống cháy. Bà Mai cho biết thêm điểm tâm đắc nhất của sản phẩm là khả năng kháng khuẩn, không lo gây kích ứng da sau khi rửa sạch bằng nước và xà phòng.
Shark Phú, Chủ tịch Sunhouse tiếp tục thắc mắc việc hiện Việt Long đã có nhà xưởng và hệ thống phân phối, vậy tại sao vẫn cần vốn từ các nhà đầu tư. Bà Mai đưa ra ba điểm khiến bà đang gặp phải là tổ chức marketing; đội nhóm sale và nguyên vật liệu.
Bà Đỗ Thị Kim Liên đưa ra nhận định, cho rằng Việt Long thành lập từ năm 1994 nhưng lại phát triển quá chậm và bây giờ lại gọi vốn quá cao dù không có tính cạnh tranh. Đây cũng là lý do bà từ chối đầu tư, bên cạnh việc không am hiểu sâu trong lĩnh vực này. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hòa Bình cũng từ chối Việt Long.
"Nếu như chị lo được các vấn đề đầu ra, xây dựng đại lý phân phối, chị có thể đưa ra cho họ quyền lợi và đổi lại được tạm ứng trước vốn để nhập nguyên vật liệu, khi đó chị sẽ có đầu ra và các ngân hàng hay định chế tài chính sẽ cấp vốn cho chị...", ông Phạm Thanh Hưng đưa ra lời khuyên cho Việt Long.
Ông Hưng cho rằng Việt Long có thể trở thành đối tác trong tương lai nhưng để đầu tư thì không. Ông quyết định từ chối.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Sunhouse cho rằng lĩnh vực này khá khó gọi vốn khi các nhà đầu tư không hiểu rõ về sản phẩm và số tiền cũng khá lớn. Ông cũng từ chối đầu tư nhưng vẫn đưa ra lời khuyên rằng CEO Huỳnh Nguyệt Mai nên tìm kiếm đối tác thực sự hiểu ngành hoặc khách hàng chính trong chuỗi phân phối tham gia góp vốn thì sẽ dễ gọi vốn hơn trên Shark Tank.
Về Shark Nguyễn Thanh Việt, ông cho rằng dự án này quá sức với CEO Huỳnh Nguyệt Mai. Ông đưa ra lời khuyên rằng Việt Long nên tìm người đủ khả năng, kỹ năng hơn để tiếp tục phát triển doanh nghiệp. Tương tự các vị cá mập còn lại, Shark Việt cũng từ chối đầu tư.