|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cường độ lao động là gì? Phân biệt với năng suất lao động

14:35 | 24/10/2019
Chia sẻ
Cường độ lao động là đại lượng chỉ mức độ hao phí sức lao động trong một đơn vị thời gian. Nó cho thấy mức độ khẩn trương, nặng nhọc hay căng thẳng của lao động.
laborintensive

Hình minh hoạ (Nguồn: investopedia)

Cường độ lao động

Khái niệm

Cường độ lao động tạm dịch sang tiếng Anh là Labor intensity.

Cường độ lao động là đại lượng chỉ mức độ hao phí sức lao động trong một đơn vị thời gian. Nó cho thấy mức độ khẩn trương, nặng nhọc hay căng thẳng của lao động.

Cường độ lao động tăng lên tức là mức hao phí sức cơ bắp, thần kinh trong một đơn vị thời gian tăng lên, mức độ khẩn trương, nặng nhọc hay căng thẳng của lao động tăng lên. 

Nếu cường độ lao động tăng lên thì số lượng (hoặc khối lượng) hàng hóa sản xuất ra tăng lên và sức hao phí lao động cũng tăng lên tương ứng, vì vậy giá trị của một đơn vị hàng hóa vẫn không đổi. 

Tăng cường độ lao động thực chất cũng như kéo dài thời gian lao động cho nên hao phí lao động trong một đơn vị sản phẩm không đổi.

Phân biệt với năng suất lao động

Năng suất lao động là sức sản xuất của lao động. Nó được đo bằng lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hoặc lượng thời gian lao động hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.

Tăng năng suất lao động và tăng cường độ lao động giống nhau ở chỗ: chúng đều dẫn đến lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian tăng lên. 

Nhưng chúng khác nhau ở chỗ: 

Tăng năng suất lao động làm cho lượng sản phẩm (hàng hóa) sản xuất ra trong một đơn vị thời gian tăng lên, nhưng làm cho giá trị của một đơn vị hàng hóa giảm xuống. 

Hơn nữa, tăng năng suất lao động có thể phụ thuộc nhiều vào máy móc, kĩ thuật, do đó, nó gần như là một yếu tố có "sức sản xuất" vô hạn;.

Còn tăng cường độ lao động, làm cho lượng sản phẩm sản xuất ra tăng lên trong một đơn vị thời gian, nhưng giá trị của một đơn vị hàng hóa không đổi. 

Hơn nữa, tăng cường độ lao động phụ thuộc nhiều vào thể chất và tinh thần của người lao động, do đó, nó là yếu tố của "sức sản xuất" có giới hạn nhất định. Chính vì vậy, tăng năng suất lao động có ý nghĩa tích cực hơn đối với sự phát triển kinh tế.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin, PGS. TS. Nguyễn Văn Hảo, Bộ Giáo dục và đào tạo)

Diệu Nhi