|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc chiến với COVID-19, vì sao nước Mỹ thất bại?

17:05 | 12/04/2020
Chia sẻ
Trên trang Facebook cá nhân, Derrick Smith - y tá gây mê, đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở TP New York, đã tiết lộ những lời bi thảm của một người đàn ông nguy kịch mà anh sắp đặt vào máy thở. Derrick nói rằng, đó là khoảnh khắc làm sáng tỏ một hệ thống chăm sóc sức khỏe đã và đang khiến mọi người Mỹ thảm bại.
Cuộc chiến với COVID-19, vì sao nước Mỹ thất bại? - Ảnh 1.

Bài đăng của Derrick Smith thú hút sự chú ý của người dùng mạng xã hội.

Thều thào giữa hơi thở mệt nhọc, nam bệnh nhân Covid-19 đã hỏi Derrick về việc nằm máy thở: “Ai sẽ trả tiền cho nó vậy?”

Bệnh nhân này được cho đã vào giai đoạn suy hô hấp nặng, nhưng điều làm ông tỏ ra đắn đo trước một thủ tục giúp duy trì sự sống của mình không phải là phần trăm sống sót, mà là liệu có thể chi trả hay không. Và Derrick thừa nhận, bệnh nhân của anh không còn nhiều cơ hội để sốn

“80% bệnh nhân Covid-19 được đặt nội khí quản sẽ chết”, Derrick chia sẻ một con số đáng sợ diễn ra ngay tại một bệnh viện giữa TP New York. Tiên liệu xấu, anh và các đồng nghiệp đã nối máy với vợ của người đàn ông để cho họ cơ hội cuối cùng nói lời tạm biệt, và cũng là cách mà Derrick tránh phải trả lời câu hỏi chua xót.

Gọi tình huống này là “điều tồi tệ nhất” mà anh đã chứng kiến trong suốt 12 năm làm nghề của mình, Derrick nói rằng khoảnh khắc làm sáng tỏ một hệ thống chăm sóc sức khỏe đã và đang khiến mọi người Mỹ thảm bại. 

“Tôi đã rất buồn và thực sự có chút kinh hoàng. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta đã thất bại sâu sắc khi để người dân phải lo lắng về tài chính của mình ngay cả khi họ phải đối phó với những vấn đề lớn hơn, liên quan đến sự sống còn của sinh mạng”.

Mặc dù diễn ra trong hoàn cảnh bi thương, câu hỏi của nam bệnh nhân Covid-19 được xem là một mối quan tâm rất chân thực. “Đại dịch đã làm rõ rất nhiều bất cập ở Mỹ, không chỉ là phản ứng với chính đại dịch, mà cả cách tiếp cận công bằng đối với bảo hiểm y tế”, y tá Derrick Smith viết.

Rộng ra, Mỹ được cho là quốc gia phát triển duy nhất không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khi lợi nhuận kinh doanh luôn xếp trên sức khỏe con người. Điều này phần nào lý giải nguyên nhân vì sao cường quốc kinh tế số 1 thế giới đang phải cay đắng “dẫn đầu” toàn cầu cả về số người nhiễm Covid-19 và số ca tử vong.

Cuộc chiến với COVID-19, vì sao nước Mỹ thất bại? - Ảnh 2.

Theo Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu, Mỹ đứng thứ 175/195 quốc gia về tiếp cận chăm sóc sức khỏe. Cảnh báo đã liên tuc được đưa ra ngay từ khi quốc gia xếp thứ 74/195 - Italia - chứng kiến sự quá tải của các bệnh viện trước làn sóng Covid-19 bất ngờ, đã buộc phải chọn bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt dựa trên khả năng sống sót của họ. 

Và trớ trêu, Mỹ là quốc gia chi nhiều tiền nhất cho chăm sóc sức khỏe tính trên thu nhập bình quân đầu người.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Mỹ dành 16,9% GDP cho y tế trong năm 2018, tương đương 10.000 USD/người. 

Tuy nhiên, do thiếu tính cộng đồng, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ bị phân mảnh, không được trang bị đầy đủ cho một phản ứng phối hợp toàn diện trong những thời điểm khủng hoảng như hiện nay. Sự bất lực của y tế Mỹ trước Covid-19 được làm rõ qua 2 phương diện: Giường bệnh và bảo hiểm.

Cuộc chiến với COVID-19, vì sao nước Mỹ thất bại? - Ảnh 3.

Top 8 nước dành nhiều GDP nhất cho y tế.

Kể từ năm 1975, trong khi dân số Mỹ tăng từ 216 triệu lên 331 triệu người, tổng số giường bệnh đã giảm từ 1,5 triệu xuống 925.000 giường. Mỹ hiện chỉ có 2,8 giường bệnh/1.000 dân, chỉ hơn một nửa so với mức trung bình 5,4 giường/1.000 dân ở các quốc gia giàu có khác. Điều này được cho là hệ quả từ Đạo luật Tổ chức Bảo vệ Sức khỏe năm 1973 của Tổng thống Richard Nixon, cho phép tư nhân hóa ngành chăm sóc sức khỏe.

Các bệnh viện tại Mỹ có thể được mua bởi DN lớn, và khi việc kinh doanh thất bại, bệnh viện đó được phép phá sản và đóng cửa, mang theo rất nhiều giường bệnh và tiền của của địa phương. Chẳng hạn như trường hợp của tập đoàn EmpowerHMS, có trụ sở tại Miami, Florida. 

DN này đã mua 18 bệnh viện ở miền Nam và Trung Tây nước Mỹ, được cho là nhằm mục đích phục vụ một phòng thí nghiệm sinh lời, trong khi các bệnh viện thiếu nguồn cung cấp và thiết bị cơ bản. 

Cuối cùng, 12 bệnh viện bị phá sản, trong đó 8 bệnh viện phải đóng cửa. Các thị trấn không chỉ bị tàn phá bởi sự mất mát của bệnh viện địa phương và các công ăn việc làm tại đó, mà còn thiệt hại hàng trăm nghìn USD tiền thuế bất động sản.

Ở các TP lớn, các bệnh viện có thể vẫn mở nhưng ngừng các dịch vụ thiết yếu để nhường chỗ cho các lĩnh vực sinh lợi hơn, như chỉnh hình hay tim mạch. Ví dụ Medstar, một tập đoàn có trụ sở tại thủ đô Washington, sở hữu 10 bệnh viện ở Maryland cũng như các phòng thí nghiệm, trung tâm chăm sóc dài hạn và các cơ sở y tế khác, đã dần đóng cửa toàn bộ các dịch vụ chăm sóc sản khoa, nhi khoa và tâm thần trong những năm gần đây.

Theo Hiệp hội Bệnh viện Hoa Kỳ, Mỹ hiện có gần 70.000 giường chăm sóc đặc biệt (ICU) dành cho người lớn - con số khiêm tốn so với khoảng 2 triệu người được dự báo có thể nhập viện vì Covid-19 tại nước này. “ICU rất tốn kém để xây dựng và bảo trì. Chúng ta không làm gì hơn để đạt mức trung bình ngày hiện có. 

Vì vậy, khi có một sự đột biến như dự đoán với Covid-19, chúng ta chắc chắn quá tải”, Eric Toner, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins nói với CNN. Bàn về khả năng Mỹ “trở tay không kịp”, Tiến sĩ David Blumenthal, bác sĩ và đồng thời là Giám đốc Quỹ nghiên cứu y tế Commonwealth cũng từng thừa nhận: “Không giống người Trung Quốc, chúng ta chẳng thể xây bệnh viên chỉ trong vài ngày”.

Cuộc chiến với COVID-19, vì sao nước Mỹ thất bại? - Ảnh 4.

Thông báo của Đại học Khoa học & Công nghệ Na Uy hôm 15/3, dẫn khuyến nghị của Bộ Ngoại giao, kêu gọi du học sinh tại các quốc gia như Mỹ nhanh chóng trở về quê nhà vì lý do 'dịch vụ y tế kém phát triển'.

Đáng chú ý tại Mỹ, các bệnh viện nằm trong cộng đồng có số lượng cư dân không có bảo hiểm càng cao, càng dễ bị đóng cửa. Theo Nghiên cứu Sức khỏe Nông thôn của ĐH Bắc Carolina, 17 tiểu bang không mở rộng trợ cấp y tế, theo “Đạo luật Chi phí chăm sóc phải chăng” năm 2010, hiện có số lượng bệnh viện đóng cửa cao nhất toàn quốc. 

Từ đây, chính sách bảo hiểm khám chữa bệnh tại Mỹ dần lộ rõ là một vấn đề chi phối mạnh mẽ đối với hệ thống y tế của nước này, mà chi phí xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cũng không nằm ngoài ảnh hưởng.

Theo số liệu mới nhất của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, năm 2018, gần 28 triệu người Mỹ ngoài nhóm cao tuổi, tương đương 10,4%, không có bảo hiểm. Người không có bảo hiểm chủ yếu phụ thuộc vào một danh sách bệnh nhân mở rộng của các phòng khám cộng đồng và phòng cấp cứu bệnh viện để được chăm sóc sức khỏe. 

Điều này có nghĩa là họ trốn tránh thử nghiệm hoặc thường phải đợi cho đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, để tìm đến trung tâm y tế, dẫn đến khả năng lây nhiễm cho nhiều người khác tăng cao.

Nhưng ngay cả với những người có bảo hiểm tại Mỹ, việc khám chữa bệnh cũng không hẳn quá dễ dàng, phần lớn là do họ phải đối mặt với các khoản khấu trừ khổng lồ và chi phí tự trả phát sinh trong quá trình điều trị. 

Khảo sát lợi ích sức khỏe người sử dụng lao động năm 2019 của Kaiser cho thấy, một người Mỹ có bảo hiểm nhờ công việc của bản thân sẽ phải bỏ ra trung bình khoảng 1.655 USD/năm trước khi bảo hiểm đủ điều kiện chi trả, tăng gấp đôi mức khấu trừ đối với chính người đó cách đây 10 năm.

Cuộc chiến với COVID-19, vì sao nước Mỹ thất bại? - Ảnh 5.

Và trước nguy cơ 200.000 người Mỹ có thể chết vì Covid-19, nguyên tắc lợi nhuận của nhiều tổ chức liên quan vẫn chặt chẽ đến lạnh lùng. Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trấn an người dân rằng chi phí chữa trị Covid-19 sẽ được bảo hiểm chi trả miễn phí, nhóm Kế hoạch Bảo hiểm Y tế Hoa Kỳ ngay lập tức nhấn mạnh rằng nó chỉ áp dụng cho thử nghiệm, không áp dụng cho điều trị. 

Công ty dược phẩm Rising, nhà sản xuất thuốc chống sốt rét chloroquine đang được thử nghiệm để điều trị Covid-19, đã tăng giá thuốc lên gần 100% vào cuối tháng 1.

Cứ như vậy, cùng những kít xét nghiệm lỗi do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và Phòng chống Hoa Kỳ (CDC) gửi cho các tiểu bang và phản ứng xem nhẹ dịch bệnh của Nhà Trắng trong thời gian đầu, nước Mỹ bỏ lỡ cơ hội quan trọng để xác định và cách ly những người bị nhiễm virus, lãng phí hơn 2 tháng kể từ lúc phát hiện bệnh nhân đầu tiên vào cuối tháng 1, cho đến nay với nửa triệu người nhiễm virus chết người.

Hương Thảo