|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 12/4: Số ca tử vong ở Mỹ vượt Italy, Việt Nam không có ca nhiễm mới

07:48 | 12/04/2020
Chia sẻ
Ghi nhận đến sáng nay, toàn thế giới ghi nhận gần 1,78 triệu người mắc COVID-19 và hơn 108.000 người tử vong. Trong đó, Mỹ đã vượt qua Italy trở thành nước có số ca tử vong nhiều nhất.

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 13/4

Tính đến 7h sáng nay (12/4), toàn thế giới đã ghi nhận gần 1,78 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 108.770 người đã tử vong và 402.016 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).

Đến nay, dịch COVID-19 gần như đã lan khắp mọi nơi trên hành tinh (210 quốc gia và vùng lãnh thổ) sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Mặc dù tổng số ca nhiễm trên toàn cầu ở mức 1,78 triệu nhưng theo số liệu chính thức của AFP, con số thực sự được cho là cao hơn nhiều bởi một số quốc gia chỉ báo cáo những trường hợp nghiêm trọng nhất.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 12/4: Số ca tử vong ở Mỹ vượt Italy, Việt Nam không có ca nhiễm mới - Ảnh 1.

Gần 1,78 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu tính đến sáng nay. (Ảnh minh họa: AFP)

Việt Nam: Sáng thứ tư liên tiếp không có ca nhiễm mới

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến 6h sáng nay (12/4), Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 đến hiện tại vẫn là 258 ca, trong đó 144 người đã khỏi bệnh (56%) và 114 người đang điều trị.

Trong vòng 24h qua, Việt Nam chỉ ghi nhận thêm 1 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc lên 258. Trong đó, có 159 người từ nước ngoài đến/về(chiếm 61,6%), còn lại là số người lây nhiễm thứ phát.

Tính đến sáng nay, có 72.508 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 1.198 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 17.519 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 53.791 người.

Đến nay đã có 33 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19, bao gồm: Vĩnh Phúc, TP HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kon Tum, Lâm Đồng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk, Quảng Bình, Hà Nam, Hà Giang.

Trên thế giới: Số ca tử vong ở Mỹ cán mốc 20.000

Tính đến 7h sáng nay (12/4), Mỹ hiện đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 531.943 ca nhiễm và 20.555 ca tử vong, tăng lần lượt 29.067 và 1.808 ca so với một ngày trước đó.  

New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ, chiếm khoảng một nửa số ca tử vong của cả nước. Trong ngày 11/4, New York ghi nhận thêm 783 ca tử vong do COVID-19, tăng 6 ca so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong tại New York lên 8.627 người.

Wyoming hôm 11/4 đã trở thành bang thứ 50, và là bang cuối cùng của Mỹ, ban bố tình trạng thảm họa sau khi được Tổng thống Donald Trump phê chuẩn. Đây là lần đầu tiên toàn bộ 50 bang của Mỹ cùng thủ đô Washington D.C được đặt dưới tình trạng thảm họa cùng lúc, theo The Guardian.

Trong khi đó, Châu Âu hiện vẫn đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19, chiếm gần 70% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.

Cụ thể, Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 163.027 ca nhiễm và 16.606 ca tử vong, tăng lần lượt 4.754 và 525 ca trong vòng 24h qua. Những tia hi vọng đang xuất hiện tại quốc gia này khi cả số ca nhiễm mới và tử vong đang có chiều hướng đi xuống, hôm qua cũng là ngày ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong 18 ngày qua.

Mặc dù tình hình dịch bệnh đã có diễn biến tích cực nhưng Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết trong khoảng hai tuần tới, ông sẽ xin ý kiến quốc hội về việc tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày.

Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới đang ghi nhận dấu hiệu chững lại của số ca nhiễm hàng ngày. Trong vòng 24h qua, quốc gia này ghi nhận thêm 4.694 ca nhiễm và 619 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 152.271 và 19.468 ca.

Trong bối cảnh sự gia tăng hàng ngày của các ca nhiễm mới đã chậm lại đáng kể, Chính phủ cho biết sẽ gia hạn các lệnh phong tỏa cho đến ngày 3/5 nhưng cho phép một số loại cửa hàng mở lại từ 14/4, bao gồm hiệu sách, tiệm bán văn phòng phẩm và quần áo trẻ em.

Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với 129.654 ca nhiễm và 13.832 ca tử vong, tăng lần lượt 4.785 và 635 ca so với một ngày trước đó. So với hôm qua, số ca nhiễm và tử vong trong ngày tại quốc gia này đều tăng chậm lại đáng kể.

Lệnh phong tỏa toàn quốc của Pháp bắt đầu từ 17/3 đến 15/4 nhưng chính quyền Pháp cho biết sẽ gia hạn phong tỏa.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 tại Châu Âu và lớn thứ 5 trên thế giới với 125.452 ca nhiễm và 2.871 ca tử vong; tăng lần lượt 3.281 và 135 ca so với một ngày trước đó.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, Chính phủ Đức đã ra lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và áp lệnh cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4. Nước này dự kiến sẽ ra mắt ứng dụng điện thoại theo dõi các chuỗi lây nhiễm vào cuối tháng 4.      

Đến sáng nay, Anh - ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu có thêm 5.233 ca nhiễm COVID-19 và 917 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 78.991 và 9.875 ca. Như vậy, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Anh sắp cán mốc 10.000. Nước này cũng đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ 23/3.

Theo hãng tin AFP, sức khỏe của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chuyển biến rất tích cực sau gần một tuần nhập viện điều trị COVID-19.

Tại Châu Á, Trung Quốc đại lục - ổ dịch đầu tiên và là ổ dịch lớn nhất ghi nhận tổng cộng 81.963 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 3.339 ca tử vong; tăng lần lượt 56 và 3 ca. Hầu hết các ca nhiễm hàng ngày tại quốc gia này là các ca nhập cảnh.

Iran hiện đang là tâm dịch lớn nhất Trung Đông và lớn thứ hai tại Châu Á với 70.029 ca nhiễm và 4.357 ca tử vong, tăng lần lượt 1.837 và 125 ca so với một ngày trước đó.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết các hoạt động kinh tế có nguy cơ lây nhiễm thấp sẽ được nối lại ở phần lớn nước này (trừ thủ đô Tehran) từ ngày 11/4. Hoạt động này sẽ được nối lại ở thủ đô Tehran từ ngày 18/4.

Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Malaysia vẫn đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 4.530 ca nhiễm và 73 ca tử vong, tăng lần lượt 184 và 3 ca so trong vòng 24h qua. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã quyết định kéo dài Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) thêm hai tuần, đến ngày 28/4.

Philippines – ổ dịch lớn thứ 2 khu vực ghi nhận tổng cộng 4.428 ca nhiễm và 247 ca tử vong, tăng lần lượt 233 và 26 ca so với một ngày trước đó.

Indonesia vẫn là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 3.842 ca nhiễm và 327 ca tử vong; tăng lần lượt 330 và 21 ca so với một ngày trước đó.

Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 45 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 2 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 2.518 và 35 ca.

Singapore tính đến sáng nay ghi nhận thêm 191 ca nhiễm COVID-19 và 1 ca tử vong; nâng tổng số lên lần lượt 2.299 và 8 ca.

Hà Lê