Công ty Trung Quốc chật vật sinh tồn dưới đòn thuế của Mỹ
Công nhân tại một nhà máy chế biến nước đào ép ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 31/8/2018. Ảnh: AFP.
Các nhà máy dọc vùng duyên hải phía đông, các cơ sở chế biến cá ở miền nam, các công ty xuất khẩu nước ép ở miền trung và cả nông dân phía đông bắc Trung Quốc đều phải thay đổi mô hình kinh doanh kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump "khơi mào" chiến tranh thương mại nhắm vào nước này từ năm ngoái.
Tuy nhiên, bất kể chiến thuật sinh tồn là gì, các công ty Trung Quốc vẫn phải đối mặt với khoảng thời gian ngày càng khó khăn và có thể trở nên tồi tệ hơn trong tương lai, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tung ra những đòn thuế "ăn miếng trả miếng" nhắm vào nhau.
Lời đe dọa áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa mà Trump vừa tung ra có thể khiến toàn bộ hàng Trung Quốc xuất vào Mỹ bị đánh thuế và tăng giá bán.
"Điều này đã tác động đến tất cả các nhà xuất khẩu của chúng tôi vì chúng tôi phải định giá sản phẩm dựa trên thuế quan", người đàn ông họ Liu, giám đốc kinh doanh tại nhà máy nước ép Shaanxi Hengtong, cho biết.
Giá trị xuất khẩu nước ép Trung Quốc đã giảm 93% trong nửa đầu năm nay, kể từ khi Trump đánh thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa nước này vào tháng 9 năm ngoái.
Là một công ty chuyên xuất khẩu, chủ yếu tới thị trường Mỹ, Shaanxi Hengtong và một số công ty con đã phải cầm cố cổ phiếu làm tài sản thế chấp hay thậm chí đem cầm cả máy móc và thiết bị để đổi lấy một số khoản vay.
Không chỉ ngành xuất khẩu nước ép, ngành công nghiệp chế biến cá Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh thương mại với Mỹ.
Trung Quốc là nhà cung cấp chính mặt hàng cá rô phi đông lạnh cho thị trường Mỹ, nhưng lượng xuất khẩu mặt hàng này đã giảm mạnh trong năm nay và người nuôi cá đã buộc phải tìm đến thị trường trong nước.
"Mỹ đang tận dụng vị thế thị trường của mình để gây sức ép lên các nhà cung cấp cá rô phi Trung Quốc", Liên minh Cá rô phi Bền vững tỉnh Hải Nam (HTSA) đăng trên tài khoản WeChat của mình. "Cuộc chiến thương mại là giọt nước tràn ly với ngành công nghiệp này", HTSA viết thêm.
HTSA đã vắt óc tính đến việc tăng doanh số tại thị trường nội địa, nhưng khẩu vị người dùng trong nước hoàn toàn không phù hợp với sản phẩm này.
"Cá rô phi đông lạnh được ưa chuộng ở Mỹ vì nó được tẩm bột và chế biến sẵn, trong khi người tiêu dùng Trung Quốc chỉ thích cá tươi", Event Pay, một nhà phân tích nông nghiệp tại công ty tư vấn China Policy, cho biết.
Undercurrent News, trang tin về lĩnh vực kinh doanh thủy hải sản, cho biết Evergreen Aquatic, nhà máy chế biến cá đông lạnh lớn nhất thị trấn Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông, đã phải cải tạo nhà xưởng để tập trung phục vụ thị trường nội địa.
Một số công ty Trung Quốc trong những ngành công nghiệp khác cũng lao đao trước đòn thuế Mỹ. "Chúng tôi đã giảm giá sản phẩm cho thị trường Mỹ để trang trải chi phí từ thuế", Andy Zhou, thành viên của Anytone, nhà sản xuất radio bỏ túi Trung Quốc, cho hay.
Giá trị mặt hàng radio xuất khẩu sang Mỹ đã giảm xuống chỉ còn 33 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, giảm mạnh từ con số 230 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Zhou buộc phải tìm kiếm thị trường châu Á và châu Âu để tăng doanh số xuất khẩu.
Những hãng sản xuất radio quy mô nhỏ đã phải tìm cách tránh đòn thuế của Mỹ bằng chiêu "ve sầu thoát xác", tức là không dán nhãn "Made in China" cho sản phẩm để tránh thuế khi xuất khẩu vào Mỹ.
Tuy nhiên, một số ngành nghề Trung Quốc lại được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Đòn thuế trả đũa từ Trung Quốc cũng như quyết định ngừng mua nông sản Mỹ đã mang lại lợi ích cho một số nông dân trồng đậu tương trong nước, khi nhà nước tăng trợ cấp cho người sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
"Chính phủ khuyến khích chúng tôi trồng thêm đậu tương, thu nhập của chúng tôi đang tăng lên cùng với các khoản trợ cấp", Sun Changhai, một nông dân tại hợp tác xã nông nghiệp ở khu vực phía bắc Nội Mông, cho biết.