Cơ cấu ngành cạnh tranh (Competitive Industry Structure) là gì? Các yếu tố chính quyết định
Hình minh họa. Nguồn Speedlink
Khái niệm cơ cấu ngành cạnh tranh
Cơ cấu ngành cạnh tranh trong tiếng Anh là Competitive Industry Structure.
Cơ cấu ngành cạnh tranh bao gồm các yếu tố chính quyết định cấu trúc ngành kinh doanh là (1) Số lượng người cung ứng cùng loại sản phẩm và mức độ khác biệt của các sản phẩm trong cùng loại; (2) Rào cản nhập ngành; (3) Rào cản rút lui khỏi ngành; (4) Cơ cấu chi phí; và (5) Khả năng vươn ra thị trường toàn cầu.
Số lượng người cung ứng và mức độ khác biệt của sản phẩm
Yếu tố này hình thành nên những kiểu cơ cấu ngành đối với các hình thái thị trường.
Có 5 kiểu cấu trúc cạnh tranh của ngành khác nhau ra trên số lượng người cung ứng và mức độ khác biệt của sản phẩm.
Độc quyền tự nhiên: Đây là kiểu cơ cấu ngành chỉ có một công ty kinh doanh duy nhất trên thị trường. Sản phẩm mà họ cung ứng hoặc là không có khả năng thay thế, hoặc chỉ có khả năng thay thế ở mức độ nhất định. Doanh nghiệp phải chịu sự quản lý và kiểm soát của nhà nước để bảo đảm lợi ích chung cho xã hội.
Độc quyền định giá cao: Đây là kiểu cơ cấu ngành mà các doanh nghiệp trong ngành có quyền định giá cao. Họ có sở hữu những điều kiện tài nguyên đặc thù mà các doanh nghiệp không thể có được.
Độc quyền nhóm: Đây là cơ cấu ngành mà trong đó chỉ có vài công ty cung ứng một loại sản phẩm hay một chủng loại sản phẩm.
Nhóm độc quyền có khác biệt: Bao gồm những doanh nghiệp cung ứng những sản phẩm có sự khác nhau từng phần (chất lượng, kiểu dẳng). Mỗi doanh nghiệp cá biệt đều có khả năng chiếm giữ vị trí dẫn đầu về một hoặc vài tính chất chủ yếu mà họ cung cấp.
Cạnh tranh có độc quyền: Đây là cơ cấu ngành mà doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh. Mỗi đối thủ đều có khả năng tạo khác biệt cho sản phẩm.
Cạnh tranh hoàn hảo: Đây là cơ cấu ngành trong đó có số lượng các doanh nghiệp cung ứng rất lớn, sản phẩm có tính đồng nhất cao.
Các cơ cấu ngành nói trên có thể biến đổi theo thời gian do chính sự vận động của sản phẩm trên thị trường, chu kỳ sống của sản phẩm, hay do tác động của môi trường (lối sống, sở thích), do sự vận động của mỗi công ty.
Rào cản nhập ngành
Rào cản nhập ngành là sự cản trợ sự gia nhập của các công ty ngoài ngành tham gia vào ngành sản xuất kinh doanh này.
Các ngành khác nhau thì mức độ khó khăn hay dễ dàng gia nhập cũng khác nhau chủ yếu gồm: Vốn đầu tư, hiệu quả theo qui mô, qui định về bằng phát minh sáng chế, giấy phép kinh doanh, nguyên nhiên vật liệu, địa điểm sản xuất; danh tiếng của công ty, sự liên kết dọc, tính cơ động trong sản xuất, phân phối.
Rào cản rút lui khỏi ngành và khả năng thu hẹp qui mô sản xuất
Những rào cản tiêu biểu làm cho việc rút lui khỏi ngành của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ở một ngành nào đó thường là nghĩa vụ pháp lí, đạo đức với khách hàng, cổ đông, khả năng thu hồi tài sản, sự lạc hậu, mức độ nhất thể hóa dọc và các rào cản tinh thần khác.
Khi rào cản rút lui khỏi ngành ở mức cao, các doanh nghiệp thường phải ở lại để tồn tại, để thu hồn vốn mà họ đã đầu tư, để tìm kiếm cơ hội sau.
Cơ cấu chi phí
Trong các ngành khác nhau, cơ cấu chi phí sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khác nhau. Cơ cấu chi phí dẫn tới khuynh hướng cạnh tranh trong ngành cụ thể.
Khả năng vươn ra toàn cầu
Khả năng đưa sản phẩm tiêu thị toàn cầu của các ngành không giống nhau. Khả năng vươn ra toàn cầu có quan hệ chặt chẽ với phạm vi, mức độ, tính chất của hoạt động cạnh tranh.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân).