|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chứng khoán thứ cấp (Junior Security) là gì? Đặc điểm

10:00 | 04/06/2020
Chia sẻ
Chứng khoán thứ cấp (tiếng Anh: Junior Security) là một chứng khoán có mức độ ưu tiên thấp hơn các chứng khoán khác, liên quan đến thu nhập hoặc tài sản của tổ chức phát hành.
Chứng khoán thứ cấp (Junior Security) là gì? Đặc điểm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: MobiHealthNews.

Chứng khoán thứ cấp

Khái niệm

Chứng khoán thứ cấp tiếng Anh là Junior Security.

Chứng khoán thứ cấp là một chứng khoán có mức độ ưu tiên thấp hơn các chứng khoán khác, liên quan đến thu nhập hoặc tài sản của tổ chức phát hành.

Ví dụ, cổ phiếu phổ thông là một chứng khoán thứ cấp so với trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, nếu công ty phát hành phá sản, chủ sở hữu trái phiếu doanh nghiệp sẽ được thanh toán trước các cổ đông.

Đặc điểm của Chứng khoán thứ cấp

Khi một doanh nghiệp phá sản, tất cả các bên liên quan trong công ty sẽ được công ty cố gắng hoàn trả càng nhiều tiền đầu tư càng tốt. Tuy nhiên, các qui tắc rõ ràng được đặt ra để xác định thứ tự hoàn trả cho các loại bên liên quan khác nhau.

Đứng đầu danh sách là những người nắm giữ chứng khoán cao cấp. Tùy thuộc vào cấu trúc vốn của công ty, chứng khoán cao cấp nhất có thể là trái phiếu, giấy nợ, vay ngân hàng, cổ phiếu ưu đãi hoặc các loại chứng khoán khác. Tuy nhiên, trong một cấu trúc vốn điển hình, trái chủ và những người cho vay khác là những người đầu tiên được hoàn trả, trong khi các cổ đông phổ thông có mức độ ưu tiên thấp nhất.

Lí do mà một số loại chứng khoán nhận được ưu tiên hơn các loại khác là vì không phải tất cả các chứng khoán đều có cùng mức độ rủi ro. Ví dụ, các trái chủ doanh nghiệp có thể mong đợi nhận được lãi suất 3,5% trong điều kiện thị trường ngày hôm nay, trong khi về mặt lí thuyết, các cổ đông có thể có được các khoản thanh toán cổ tức và tiềm năng không giới hạn. 

Với lợi nhuận khiêm tốn của trái phiếu doanh nghiệp, trái chủ phải được bồi thường dưới dạng rủi ro thấp hơn. Họ nhận được khoản bồi thường này bằng cách được ưu tiên hơn các cổ đông trong trường hợp công ty vỡ nợ.

Ví dụ, A là chủ sở hữu của một công ty sản xuất có tên XYZ Industries. Để thành lập công ty, A đã huy động được 1 triệu USD từ các cổ đông và rút khoản thế chấp 500.000 USD để mua bất động sản cho nhà máy. Sau đó, A vay một khoản tín dụng 500.000 USD từ ngân hàng, để tài trợ cho nhu cầu vốn lưu động của mình.

10 năm sau, doanh nghiệp chững lại và bạn buộc phải tiến hành thủ tục phá sản. Nhìn vào bảng cân đối kế toán, A thấy rằng A đã tối đa hóa hạn mức tín dụng của mình và có số dư chưa thanh toán là 350.000 USD cho khoản thế chấp. Sau khi thanh lí tất cả các thiết bị và các tài sản khác, A có thêm tổng cộng 900.000 USD.

Trong trường hợp này, trước tiên A cần thanh toán cho các chủ nợ cao cấp của mình, cụ thể là ngân hàng cho A vay thế chấp và cấp hạn mức tín dụng. Do đó, trong số 900.000 USD A đã huy động được từ việc bán tài sản, thì 350.000 USD sẽ chuyển sang thanh toán thế chấp và 500.000 USD sẽ chuyển sang thanh toán tín dụng. 50.000 USD còn lại sẽ được phân phối cho các nhà đầu tư, những người cuối cùng theo mức độ ưu tiên vì họ đã đầu tư vào cổ phiếu phổ thông.

(Theo Investopedia)

Hoàng Vy