|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Nhật Bản tăng đồng nghĩa với kinh tế phục hồi?

07:50 | 31/03/2024
Chia sẻ
Theo trang hkcna.hk, sau nhiều thập kỷ xuống thấp, gần đây thị trường chứng khoán Nhật Bản lại liên tục tăng mạnh. Điều này đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu.

Bảng điện tử hiển thị chỉ số chứng khoán Nikkei 225 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 22/2/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN).

Ngày 22/3, thị trường chứng khoán Nhật Bản một lần nữa lập kỷ lục mới. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 40.888 điểm, liên tục đạt mức cao mới trong hai ngày liên tiếp, và đã tăng hơn 2.000 điểm trong một tuần qua. Về phương diện cổ phiếu riêng lẻ, Nissan, Honda, Mitsubishi, Tokyo Electron… đều diễn biến tích cực. 

Kinh tế Nhật Bản mạnh lên vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, chỉ số Nikkei 225 đạt đỉnh vào tháng 12/1989. Đầu năm 2023, Nikkei 225 bắt đầu đi theo đường cong tăng dần, tháng 2/2024 đạt mức cao kỷ lục và vượt ngưỡng 40.000 điểm.

Thị trường giá lên của chỉ số Nikkei 225 trong thập niên 80 của thế kỷ XX bắt đầu từ 6.867 điểm vào năm 1980 và kết thúc với mức điểm đóng cửa kỷ lục 38.915 vào 10 năm sau đó. Trong 10 năm này, chứng khoán Nhật Bản tăng trưởng hàng năm, trong đó năm 1988 và 1989 lần lượt ghi nhận biên độ tăng 40% và 29%. Điều này đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư trong nước của Nhật Bản.   

Tuy nhiên, tình hình tích cực không kéo dài, "bong bóng xì hơi" ngay sau đó. Thị trường cổ phiếu, giá bất động sản sụp đổ, hệ thống tài chính xảy ra khủng hoảng, nền kinh tế bước vào thời kỳ suy thoái kéo dài. Kể từ thời điểm đó, chứng khoán Nhật Bản đã khởi động lộ trình điều chỉnh kéo dài gần 20 năm, cho đến năm 2009 mới bắt đầu phục hồi.

Liệu thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng có đồng nghĩa với việc nước này đã thoát khỏi tình cảnh kinh tế khó khăn kéo dài trong nhiều năm hay không?

Đối với vấn đề này, Phó giáo sư Lưu Xuân Sinh của Viện kinh tế và thương mại quốc tế thuộc Đại học Tài chính & Kinh tế Trung ương Trung Quốc (CUFE) nhấn mạnh, gần đây thị trường chứng khoán Nhật Bản vẫn chịu ảnh hưởng từ việc đồng yen tăng lãi suất. Mặc dù biên độ tăng rất nhỏ, nhưng lãi suất đã thay đổi từ mức âm trước đó thành mức dương 0,1%.

Mặc dù đang ở một mức rất thấp, nhưng lãi suất vẫn phát huy tác dụng thúc đẩy và kích thích đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản. Tuy nhiên, việc dựa vào đây để cho rằng Nhật Bản có thoát khỏi suy thoái kinh tế hay không thì vẫn còn quá sớm. Xét từ tình hình hiện nay, kinh tế Nhật Bản có sự khởi sắc nhất định trong những năm gần đây. Nhưng xét về dài hạn, Nhật Bản vẫn rất khó thoát khỏi khó khăn.

Nguyên nhân là do toàn bộ nền kinh tế thế giới có thể rơi vào tình trạng suy thoái trong năm 2024, với dự đoán tốc độ tăng trưởng còn chậm hơn năm 2023. Ngoài ra còn có những rủi ro địa chính trị.  

Vừa qua, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tuyên bố tăng lãi suất chính sách, đồng nghĩa với việc khép lại chính sách lãi suất âm đã được duy trì trong nhiều năm. Vấn đề cần phải đề cập là đây là lần đầu tiên BoJ tăng lãi suất kể từ năm 2007 và “kỷ nguyên lãi suất âm” kéo dài 8 năm cũng chính thức kết thúc.   

Đối với nền kinh tế thực, do các nhân tố như vật giá tăng và đồng euro tăng giá so với USD…, nên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 của Nhật Bản bị Đức vượt mặt, đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Kết quả thống kê sơ bộ do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 21/3 cho thấy, thâm hụt thương mại tháng Hai của nước này khoảng 379,4 tỷ yen, giảm 59,2% so với cùng kỳ. Đây là tháng thứ hai liên tục Nhật Bản ghi nhận tình trạng thâm hụt thương mại.

Phó Giáo sư Lưu Xuân Sinh nhấn mạnh, những vấn đề mang tính kết cấu của kinh tế Nhật Bản vẫn còn tồn tại phổ biến. Trên lĩnh vực chuỗi sản xuất điện tử, chẳng hạn như chip, hiệu suất của Nhật Bản không có gì đặc biệt so với Trung Quốc, Hàn Quốc và thậm chí Đài Loan (Trung Quốc).

Bên cạnh đó, ngành sản xuất ô tô, đóng tàu của Nhật Bản đều chịu thách thức từ Trung Quốc, điều này cho thấy kinh tế Nhật Bản vẫn có vấn đề rất lớn về cơ cấu kinh tế, công nghiệp, phát triển ngành chế tạo và xuất khẩu. Do đó, việc Nhật Bản xuất hiện tình trạng thâm hụt thương mại cũng là điều bình thường. Việc tăng lãi suất của Nhật Bản đã giải quyết một phần vấn đề, nhưng biên độ tăng nhỏ nên chỉ là một hiệu ứng mang tính trình diễn nhiều hơn.

Thạch Bình (P/V TTXVN Tại Hong Kong)

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.