|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhật Bản nâng lãi suất sau 17 năm: Ai hưởng lợi - ai bất lợi và còn bao nhiêu đợt tăng nữa?

08:08 | 20/03/2024
Chia sẻ
Trưa ngày 19/3 (theo giờ Việt Nam), các quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã nhất trí tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007.

Thống đốc BoJ Kazuo Ueda phát biểu trước truyền thông. (Ảnh: Reuters).

Hôm 19/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định tăng lãi suất ngắn hạn từ mức -0,1% lên khoảng 0 - 0,1%. Đây là đợt nâng lãi suất đầu tiên của Nhật Bản trong 17 năm qua.

Trước kia, BoJ áp dụng chính sách lãi suất âm nhằm khuyến khích các ngân hàng cho vay, thúc đẩy nhu cầu và nuôi dưỡng lạm phát.

Giờ đây, sứ mệnh của chính sách này đã kết thúc khi tiền lương của người dân tăng mạnh hơn kỳ vọng, giúp Nhật Bản thoát khỏi bóng ma giảm phát.

Một khi chính sách tiền tệ của BoJ đảo chiều, tác động lên nền kinh tế và thị trường tài chính sẽ rất khác nhau. Một số sẽ được hưởng lợi, trong khi số khác gặp thách thức khi lãi suất qua khỏi mốc 0.

1. Lãi suất âm là gì?

Khi lãi suất ở mức âm, các khách hàng sẽ phải trả lãi khi gửi tiền tại ngân hàng thay vì nhận lãi, Bloomberg giải thích.

Lãi suất âm là một công cụ chính sách cấp tiến mà các ngân hàng trung ương ở châu Âu triển khai vào thập niên 2010 để chống xói mòn giá cả (price erosion).

BoJ đưa lãi suất xuống mức âm vào năm 2016, trao cho các nhà hoạch định chính sách thêm một công cụ để chiến đấu với giảm phát. 

Chế độ lãi suất âm của BoJ chỉ áp dụng cho một phần nhỏ tiền gửi mà các ngân hàng thương mại gửi tại ngân hàng trung ương. Tiền gửi cá nhân không phải tuân thủ chính sách này.

Mục đích của lãi suất âm là khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay. Chính sách này, cùng với các đợt mua tài sản tích cực của BoJ, giúp bơm thêm tiền vào nền kinh tế Nhật Bản.

Lãi suất thực tế là lãi suất đã điều chỉnh theo lạm phát.

2. Lãi suất âm có hiệu quả?

Các đánh giá về tính hiệu quả của lãi suất âm trên toàn cầu khá trái chiều. Trong trường hợp của Nhật Bản thì cùng với chiến dịch nới lỏng định lượng của BoJ, chính sách lãi suất âm đã giúp ngăn giảm phát ăn sâu vào nền kinh tế.

Tuy nhiên sau cùng, những cú sốc nguồn cung trong đại dịch COVID-19 và hệ luỵ từ chiến sự Nga - Ukraine mới khiến chi phí nhập khẩu năng lượng, nguyên liệu thô và thực phẩm của Nhật Bản tăng mạnh. Nhờ đó, lạm phát của nước này mới vượt mục tiêu 2% của BoJ.

Trước cuộc họp mới nhất, BoJ là ngân hàng trung ương cuối cùng trên thế giới duy trì lãi suất âm. Việc sử dụng chính sách này trong thời gian dài làm suy yếu lợi nhuận của các ngân hàng và đẩy giá đồng yen xuống thấp khi các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất, qua đó làm giảm sức hấp dẫn của đồng tiền.

Đồng yen suy yếu kéo chi phí nhập khẩu đi lên, đè nặng lên người tiêu dùng khi tiền lương của họ không theo kịp chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

3. Tại sao BoJ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào lúc này?

Các doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản đã đồng ý tăng lương cho người lao động. Các nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng tiền lương mạnh hơn sẽ khuyến khích các hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn.

Theo Reuters, vào cuối tuần trước, các doanh nghiệp lớn nhất xứ sở mặt trời mọc đã nhất trí nâng lương cho người lao động thêm 5,28% trong năm nay. 

Theo Tổng liên đoàn lao động Nhật Bản (Rengo), đây là mức tăng mạnh nhất trong hơn 30 năm qua và cũng là lần đầu tiên mức tăng vượt quá 5%.

Rengo đang đại diện cho khoảng 7 triệu lao động Nhật Bản, chủ yếu tại các công ty lớn. Ban đầu, Rengo chỉ đặt mục tiêu tăng lương cơ bản thêm hơn 3%.

 

4. Dấu chấm hết của lãi suất âm có ý nghĩa gì với nền kinh tế Nhật Bản?

Từ bỏ chính sách lãi suất âm sẽ là bước đầu tiên để BoJ dỡ bỏ các biện pháp kích thích tiền tệ mà họ từng triển khai để hỗ trợ nền kinh tế.

Sau hàng chục năm chống chịu tình trạng giảm phát, nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới đã bước vào một chu kỳ đi xuống. Doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh, thậm chí bằng cách hy sinh lợi nhuận của mình.

Vòng xoáy đi xuống này khiến họ không thể đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tăng lương cho người lao động - cuối cùng gây áp lực lên tiêu dùng và giá cả.

Gần đây, Thủ tướng Fumio Kishida hy vọng triển vọng kinh tế sẽ đảo chiều, giúp vốn đầu tư, giá cả và tiền lương đều khởi sắc đi lên.

5. Ai hưởng lợi, ai gặp bất lợi?

Chính quyền ông Kishida sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực vì lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí trả nợ của chính phủ.

BoJ cũng chịu thiệt khi phải gánh khoản lỗ chưa thực hiện với các trái phiếu chính phủ mà cơ quan này nắm giữ, vì lãi suất cao làm giảm giá trị trái phiếu.

Ngược lại, các ngân hàng thương mại có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn từ hoạt động cho vay một khi lãi suất đi lên. Song, danh mục đầu tư trái phiếu của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng do lãi suất dài hạn bật tăng. Điều này có phần tương tự với những gì Silicon Valley Bank của Mỹ đã trải qua vào năm ngoái.

Ở diễn biến khác, người Nhật sẽ chịu lãi suất đi vay mua nhà cao hơn - thị trường bất động sản trong nước có thể hạ nhiệt nhờ đó.

Đồng yen cũng sẽ mạnh lên, giúp giảm chi phí nhập khẩu và giúp các hộ gia đình mua thực phẩm cũng như năng lượng với giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, mặt trái khi đồng yen mạnh lên là khả năng cạnh tranh và thu nhập ở thị trường nước ngoài của các nhà xuất khẩu Nhật Bản sẽ giảm xuống.

Đối với các du khách Nhật Bản, đồng yen tăng giá sẽ rất có ích. Trái lại, với những ai muốn đến thăm Nhật Bản thì chi phí sẽ đắt đỏ hơn.

 

6. BoJ còn tăng lãi suất bao nhiêu lần?

ràng, chặng đường bình thường hoá chính sách của BoJ sẽ rất khác với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

So với quý liền trước, nền kinh tế Nhật Bản chỉ tăng trưởng 0,1% trong ba tháng cuối năm 2023 vì tiêu dùng yếu. Giữa lúc đó, đà tăng của lạm phát có vẻ sắp dừng lại. Hồi tháng 1, lạm phát lõi của Nhật Bản đã chững lại trong tháng thứ ba liên tiếp, đứng im quanh mức mục tiêu 2% của BoJ.

Bức tranh kinh tế hiện nay cho thấy lãi suất có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức rất thấp trong tương lai gần và các quan chức BoJ không coi lần tăng lãi suất đầu tiên là tín hiệu cho những đợt tăng lãi suất nhanh chóng khác.

Trong một bài phát biểu gần đây, Phó Thống đốc BoJ Shinichi Uchida nhấn mạnh rằng tình hình của Nhật Bản không thể so sánh với Mỹ hay châu Âu vì kỳ vọng lạm phát vẫn chưa ổn định ở mức 2% sau một thời gian dài giảm phát và trì trệ kinh tế.

Trao đổi với Financial Times, ông Kazuo Momma - cựu quan chức cấp cao của BoJ và hiện là nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Mizuho - cho biết nếu tiền lương của người lao động ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng lên thì ngân hàng trung ương sẽ có động lực nâng lãi suất lần hai.

Theo ông Momma, nếu lạm phát hạ nhiệt và tiền lương thực tế đi lên, chi tiêu tiêu dùng có thể khởi sắc vào cuối năm. “Nếu điều đó xảy ra thì chúng ta sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa vào cuối năm 2024”, vị chuyên gia nói.

Thị trường tài chính bị chia rẽ về tốc độ thắt chặt chính sách của BoJ. UBS kỳ vọng lãi suất chính sách của BoJ được giữ ở mức 0 hoặc 0,1% cho đến năm 2025, trong khi Morgan Stanley dự đoán chi phí đi vay chuẩn sẽ tăng lên mức 0,25% vào tháng 7.

 

Yên Khê