|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Nhật Bản quay lại đỉnh cao nhưng nền kinh tế đã khác xa thời hoàng kim

19:51 | 22/02/2024
Chia sẻ
Giá cổ phiếu Nhật Bản đã vượt quá kỷ lục thiết lập vào năm 1989 nhưng tâm lý của người dân vẫn kém lạc quan hơn nhiều so với quá khứ.

(Ảnh minh họa: Financial Times). 

Vào cuối năm 1989, biểu tượng cho sự trỗi dậy của nền kinh tế Nhật Bản chính là ông Ako Morita, nhà đồng sáng lập Sony. Ông đã khiến cả thế giới phải sửng sốt với thương vụ mua lại Columbia Pictures trị giá 3 tỷ USD.

Cũng trong năm đó, bản dịch tiếng Anh của một bài luận mà ông là đồng tác giả đã lan truyền trong giới thượng lưu Mỹ. Trong đó, ông Morita bày tỏ quan điểm về tính ngắn hạn của các doanh nghiệp Mỹ. Ông còn cảnh báo: “Mỹ có thể sẽ không bao giờ cạnh tranh được với Nhật Bản”.

Sau này, ông Morita đã hối hận về sự cao ngạo của mình. Tuy nhiên, theo tờ Financial Times (FT), bài luận đó thể hiện một cách xuất sắc tâm lý của người Nhật Bản thời bấy giờ. Khi đó, các doanh nghiệp và tỷ phú xứ sở hoa anh đào đang thống lĩnh bảng xếp hạng những công ty và cá nhân giàu nhất thế giới.

Vào ngày 22/2/2024, chỉ số Nikkei 225 cuối cùng cũng phá vỡ mức đỉnh được thiết lập 34 năm trước và leo lên mức cao nhất mọi thời đại. Nhưng cảm xúc hưng phấn của quá khứ không còn nữa.

Trong khi thế giới vật lộn suốt năm qua để khống chế lạm phát, Nhật Bản vẫn chưa chính thức tuyên bố đã thoát khỏi giảm phát. Nhật Bản vẫn là quốc gia duy nhất duy trì lãi suất âm.

Đối thủ lớn nhất của Mỹ hiện nay là Trung Quốc, còn Nhật Bản đã mất vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực hàng điện tử tiêu dùng và chip vào tay Hàn Quốc và Đài Loan.

 

Nền kinh tế

Khi thập niên 1980 khép lại, Nhật Bản đang ăn mừng một thập kỷ huy hoàng. Trong khoảng thời gian đó, nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ trung bình 4%/năm nhờ giá chứng khoán và bất động sản tăng vũ bão.

Nhưng vào mùa hè năm 1989, giáo sư Kazuo Ueda - người sau này sẽ trở thành Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), đã bắt đầu lo sợ rằng bong bóng “có thể vỡ bất cứ lúc nào”.

Tháng 5 năm đó, BoJ bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Khi giá tài sản sụp đổ, các tổ chức tài chính và nhà phát triển bất động sản phải vật lộn để loại bỏ nợ xấu, gây ra khủng hoảng ngân hàng.

BoJ bắt đầu giảm lãi suất. Đến năm 1999, lạm phát xuống dưới 0. Nhật Bản bước vào thời kỳ trì trệ kéo dài trong những năm 2000. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong giai đoạn này là 0,7%. Khi tình trạng giảm phát tiếp diễn, công chúng mất đi niềm tin rằng giá cả và tiền lương sẽ đi lên.

 

Ngày nay, nền kinh tế Nhật Bản đang đứng trước bước ngoặt. BoJ đang chuẩn bị để dần rút khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo. Thêm nhiều công ty đang tăng giá, tình trạng thiếu hụt lao động góp phần kéo lương đi lên.

Phó Thống đốc Shinichi Uchida của BoJ phát biểu một cách lạc quan vào đầu tháng 2: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội có thể phá vỡ tâm lý và hành vi của thời kỳ giảm phát”.

Tuy nhiên, tâm lý của công chúng vẫn không thể coi là hồ hởi. GDP Nhật Bản vừa tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp và tiêu dùng của hộ gia đình vẫn yếu ớt.

Doanh nghiệp

Vào năm 1989, giới doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các ngân hàng, thống trị top 10 các công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới. Ngày nay, không công ty nào của Nhật Bản lọt vào top 10.

Tuy nhiên, Toyota đã leo lên thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tính theo doanh thu và là công ty giá trị nhất Nhật Bản. Sony đứng ở vị trí thứ ba.

Cũng năm 1989, 6 trong số 10 người giàu nhất thế giới là tỷ phú Nhật Bản. Đứng đầu danh sách là ông Yoshiaki Tsutsumi, chủ sở hữu cũ của Seibu Railway. Forbes ước tính tài sản khi đó của ông vào khoảng 15 tỷ USD.

Hiện tại, chỉ ba người Nhật đứng trong top 100 tỷ phú hàng đầu thế giới, trong đó có ông Tadashi Yanai, người sáng lập Fast Retailling - công ty mẹ của Uniqlo.

Lợi nhuận ròng của doanh nghiệp Nhật Bản đã thoát khỏi thời kỳ tăng trưởng thấp và bây giờ các công ty có bảng cân đối kế toán khá lành mạnh.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, lợi nhuận ròng của các công ty phi tài chính đã tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 1989 - 2022 lên 74.000 tỷ yen (tương đương khoảng 493 tỷ USD). Tuy nhiên, khoảng một nửa doanh nghiệp hàng đầu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo vẫn là cổ phiếu bị định giá thấp.

Ông Masakazu Tokura, Chủ tịch liên đoàn doanh nghiệp Keidanren hùng mạnh, phát biểu trong cuộc họp báo tháng này: “Đà tăng giá cổ phiếu hiện nay không nhất thiết phản ánh sức mạnh thực sự của các công ty Nhật Bản”.

Xã hội

Năm 1989, Nhật Bản đã bắt đầu lo ngại về tốc độ tăng trưởng dân số, nhưng nhìn chung vẫn có cảm giác là một đất nước trẻ trung. Độ tuổi trung bình của người dân là 37,2 và các quán karaoke, sân chơi bowling, trường đua ngựa và khách sạn nghỉ dưỡng liên tục mọc lên.

Mọi nhà hàng tốt ở Tokyo đều kín chỗ mỗi tối. Các sân golf cao cấp nhất thu phí thành viên 2,6 triệu USD. Mọi người mua cần câu Shimano cao cấp, thiết bị âm thanh đắt tiền, ghế massage tại nhà và vô số hàng hóa khác.

Tới năm 1989, đồng yen đã tăng giá khoảng 40% so với đầu thập niên 1980, càng làm tăng thêm cảm giác rằng xã hội Nhật Bản đang ở đỉnh cao thế giới.

Ngày nay, các nhà hàng cao cấp nhất nước Nhật vẫn rất đông khách, nhưng chú yếu là người ngoại quốc đến du lịch, nhờ vào mức giá rẻ lịch sử của đồng yen.

Hành vi người tiêu dùng cũng thay đổi. Năm 1990, tức một năm sau thời đỉnh cao của giá cổ phiếu và đất đai, Book Off được thành lập và sau này trở thành chuỗi cửa hàng bán đồ cũ lớn nhất quốc gia trong bối cảnh cả nước tiến hành tinh giản.

Điều quan trọng hơn là độ tuổi trung bình ở Nhật Bản bây giờ là 48,9. Nhật Bản đã thực sự trở thành xã hội già hóa. Sự thiếu hụt lao động gây ảnh hưởng đến gần như mọi bộ phận của nền kinh tế. Trong một quốc gia mà 29% dân số là người trên 65 tuổi, năng lượng của nền kinh tế đã bắt đầu phai nhạt.

Giang