|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hàn Quốc tính học Nhật Bản, bêu tên doanh nghiệp niêm yết không chịu cải cách

10:43 | 26/01/2024
Chia sẻ
Các nhà chức trách Hàn Quốc muốn học theo biện pháp "nêu tên và bêu xấu" của Nhật Bản nhằm buộc giới doanh nghiệp nỗ lực cải thiện định giá cổ phiếu. Tại Hàn Quốc, các nhà đầu tư nhỏ lẻ là lực lượng có sức ảnh hưởng lớn.

Màn hình hiển thị diễn biến chỉ số Kospi của Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters). 

"Nêu tên và bêu xấu"

Nguồn tin của Bloomberg cho biết Hàn Quốc đang cân nhắc bêu tên các doanh nghiệp có cấu trúc quản trị kém. Mục tiêu của các nhà quản lý là bắt chước cách làm và thành công của Nhật Bản trong việc thúc đẩy thị trường chứng khoán.

Một quan chức giấu tên của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) tiết lộ với tờ Bloomberg rằng cơ quan này đang xem xét các biện pháp giống với chính sách “nêu tên và bêu xấu” của Sàn Giao dịch Chứng khoán Tokyo.

Vị quan chức nói thêm, Sàn Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc sẽ xây dựng một chỉ báo nhằm đo lường nỗ lực cải thiện cấu trúc quản trị của doanh nghiệp. Dự kiến kế hoạch sẽ hoàn thiện trong quý I.

Tuần trước, Chủ tịch FSC Kim Joo-huyn cho biết họ sẽ yêu cầu những doanh nghiệp có cổ phiếu giao dịch dưới giá trị sổ sách tự nguyện đưa ra các biện pháp cải cách. Sau đó, FSC sẽ công bố danh sách những công ty đã cải thiện và những công ty vẫn trì trệ, tương tự như những gì Nhật Bản đã làm.

Chỉ số MSCI Hàn Quốc đi lên 5,5% trong 12 tháng qua, kém hơn hẳn đà tăng gần 30% của chỉ số MSCI Nhật Bản. Giá cổ phiếu Nhật Bản thăng hoa dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư rằng cấu trúc quản trị của doanh nghiệp sẽ thay đổi và sự suy yếu của đồng yen sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của các công ty.

Chứng khoán trong nước thua kém chứng khoán Nhật Bản khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Hàn Quốc tức giận, trong khi đó nhóm này lại có sức ảnh hưởng lớn. 

 

Một quan chức của Sàn Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc cho biết họ sẽ khảo sát doanh nghiệp, nhà đầu tư và những người tham gia thị trường khác trước khi triển khai các kế hoạch mới.

Trong một ghi chú gửi các khách hàng gần đây, ông Jonathan Pines, nhà quản lý danh mục tại công ty đầu tư Federated Hermes, nhận xét: “Nhật Bản và Hàn Quốc luôn bị coi là những quốc gia tụt hậu về quản trị doanh nghiệp ở châu Á. Nhưng giờ Nhật Bản đang cải thiện còn Hàn Quốc vẫn ở phía sau".

Theo ông Pines, chính phủ Hàn Quốc vẫn đang duy trì những quy định không phù hợp với mục đích tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông, phần lớn là do sức ảnh hưởng của các gia tộc quyền lực.

Bảo vệ nhà đầu tư

Từ lâu, các nhà đầu tư đã chỉ trích quyền lực khổng lồ của những gia tộc kiểm soát các tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, coi đây là một yếu tố cản trở định giá của các doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, họ còn đề cập đến việc các cổ đông thiểu số bị đối xử thiếu công bằng.

Hệ số P/B của Kospi - chỉ số chứng khoán chính của Hàn Quốc - còn chưa tới 0,9 lần, thấp hơn hẳn mức 1,3 lần của chứng khoán Nhật Bản và 2,1 lần của chứng khoán Đài Loan.

Nâng cao định giá chứng khoán luôn nằm trong chương trình nghị sự của các tổng thống Hàn Quốc trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên đến khi ông Yoon Suk Yeol đắc cử thì nỗ lực của các nhà quản lý mới gia tăng đáng kể, bởi chiến thắng của ông được định đoạt bởi sự ủng hộ hàng triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Ông Yoon thường xuyên lên tiếng về các vấn đề liên quan tới chứng khoán, bao gồm lệnh cấm bán khống và kế hoạch đánh thuế thu nhập nhà đầu tư.

Trong tuần này, FSC cho biết Hàn Quốc đang xem xét việc sửa đổi luật thương mại nhằm cải thiện quyền lợi của nhà đầu tư thiểu số. FSC nói thêm rằng các biện pháp nhằm nâng cao giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết sẽ được công bố vào tháng sau.

Trước đó, trong tháng 1, Sàn Giao dịch Chứng khoán Tokyo đã công bố danh sách những công ty chấp nhận yêu cầu của họ là lập ra kế hoạch kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, gây áp lực lên những công ty ngại thay đổi. Chỉ số Topix và Nikkei 225 liên tục phá đỉnh trong thời gian qua.

Ông William Lam, nhà quản lý quỹ cấp cao của Invesco Asset Management, bình luận: “Sẽ thật tuyệt nếu Hàn Quốc thực hiện các động thái tương tự Nhật Bản. Nêu tên và bêu xấu là ý tưởng tốt bởi đôi khi doanh nghiệp sẽ buộc phải phản ứng trước kiểu áp lực này. Họ không muốn bị truyền thông đưa tin tiêu cực”.

Giang