Chứng khoán Nhật Bản leo lên đỉnh 34 năm, chứng tỏ tầm nhìn của Warren Buffett không sai
Xô đổ kỷ lục
Kết phiên giao dịch ngày 10/1, chỉ số Topix của Nhật Bản đã leo lên mức cao nhất trong 34 năm, thể hiện kết quả vượt trội so với các chỉ số chứng khoán khác ở châu Á. Tâm lý của nhà đầu tư được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng yen và lợi suất trái phiếu, tờ Bloomberg cho biết.
Chỉ số Topix đóng cửa tăng 1,3% lên 2.444,48 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 3/1990. Ngày trước đó, chỉ số Nikkei 225 cũng phá vỡ kỷ lục thiết lập vào năm 1990. Sang phiên 10/1, Nikkei 225 tiếp nối đà tăng hôm trước và đi lên 2%.
Đà tăng của Nikkei 225 và Topix cho thấy các nhà đầu tư vẫn có cái nhìn rất lạc quan đối với cổ phiếu Nhật Bản. Năm 2023, cả hai đều tăng hơn 25%, gia nhập nhóm các chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới.
Các yếu tố trợ giúp thị trường Nhật Bản năm ngoái bao gồm việc giới chức trách thúc giục các doanh nghiệp tăng lợi ích cho cổ đông, áp lực giảm phát kéo dài hàng thập kỷ suy yếu và đồng yen giảm giá tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bà Charu Chanana, chuyên gia thị trường của Saxo Capital Markets, bình luận: “Chúng tôi đánh giá thị trường Nhật Bản vẫn sẽ rất hấp dẫn trong thời gian tới, tuy tỷ suất lợi nhuận năm 2024 có thể không cao bằng 2023”.
Các rủi ro tới cổ phiếu Nhật Bản trong năm nay bao gồm khả năng ngân hàng trung ương nước này thay đổi chính sách tiền tệ lỏng lẻo và đồng yen tăng giá.
Tuy nhiên, bà Chanana cho rằng cả hai mối nguy này “có vẻ đã được lùi ra mốc thời gian xa hơn” do thảm họa động đất ngày 1/1 và dữ liệu kinh tế yếu ớt, cũng như do sự không chắn chắn xoay quanh lộ trình giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Hôm 10/1, đồng yen đã giảm ngày thứ hai liên tiếp, xuống mức 144,83 yen đổi 1 USD. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm cũng tụt 0,5 điểm cơ bản xuống còn 0,58%.
Chứng khoán Nhật Bản cũng có thể đang được hưởng lợi khi các nhà đầu tư quốc tế rời bỏ thị trường Trung Quốc và Đài Loan do lo ngại về tình hình địa chính trị và triển vọng kinh tế tương lai.
Ông Shingo Inde, Giám đốc đầu tư cổ phiếu tại Viện Nghiên cứu NLI chia sẻ: “Tôi cảm thấy dòng vốn đang tháo chạy sang Nhật Bản. Một trong những lý do có thể là đồng yen suy yếu, nhưng tôi ngờ lý do quan trọng hơn cả là giới đầu tư đang rút khỏi thị trường Trung Quốc và Đài Loan”.
Ván cược của Warren Buffett và Bank of America
Bank of America dự đoán chứng khoán Nhật Bản sẽ bật tăng 13% trong năm 2024 và phá vỡ kỷ lục thiết lập trong bong bóng tài sản 35 năm trước. Ông Masashi Akutsu, chiến lược gia cấp cao của Bank of America, nói sự bền bỉ của nền kinh tế và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện sẽ chắp cánh cho thị trường.
Báo cáo ngày 9/1 của Bank of America viết: “Chưa đầy 24 tiếng sau trận động đất 7,5 độ richter, các tuyến tàu cao tốc đã hoạt động trở lại trong khu vực hứng chịu thiên tai. Nền kinh tế Nhật Bản có sức bật mạnh mẽ và đang trở nên hiệu quả hơn. Chứng khoán Nhật Bản cũng đang được định giá thấp”.
Quan điểm của Bank of America cũng giống với huyền thoại Warren Buffett. Mùa hè năm 2020, vị tỷ phú đã chỉ đạo Berkshire Hathaway mạnh tay đầu tư vào 5 công ty thương mại hàng đầu xứ sở hoa anh đào. Warren Buffett cho biết ông mua những cổ phiếu này vì chúng “rẻ một cách đáng kinh ngạc”. Kể từ đó, giá trị số cổ phiếu này đã tăng gấp ba lên hơn 17 tỷ USD, theo tờ Markets Insider.
Quyết định đầu tư vào Nhật Bản của Warren Buffett đã khơi dậy sự lạc quan vào triển vọng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Khi Warren Buffett ca ngợi "tương lai của Nhật Bản", các nhà đầu tư quốc tế bắt đầu chú ý đến đất nước đã trì trệ trong suốt hàng chục năm này.
Vài năm sau khi Berkshire tiết lộ khoản đầu tư lớn vào Nhật Bản, các tỷ phú đầu tư Steve Cohen và Ken Griffin cũng lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở thị trường này.