|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Warren Buffett và nhiều tỷ phú Mỹ thích chứng khoán Nhật Bản, nhưng vì sao người Nhật thì không?

08:36 | 26/09/2023
Chia sẻ
Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích các hộ gia đình đầu tư chứng khoán. Nhưng phần lớn người Nhật Bản vẫn ngần ngại tham gia vào thị trường và ngay cả một số lãnh đạo của các công ty lớn cũng không cổ vũ ý tưởng này.

Warren Buffett tự tin vào tiềm năng của chứng khoán Nhật Bản. (Ảnh minh hoạ: Reuters). 

"Đừng động vào chứng khoán"

Nhiều nhà đầu tư lớn của Mỹ đang có quan điểm tích cực về Nhật Bản. Huyền thoại Warren Buffett đã rót thêm vốn vào các doanh nghiệp Nhật Bản trong chuyến thăm nước này hồi tháng 4.

Tỷ phú Ken Griffin đang chuẩn bị mở một văn phòng ở Tokyo cho quỹ đầu cơ Citadel. Trùm đầu cơ Steve Cohen có ý định mở rộng đội ngũ nhân viên ở Nhật Bản cho Point72 Asset Management trong năm nay. 

Hai ông lớn ngân hàng đầu tư là Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng phát hành báo cáo triển vọng đầy lạc quan về thị trường chứng khoán Nhật Bản. Tuy nhiên, rắc rối của Nhật Bản nằm ở chỗ có vẻ 125 triệu dân của nước này không có chung niềm phấn khích với các nhà đầu tư ngoại.

Sau khi bong bóng tài sản đổ vỡ hồi cuối thập niên 1980, các thế hệ gia đình Nhật Bản đã gửi gần hết tiền bạc vào tài khoản tiết kiệm trả lãi thấp thay vì cố gắng gia tăng của cải thông qua thị trường chứng khoán.

Trung bình, các hộ gia đình Nhật Bản chỉ để 11% tiền tiết kiệm vào thị trường chứng khoán, trong khi gửi 54% vào tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, theo dữ liệu chính thức công bố tuần trước.

Trong khi đó thì tại Mỹ, các hộ gia đình để khoảng 39% tiền vào trong thị trường và chỉ phân bổ khoảng 13% cho tiền mặt và tài khoản ngân hàng, theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Bà Haruyo Arai, một nhân viên văn phòng 62 tuổi, cho biết: “Bố mẹ tôi dạy con cái rằng ‘Đừng động vào chứng khoán”.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố sẽ tăng gấp đôi thu nhập từ tài sản của các hộ gia đình, một phần bằng cách khuyến khích người dân đầu tư vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu.

Chính phủ đang tăng hạn mức đối với hệ thống đầu tư miễn thuế dành cho các nhà đầu tư nhỏ. Dự kiến thay đổi sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1 năm sau. Sàn Giao dịch Chứng khoán Tokyo đang kêu gọi các doanh nghiệp chú ý đến định giá và nâng cao lợi nhuận cho cổ đông. 

Kế hoạch tăng hạn mức đầu tư miễn thuế của chính phủ và mong muốn tiết kiệm nhiều tiền hơn cho tương lai là động lực để bà Arai bắt đầu đầu tư từ một tháng trước. Bà đang theo học lớp tài chính vào cuối tuần tại Tokyo và dậy sớm mỗi sáng để xem tin tức kinh tế.

Số liệu lấy đến ngày 25/9/2023. 

Chuộng "hàng ngoại"

Một số người tin rằng những nhà đầu tư như bà Arai sẽ chỉ là ngoại lệ hiếm hoi. Chứng khoán Nhật Bản chưa từng lập kỷ lục mới trong hàng chục năm trở lại đây. Công chúng cũng không mặn mà với việc đầu tư vào thị trường nội địa.

Ông Takashi Kawaguchi, nhân viên văn phòng 48 tuổi, nói với tờ Wall Street Journal (WSJ): “Tôi cảm giác rằng người Nhật không có suy nghĩ tích cực về mong muốn kiếm tiền”. Giống bà Arai, ông Kawaguchi cũng đang theo học về đầu tư.

Đà tăng của thị trường năm 2023 đã giúp kéo các chỉ số chứng khoán Nhật Bản lên mức cao nhất trong 33 năm. Tuy nhiên, lợi nhuận dài hạn của chứng khoán Nhật Bản vẫn thua xa chứng khoán Mỹ.

Chỉ số Nikkei đóng cửa ở mức 32.402 điểm vào cuối tuần trước, vẫn thấp hơn 17% so với kỷ lục đạt được vào năm 1989. Trong khoảng thời gian đó, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 12 lần. Điều đó đã khiến nhiều nhà đầu tư ở nước này hướng tầm nhìn sang thị trường nước ngoài thay vì nội địa.

Ông Heihachiro “Hutch” Okamoto, nhà tư vấn cổ phiếu ngoại tại công ty chứng khoán Monex, cho biết: “Chẳng ai biết khi nào chỉ số Nikkei mới cán được mốc 40.000 điểm. Hầu hết các nhà đầu tư của chúng tôi chuộng cổ phiếu Mỹ hơn”.

Ông Okamoto tiết lộ rằng những cái tên được giao dịch nhiều nhất trên Monex hàng ngày không phải là các chỉ số chứng khoán Nhật Bản như Topix hay Nikkei, hay các công ty có thương hiệu như Sony hay thậm chí là 5 “sogo shosha” mà Warren Buffett đầu tư vào.

Thay vào đó, các cổ phiếu mà khách hàng của Monex ưa chuộng nhất đều là của Mỹ, tiêu biểu là Nvidia, Tesla, Apple và Amazon. Chứng chỉ của các quỹ mô phỏng chỉ số S&P 500 và Nasdaq-100 cũng được yêu thích.

Phần đông người Nhật Bản hờ hững với việc đầu tư, những người có hứng thú cũng chỉ chú ý đến thị trường nước ngoài. Ông said Hidekazu Ishida, cố vấn đặc biệt tại FinCity.Tokyo, đánh giá: “Hầu hết người Nhật Bản nghĩ rằng việc đầu tư vô cùng rủi ro”. Ông nói thêm rằng những người quan tâm đến tài chính bị coi là nhàm chán.

Ngay cả một số lãnh đạo doanh nghiệp cũng tỏ ra thờ ơ, không muốn khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân mua cổ phiếu Nhật Bản. Khi được hỏi rằng ngày càng nhiều người Nhật Bản đầu tư chứng khoán có phải chuyện tốt không, CEO hãng rượu khổng lồ Suntory là ông Takeshi Niinami đáp: “Tôi không khuyến khích, cũng không phản đối”.

Ông lưu ý rằng việc đầu tư vào cổ phiếu luôn có rủi ro. Và nhiều người Nhật Bản vẫn cảnh giác vì các cú sốc trên thị trường trong quá khứ.  Ông nói tiếp: “Tôi nghĩ có lẽ tăng lãi suất sẽ có lợi cho người dân hơn”.

Giang

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.