Nhật Bản kết thúc kỷ nguyên lạm phát thấp, CPI tăng nóng hơn cả Mỹ
Lạm phát toàn phần của Nhật Bản đạt 3,3% trong tháng 6, lần đầu tiên vượt mặt Mỹ sau 8 năm. Dữ liệu này cho thấy nền kinh tế tiên tiến nhất châu Á không còn là kẻ dị biệt trong xu hướng lạm phát toàn cầu.
Theo tờ Financial Times (FT), Nhật Bản đã dành gần ba thập kỷ qua để chiến đấu với giảm phát. Do đó, khi giá cả bắt đầu đi lên, hầu hết mọi người không cho rằng giai đoạn này sẽ kéo dài và họ đã bị bất ngờ khi áp lực lạm phát lan rộng hơn và kéo dài lâu hơn dự kiến.
Các nhà đầu tư đang ra sức kêu gọi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo. Nhật Bản hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới duy trì lãi suất âm, và nếu chiến lược này bị đảo ngược, thị trường tài chính toàn cầu sẽ chịu tác động lớn.
Dữ liệu công bố cuối tuần trước cho thấy trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và CPI lõi (không tính giá thực phẩm tươi) của Nhật Bản đều tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi chi phí năng lượng và phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
Trong khi đó, lạm phát tháng 6 của Mỹ đạt 3%. Như vậy, đây là lần đầu tiên lạm phát toàn phần của Nhật Bản cao hơn Mỹ kể từ tháng 10/2015.
BoJ cho rằng họ cần tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, bởi lạm phát của Nhật Bản không được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ và sẽ hạ nhiệt ngay khi chi phí nhập khẩu hàng hóa sụt giảm.
Kịch bản trên có thể đang diễn ra, bởi CPI siêu lõi của Nhật Bản - thước đo loại trừ giá năng lượng và thực phẩm - chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 6, thấp hơn mức tăng 4,3% của tháng 5.
Tuy nhiên, ông Yoshiki Shinke, nhà kinh tế trưởng tại Dai-ichi Life Research Institute, cho biết doanh nghiệp đã dần chấp nhận chuyển phần chi phí gia tăng sang phía khách hàng và nhiều công ty lớn đang bắt đầu tăng lương. Ông nhấn mạnh: “Với lạm phát ở mức 3-4%, rõ ràng áp lực giá của Nhật Bản không còn thấp nữa”.
Tuần trước, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda báo hiệu ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng tại cuộc họp chính sách tuần này. Ông cho biết: “Chúng tôi vẫn một chặng đường phải vượt qua để đạt được mục tiêu là duy trì lạm phát ổn định ở mức 2%”.
Phát biểu của ông Ueda đã khiến thị trường hạ thấp kỳ vọng rằng BoJ sẽ điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, khiến giá yen giảm so với USD. Đây là chính sách BoJ khởi động từ năm 2016 để giới hạn lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm quanh mức 0%, với biên độ dao động cho phép hiện nay là 50 điểm cơ bản.