Lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt có công của châu Á
Lạm phát giảm như ý muốn của Fed
Báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã đi lên 3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 3/2021.
Số liệu của tháng 6 cũng thấp hơn con số 4% ghi nhận trong tháng 5, đồng thời thấp hơn ước tính của Dow Jones là 3,1%. Tính đến tháng 6, CPI đã giảm tốc tháng 11 liên tiếp.
CPI lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động) tăng 4,8% so với một năm trước - thấp hơn đáng kể mức đỉnh 6,6% xác lập vào tháng 9/2022.
So với một tháng trước, CPI toàn phần và CPI lõi đều tăng 0,2% - thấp hơn dự đoán của các nhà kinh tế Dow Jones là 0,3%.
Giá năng lượng tháng 6 nhích khoảng 0,6% so với tháng 5. Trong khi đó, giá thực phẩm tăng 0,1%, còn giá xe hơi cũ - một động lực từng thúc đẩy lạm phát đi lên vào đầu năm 2022 - giảm 0,5%.
Giá vé máy bay giảm 3% so với tháng 5 và sụt khoảng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy.
Các dữ liệu gần đây cũng cho thấy lạm phát đang trên đà đi xuống, dù vẫn còn cao hơn mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đơn cử, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã tăng 3,8% so với cùng kỳ vào tháng 5. Trước đó một tháng, chỉ số này tăng 4,3%.
Lạm phát đã là kẻ thù số một của Fed kể từ đầu năm 2022 và Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã mạnh tay thắt chặt chính sách để cố gắng đưa lạm phát quay về mức mục tiêu dài hạn là 2%.
FOMC đã tăng lãi suất quỹ liên bang 10 lần liên tiếp. Kể từ tháng 3 năm ngoái, chi phí đi vay liên ngân hàng tại Mỹ đã tăng thêm 5 điểm %, lên phạm vi hiện tại là 5 - 5,25%.
Đồng thời, FOMC còn giảm quy mô bảng cân đối kế toán tổng cộng 95 tỷ USD mỗi tháng bằng cách để 60 tỷ USD trái phiếu Kho bạc và 35 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS) đáo hạn và sau đó rút tiền về.
Tại cuộc họp tháng 6 vừa qua, giới chức Fed đã quyết định tạm ngừng tăng lãi suất nhưng phát tín hiệu có thể sẽ nâng thêm ít nhất 50 điểm cơ bản (bps) từ nay cho đến cuối năm.
Thị trường hiện kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 25 bps tại cuộc họp cuối tháng 7 tới, qua đó kéo chi phí đi vay liên ngân hàng lên phạm vi 5,25 - 5,5%.
Dự đoán trên hầu như không thay đổi sau báo cáo việc làm tháng 6 mà Bộ Lao động Mỹ công bố cách đây gần hai tuần. Nhà đầu tư đoán xác suất Fed thực hiện một đợt tăng 25 bps là khoảng 92,4%, theo dữ liệu từ CME Group.
Sự “hỗ trợ” bất ngờ từ châu Á
Thành công của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát là rất đáng hoan nghênh. Bên cạnh nỗ lực của Fed còn có một số yếu tố từ bên ngoái giúp lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt, trong đó trò của châu Á là rất đáng chú ý, dù theo chiều hướng tiêu cực.
Các nhà xuất khẩu lớn của châu Á từng được hưởng lợi không nhỏ trong thời kỳ đại dịch, khi người tiêu dùng Mỹ bị buộc phải ở yên trong nhà, dẫn đến nhu cầu bùng nổ đối với những mặt hàng như máy tính, thiết bị luyện tập, đồ nội thất,...
Trong giai đoạn 12 tháng, kim ngạch xuất khẩu tính theo đồng USD của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam và đảo Đài Loan đã đạt đỉnh vào tháng 9 năm ngoái với hơn 6.100 tỷ USD.
Con số trên cao hơn 40% so với mức ghi nhận được trong 12 tháng tính đến tháng 3/2020, thời điểm đại dịch bắt đầu tấn công nước Mỹ, theo phân tích của Wall Street Journal dựa trên dữ liệu của CEIC.
Mặt khác, trong suốt hàng thập kỷ trước khi COVID-19 xuất hiện, hàng hoá giá rẻ từ châu Á đã giúp kìm hãm đà tăng của lạm phát tại Mỹ.
Những nút thắt trong chuỗi cung ứng (do tác động của đại dịch) và chiến sự Nga - Ukraine đã khiến giá nguyên liệu thô nhảy vọt, dẫn đến chi phí sản xuất và giá thành phẩm xuất khẩu của châu Á tăng cao hơn.
Ở giai đoạn này, khi nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ bùng nổ, họ đã gián tiếp nhập khẩu lạm phát từ các đối tác thương mại của Washington vào chính nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giờ đây, giới chuyên gia cho biết các nút thắt trong chuỗi cung ứng đã nới lỏng, giúp giá hàng hoá công nghiệp đi xuống.
Đồng thời, họ cũng phát hiện những dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng Mỹ đã bắt đầu thắt chặt chi tiêu khi Fed tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát.
Ngoài ra, khi đại dịch lắng dịu, nhu cầu của người Mỹ cũng chuyển dịch từ hàng hoá sang dịch vụ. Họ đi ăn ngoài, đi du lịch và sử dụng những dịch vụ mà mình đã bỏ lỡ trong đại dịch.
Sự thay đổi thể hiện rõ trên toàn nền kinh tế. So với tháng 1/2023, chi tiêu tiêu dùng cho hàng hoá lâu bền (durable goods) đã giảm khoảng 56,8 tỷ USD vào tháng 5. Trong cùng giai đoạn, chi tiêu tiêu dùng cho dịch vụ tăng 240,9 tỷ USD.
Xuất khẩu của châu Á bắt đầu trượt dốc vào cuối năm ngoái khi Fed nâng lãi suất và khiến tăng trưởng kinh tế của Mỹ giảm tốc.
Trong 12 tháng tính đến tháng 5/2023, xuất khẩu hàng hoá từ Hàn Quốc sang Mỹ đã giảm hơn 11% so với giai đoạn 12 tháng tính đến tháng 9/2022. Xuất khẩu của Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore lần lượt giảm 3%, 4% và 6%. Việt Nam cũng giảm tương tự.
Kết quả là vào tháng 5, thâm hụt thương mại của Mỹ đã sụt 5,5 tỷ USD xuống 69 tỷ USD(tương đương mức giảm 7,3% so với tháng trước), do giá trị hàng hoá nhập khẩu chạm đáy 19 tháng.
Sự sụt giảm của kim ngạch nhập khẩu hàng hoá cho thấy doanh nghiệp Mỹ đang tập trung giải quyết lượng hàng tồn kho mà họ đã tích luỹ trong đại dịch, thay vì mua hàng mới.
Sự suy yếu trong hoạt động thương mại được thể hiện ở giá hàng hoá thành phẩm khi chúng rời khỏi các nhà máy ở châu Á. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã giảm 5,4% so với cùng kỳ vào tháng 6, tháng thứ 9 liên tiếp tăng trưởng âm.
Chỉ số PPI của các nhà xuất lớn khác tại châu Á cũng yếu đi thấy rõ, bởi giá vật liệu thô hạ nhiệt đã giúp giảm chi phí sản xuất, đồng thời nhu cầu sụt giảm cũng hạn chế khả năng định giá của doanh nghiệp.
Tại một số nền kinh tế như Việt Nam, các ngành như dệt may, da dày, thuỷ sản,...còn xuất hiện tình trạng thiếu đơn hàng, dẫn đến việc sa thải nhân công với quy mô hàng trăm nghìn người vào đầu năm 2023.
Bộ Lao động Mỹ cho biết nước này đã bắt đầu cảm nhận được tác động khi hoạt động xuất khẩu của châu Á yếu đi. Giá hàng hoá mà Mỹ nhập khẩu từ Singapore, Hàn Quốc, đảo Đài Loan, Hong Kong đã giảm 6,3% so với cùng kỳ vào tháng 5.
Giá nhập khẩu cũng giảm 2% từ Trung Quốc và 3,7% từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), liên minh 10 nước bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Nhìn chung, nhu cầu quốc tế giảm sút đã đẩy chi phí sản xuất tại các nhà máy châu Á xuống thấp - gián tiếp giảm giá hàng hoá đến thị trường Mỹ và giúp Fed trong công cuộc hạ nhiệt lạm phát.