|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhật Bản già nua và tăng trưởng chậm chạp, tại sao Warren Buffett lại đầu tư vào?

16:41 | 16/06/2023
Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, các chỉ số chứng khoán Nhật Bản đã tăng gần 30%, vượt xa thị trường Mỹ. Thị trường xứ sở hoa anh đào còn nhận được sự ủng hộ của nhiều tên tuổi nổi tiếng, từ nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cho đến tỷ phú quỹ phòng hộ Ken Griffin.

Warren Buffett và các nhà đầu tư nổi tiếng của Mỹ như Ken Griffin (ngoài cùng bên phải) đang tìm cơ hội ở thị trường Nhật Bản. (Ảnh minh hoạ: Nikkei/Getty Images).

Ván cược của huyền thoại đầu tư ở Nhật Bản

Đầu tháng 4 năm nay, Warren Buffett đã có chuyến thăm lần thứ hai trong đời tới Tokyo để gặp gỡ lãnh đạo của 5 công ty thương mại lớn nhất Nhật Bản mà Berkshire Hathaway rót vốn vào gần đây.

Sau đó, tại cuộc họp cổ đông vào tháng 5, “nhà hiền triết xứ Omaha” cho biết Berkshire vẫn còn nhiều khoản đầu tư vào thị trường Nhật Bản.

Tháng 8/2020, Warren Buffett, vốn hầu như chỉ đầu tư tại Mỹ, đã khiến nhiều người bất ngờ khi tiết lộ Berkshire đang nắm giữ 5% cổ phần tại từng công ty Itochu, Marubeni, Mitsubishi, Mitsui và Sumitomo (tức các sogo shosha).

 

Berkshire đã nâng tỷ lệ sở hữu tại từng công ty lên khoảng 7,4% - vị thế lớn nhất của tập đoàn bên ngoài thị trường Mỹ và châu Âu. Đế chế của Warren Buffett có kế hoạch tăng tỷ lệ này lên 9,9%.

Tính đến phiên 14/6, 5 cổ phiếu Nhật Bản trên đã tăng trung bình hơn 150% kể từ khi Berkshire lần đầu công khai vị thế. Kết quả là, ván cược của Warren Buffett đã tăng gần ba lần giá trị sau ba năm, lên khoảng 17 tỷ USD.

Nhà đầu tư huyền thoại cho biết các sogo shosha này có nét tương đồng với Berkshire. Theo ông, họ có danh mục đa dạng với các khoản đầu tư dài hạn và tập trung vào việc tạo lập giá trị cũng như dòng tiền.

“Đây là những công ty mà tôi có thể hiểu họ đang làm gì. Giá cổ phiếu của cả 5 đều rẻ một cách đáng kinh ngạc...”, Buffett chia sẻ với CNBC trong chuyến thăm tới Nhật Bản vào tháng 4.

“Chúng tôi rất hài lòng với vị thế hiện tại”, Buffett cho hay trong cuộc phỏng vấn khác với Nikkei Asia. “Berkshire rất vui khi 5 công ty Nhật Bản đang kiếm thêm tiền để chia cổ tức và trong một số trường hợp là mua lại cổ phiếu”.

 

Trên thực tế, Warren Buffett không đơn độc trong ván cược tại xứ sở hoa anh đào.

Hồi tháng 3, Citadel, quỹ phòng hộ do tỷ phú đầu tư Ken Griffin dẫn dắt, đã quyết định mở lại văn phòng ở Tokyo. Citadel từng đóng cửa văn phòng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Một tháng sau, Steve Cohen, một nhà đầu tư tỷ phú khác, cho biết quỹ phòng hộ của ông là Point72 Asset Management sẽ mở rộng đội ngũ nhân viên tại Nhật Bản trong năm nay.

Ngoài ra, CEO Stephen Schwarzman của Blackstone đã đến thăm Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào ngày 30/3. Cùng ngày, đối thủ lâu năm của ông là Henry Kravis của quỹ KKR đang có mặt tại Nhật Bản để gặp gỡ các giám đốc tại Hitachi.

Một loạt tên tuổi lừng lẫy của Phố Wall tìm đến Nhật Bản cho thấy ngày càng nhiều người quan tâm tới thị trường tài chính này. Có lẽ họ đang muốn phát thông điệp tới thế giới rằng Nhật Bản có những món hời đang chờ đợi nhà đầu tư.

Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra là tại sao một Nhật Bản già nua, kinh tế tăng trưởng chậm chạp trong hàng chục năm qua và chậm tiếp thu những xu hướng mới so với các quốc gia khác trong khu vực lại thu hút Warren Buffett và Phố Wall.

Một đất nước Nhật Bản già nua, chậm tiến

Tính đến ngày 1/1/2023, tổng dân số Nhật Bản đạt khoảng 124,7 triệu, giảm 538.000 người so với một năm trước, số liệu sơ bộ của chính phủ chỉ ra.

Đây là năm thứ 11 liên tiếp dân số Nhật Bản sụt giảm. Số trẻ em trong độ tuổi 0 - 14 chỉ đạt khoảng 14,45 triệu, chiếm 11,6% tổng dân số. Trong khi đó, số người từ 65 tuổi trở lên chiếm đến 29%.

Dân số đi xuống và già hoá nhanh chóng đã đặt ra những gáng nặng tài chính lớn cho hệ thống y tế và an sinh xã hội nước này. Đồng thời, số người trẻ ngày càng ít khiến lực lượng lao động thu hẹp dần.

Tại buổi họp báo đầu năm 2023, Thủ tướng Kishida cho biết số ca sinh của năm 2022 đã rơi xuống dưới ngưỡng 800.000, sớm 8 năm so với dự báo của Viện Dân số và Nghiên cứu An sinh Xã hội Quốc gia, trong khi số người chết là 1,58 triệu.

Sau đó, khai mạc kỳ họp Quốc hội, ông cảnh báo: “Nhật Bản có nguy cơ không thể duy trì các chức năng của một xã hội vì dân số suy giảm”.

Đến tháng 3, một cố vấn của ông Kishida cho biết Nhật Bản sẽ biến mất nếu không thể làm chậm sự sụt giảm tỷ suất sinh và điều này đe doạ sẽ phá huỷ mạng lưới an sinh xã hội và nền kinh tế.

 

Tương tự như xu hướng dân số, nền kinh tế Nhật Bản cũng có giai đoạn tăng trưởng đáng thất vọng.

Vào thập niên 1980, nhiều người từng kỳ vọng Nhật Bản sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Song, bóng bóng tài sản trong nền kinh tế đổ vỡ đã đẩy nước này vào “thập kỷ mất mát”.

Trong thập kỷ đáng quên đó, tăng trưởng GDP trung bình của Nhật Bản là 1,2%, thấp hơn nhiều so với các nước G7 khác.

Người Nhật bắt đầu thắt chặt hầu bao. Khi nhu cầu chi tiêu giảm, giá cả cũng đi xuống và chu kỳ giảm phát nguy hiểm xuất hiện.

Đối mặt với một nền kinh tế trì trệ triền miên, chính phủ đã tung ra một số biện pháp kích cầu nhưng tác dụng không đủ lớn.

Tình hình kinh tế chỉ được cải thiện cho đến khoảng thập niên 2010 nên một số người gọi giai đoạn từ năm 1991 đến 2010 là “20 năm mất mát” của Nhật Bản.

Vực dậy chưa được bao lâu, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 vào năm 2020 đã giáng đòn đau vào nền kinh tế Nhật Bản. Tính chung cả năm 2020, GDP đã giảm 4,5% so với năm trước, theo World Bank.

COVID-19 đã đè bẹp tiêu dùng và xuất khẩu, cũng như xoá bỏ nhiều thành quả từ các chính sách kích thích kinh tế do cựu Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng từ năm 2012.

 

Mặt khác, khi hình dung về Nhật Bản, nhiều người thường mường tượng ra một đất nước công nghệ cao, nơi có các đoàn tàu siêu tốc lao vun vút và những thành phố được kết nối bằng các hệ thống hiện đại.

Song, trên thực tế, có một điều đáng ngạc nhiên là Nhật Bản lại đang bị tụt lại trong quá trình chuyển đổi số và tiếp cận những ứng dụng mới như xe điện.

Năm ngoái, khoảng 59.000 xe điện mới đã được bán ra tại Nhật Bản, đánh dấu mức tăng kỷ lục nhưng vẫn chiếm chưa đến 2% doanh số bán xe trên toàn quốc. Điều này có vẻ kì lạ khi ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản từng tiên phong trong công nghệ xe hybrid.

Dân số già là một mấu chốt của vấn đề. Số người này vẫn trung thành với các công nghệ truyền thống tồn tại từ nhiều thập kỷ trước. Do đó, giới quan sát cho rằng, việc từ bỏ các công nghệ truyền thống này và tiếp cận công nghệ mới sẽ phải mất nhiều năm ở Nhật Bản.

Tại sao lại đầu tư vào Nhật Bản?

Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng gần 30% trong năm 2023, vượt xa chỉ số S&P 500 của Mỹ. Theo Societe Generale, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2.100 tỷ yen (tương đương 15,4 tỷ USD) cổ phiếu Nhật Bản trong tháng 4.

Yếu tố đầu tiên tạo nên thành công của chứng khoán Nhật Bản là việc định giá cổ phiếu tương đối rẻ so với các thị trường phát triển khác.

Dựa trên tính toán của Barclays về hệ số P/E đã điều chỉnh theo yếu tố chu kỳ của nền kinh tế (hay hệ số CAPE), chứng khoán Nhật Bản hiện rẻ hơn đáng kể so với chứng khoán Mỹ, trong khi trước đây thì ngược lại.

Đầu năm nay, sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) đã bắt đầu yêu cầu doanh nghiệp chú ý hơn đến giá cổ phiếu. TSE thúc giục các công ty đưa ra kế hoạch để tăng hệ số giá/giá trị sổ sách (P/B).

Theo dữ liệu của Man Group, từ tháng 2, một nửa số công ty niêm yết trên TSE đã giao dịch với P/B dưới 1, trong khi chỉ 3% các công ty trên S&P 500 có P/B dưới ngưỡng này. P/B càng thấp thì giá cổ phiếu càng phải chăng.

Ông Jeremy Schwartz, CIO tại công ty WisdomTree, đánh giá: “Các quỹ phòng hộ và quỹ đầu tư tư nhân đang tìm đến Nhật Bản vì họ thấy tài sản trên khắp thế giới đều quá đắt đỏ. Luận điểm chính là chứng khoán Nhật Bản có mức giá rẻ”.

 

Thứ hai, cơn ác mộng giảm phát đang dần lùi xa và tin tốt cho Nhật Bản là dù áp lực lạm phát đã quay trở lại, số liệu của nước này vẫn thấp hơn nhiều nền kinh tế khác.

Tháng 1/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tốc độ nhanh nhất trong 41 năm. Tính đến tháng 4, lạm phát tiêu dùng tại Nhật Bản là 3,5%.

Áp lực giá, ban đầu được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đã trở nên dai dẳng hơn và giới chuyên gia dự đoán tình trạng lạm phát sẽ tiếp tục.

Như vậy, Nhật Bản có lạm phát đủ cao để kích thích người dân chi tiêu nhiều hơn, nhưng không cần phải bận tâm về việc tăng lãi suất như Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU).

Sự khác biệt trong chính sách tiền tệ còn giúp làm giảm giá trị của đồng yen so với hầu hết các loại tiền tệ chính. Đồng nội tệ yếu hơn giúp hàng hóa xuất khẩu trở nên rẻ hơn trên thị trường quốc tế, qua đó trở thành cú hích cho một quốc gia xuất khẩu như Nhật Bản.

Nhiều chuyên gia đang dần coi lạm phát, cùng với sự thay đổi trong lợi nhuận doanh nghiệp và chi tiêu tiêu dùng dưới tác động của lạm phát, là lý do phù hợp để tin rằng Nhật Bản có thể thoát khỏi hàng thập kỷ tăng trưởng trì trệ. 

 

Yếu tố thứ ba và có lẽ đóng vai trò quan trọng nhất là hệ thống quản trị tại Nhật Bản đã thay da đổi thịt trong những năm gần đây khi giám đốc doanh nghiệp hiện đã tập trung hơn vào lợi nhuận của cổ đông. Thành tựu này có công của cựu Thủ tướng Shinzo Abe.

Năm 2014, ông Abe tuyên bố trước truyền thông rằng mình sẽ thay đổi cách thức hoạt động của các công ty Nhật Bản. Khi đó, không mấy ai tin ông sẽ thành công.

Bị sốc bởi nhiều năm kinh tế bất ổn, các giám đốc doanh nghiệp Nhật Bản rất ngại trở mình. Tăng lương cho nhân viên và tạo thêm lợi nhuận cho cổ đông là điều hiếm khi xảy ra.

Giờ đây, mọi thứ đã khác. Trong vài tháng qua, các cổ đông của Canon đã yêu cầu công ty thành lập một hội đồng quản trị đa dạng hơn, Citizen Watch cho biết họ sẽ mua lại tới 25% cổ phần của mình. Chủ sở hữu của Uniqlo hứa hẹn sẽ tăng lương cho công nhân tới 40%.

Ông Yuichi Murao, Giám đốc cấp cao của Nomura Asset Management, nhận định: “Các điều kiện kinh tế cơ bản ở Nhật Bản, bao gồm lợi nhuận doanh nghiệp, hiện tốt hơn so với Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Về tăng trưởng GDP, Nhật Bản sẽ vượt lên”.

 

Ngoài ra, thương vụ rót vốn của Warren Buffett, một trong các nhà đầu tư nổi tiếng nhất trong lịch sử, là một sự chứng thực cho tiềm năng của thị trường Nhật Bản.

CEO Joseph Kraft của Rorschach Advisory cho biết Warren Buffett và Ken Griffin thường là “những nhà đầu tư sớm” và sự xuất hiện của họ tại Nhật Bản sẽ khơi gợi sự tò mò của nhà đầu tư quốc tế với thị trường này.

Cuối cùng, Nhật Bản cũng đang hưởng lợi từ xu hướng nhà đầu tư tháo chạy khỏi Trung Quốc do các hạn chế đầu tư và xuất khẩu của Mỹ. Hiện tại, nhà đầu tư cần một vài nơi trú ẩn an toàn khỏi các bất ổn địa chính trị như vậy.

Chưa kể, trong khi đà phục hồi sau giai đoạn mở cửa của Trung Quốc đang chậm lại vì thiếu kích thích, nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng, dù không quá nhanh.

“Nếu mọi người muốn tận dụng đà tăng trưởng của châu Á cũng như tiềm năng tiêu dùng dài hạn ở một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực, Nhật Bản là một điểm đến có thể kết nối với phần còn lại của châu lục”, ông Schwartz của WisdomTree nhấn mạnh.

Yên Khê

Toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I: Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
SSI Research cho biết kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng trong quý I/2024, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại. Song đơn vị phân tích này nhìn nhận kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.