|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

YCC là gì mà thị trường toàn cầu rung lắc khi nhà đầu tư đồn đoán Nhật Bản sẽ sớm từ bỏ chính sách này?

17:27 | 30/07/2023
Chia sẻ
Tuần này, thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua một phen sợ hãi khi truyền thông đưa tin Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ cân nhắc điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC).

Thống đốc BoJ Kazuo Ueda, người được kỳ vọng sẽ sớm loại bỏ chính sách YCC mà người tiền nhiệm Haruhiko Kuroda giới thiệu cách đây một thập kỷ. (Ảnh: Bloomberg).

Kết thúc cuộc họp mới nhất vào ngày 28/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tuyên bố sẽ “linh hoạt hơn” khi triển khai chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC). Động thái này đã gây bất ngờ cho thị trường tài chính toàn cầu.

Khi áp dụng cơ chế YCC, BoJ sẽ giữ lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm quanh mức 0%. BoJ cũng cho phép lợi suất dao động trong biên độ +/-0,5 điểm %.

Trong tuyên bố chính sách, BoJ cho biết các quan chức sẽ tiếp tục để lợi suất dao động trong biên độ hiện tại. Tuy nhiên, BoJ sẽ mua thêm trái phiếu với lãi suất 1% thông qua các nghiệp vụ lãi suất cố định. Qua đó, ngân hàng trung ương này có thể nới biên độ thêm 50 điểm cơ bản nữa.

Hành động bất ngờ của BoJ đã khiến đồng yen sụt giảm so với USD, trong khi giá cổ phiếu và trái phiếu chính phủ Nhật Bản trượt dốc.

Tác động còn lan toả sang nhiều khu vực khác. Tại châu Âu, chỉ số Stoxx600 đi xuống và lợi suất trái phiếu chính phủ trong khu vực tăng vọt, theo CNBC.

Vào ngày 27/7, thông tin ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ thảo luận việc điều chỉnh cơ chế YCC cũng góp phần khiến các chỉ số S&P 500 và Nasdaq của Mỹ đi xuống.

BoJ đã duy trì chính sách “bồ câu” trong nhiều năm nay, nhưng động thái mới nhất đã khiến giới chuyên gia kinh tế tự hỏi liệu chính sách tiền tệ của Nhật Bản sắp có thay đổi lớn nào hay không.

Loại bỏ dần YCC sẽ là một trong những thách thức chính của Thống đốc BoJ Kazuo Ueda, bởi chính sách này đã từng nhiều lần bị chỉ trích là bóp méo thị trường toàn cầu bằng cách giữ cho lãi suất dài hạn tại Nhật Bản không đi lên.

Vậy, YCC cụ thể là gì và một khi BoJ loại bỏ cơ chế này, tác động tới thị trường tài chính toàn cầu có thể khủng khiếp đến đâu?

Sự ra đời của YCC

Sau nhiều năm mua vào lượng trái phiếu khổng lồ mà vẫn không thể kích thích lạm phát bật tăng, BoJ đã quyết định hạ lãi suất ngắn hạn xuống dưới mức 0% vào tháng 1/2016.

Họ muốn giữ lãi suất ngắn hạn và trung hạn ở mức thấp, trong khi cho phép lãi suất dài hạn tăng cao hơn nhằm khuyến khích người dân chi tiêu và ngăn ngừa rủi ro giảm phát, nhưng đồng thời không gây áp lực lên lợi nhuận của các định chế tài chính.

Động thái trên đã phá vỡ đường cong lợi suất trái phiếu, khiến các tổ chức tài chính phẫn nộ khi thấy lợi tức đầu tư vào nợ của chính phủ Nhật Bản bốc hơi trong dài hạn.

Lợi suất trái phiếu là thước đo thể hiện tỷ suất lợi nhuận mà nhà đầu tư kỳ vọng nhận được khi mua một chứng khoán nợ. Chênh lệch giữa lợi suất của các trái phiếu có kỳ hạn khác nhau được gọi là đường cong lợi suất.

Thông thường, nhà đầu tư sẽ đòi hỏi tỷ suất lợi nhuận cao hơn khi nắm giữ các trái phiếu có kỳ hạn dài, vì chúng dễ gặp bất ổn hơn. Vì vậy, đường cong lợi suất trái phiếu thường là một đường dốc lên.

Hứng chịu chỉ trích, BoJ phải tìm cách kéo lãi suất dài hạn đi lên trở lại. Do đó, 8 tháng sau, các quan chức BoJ đã triển khai chính sách YCC bằng cách đặt lợi suất mục tiêu cho trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm là 0%.

 

Biên độ dao động của lợi suất

Lạm phát duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, buộc BoJ phải giữ chính sách YCC lâu hơn dự kiến. Lợi suất trái phiếu bắt đầu dao động trong biên độ hẹp và khối lượng giao dịch giảm dần.

Để giải quyết những “tác dụng phụ” không mong muốn, vào tháng 7/2018, ngân hàng trung ương Nhật Bản đã cho phép lợi suất tăng hoặc giảm 0,1 điểm % quanh mức mục tiêu. Đến tháng 3/2021, BoJ nới biên độ dao động lên +/-0,25 điểm %.

Dưới sức ép từ những nhà đầu tư kỳ vọng về việc tăng lãi suất, BoJ đã nâng gấp đôi biên độ dao động vào tháng 12 cùng năm, lên +/-0,5 điểm %. Đồng thời, họ còn tăng cường mua trái phiếu để củng cố cơ chế YCC.

Tại sao cần loại bỏ YCC?

Chính sách YCC phát huy tác dụng khi lạm phát ở mức thấp và khả năng BoJ đạt được mục tiêu ổn định giá cả là rất mong manh, bởi nhà đầu tư có thể an tâm khi nắm trái phiếu chính phủ có lợi nhuận ổn định.

Điều đó đã thay đổi vào năm ngoái, khi giá cả hàng hoá tăng vọt kéo lạm phát tại Nhật Bản lên trên mức mục tiêu 2% và tạo cho nhà đầu tư lý do để chỉ trích biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất.

Như đã nói, BoJ đã đẩy mạnh việc mua trái phiếu để bảo vệ chính sách của mình. Động thái này bị giới phân tích tấn công vì bóp méo thị trường trái phiếu và khiến đồng yen lao dốc không mong muốn, làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô.

Do từng bị chê trách vì rút lại kích thích quá sớm, BoJ muốn tránh tăng lãi suất cho đến khi biết rõ lạm phát sẽ đạt mục tiêu 2% một cách bền vững. Tăng trưởng tiền lương cao hơn là một bằng chứng cho nhận định đó.

 

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của BoJ cũng muốn tránh lặp lại sự việc năm ngoái, khi họ buộc phải mua trái phiếu không ngừng để bảo vệ YCC.

Vì vậy, ngân hàng trung ương Nhật Bản có thể thực hiện một số động thái để giúp cơ chế YCC bền vững hơn, chẳng hạn như cách làm tại cuộc họp chính sách tháng 7 vừa qua.

Cho phép lợi suất trái phiếu biến động linh hoạt hơn sẽ giúp giảm bớt áp lực buộc BoJ phải mua thêm trái phiếu cũng như ngăn chặn sự sụt giảm không mong muốn của đồng yen.

Song, chưa chắc BoJ có thể thành công điều chỉnh chính sách YCC mà không ra biến động lớn trên thị trường. Nhà đầu tư nhìn chung vẫn đang kỳ vọng rằng BoJ sẽ sớm bình thường hoá chính sách.

Tác động tới thị trường tài chính?

Nếu BoJ từ bỏ cơ chế YCC và chuyển sang thắt chặt chính sách, rủi ro cho thị trường tài chính toàn cầu là rất lớn.

Các nhà đầu tư Nhật Bản là những người nắm giữ nhiều trái phiếu Kho bạc Mỹ nhất, đồng thời họ còn sở hữu nhiều tài sản trên khắp thế giới từ nợ của chính phủ Brazil đến các nhà máy điện ở châu Âu.

Chi phí đi vay ở Nhật Bản đi lên có nguy cơ khuếch đại những biến động trên thị trường trái phiếu toàn cầu. Trong hơn năm qua, thị trường đã bị rung chuyển bởi chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Theo dữ liệu của BoJ, ngân hàng trung ương này đã mua 465.000 tỷ yen (tương đương 3.550 tỷ USD) trái phiếu chính phủ Nhật Bản kể từ khi cựu Thống đốc Haruhiko Kuroda thực hiện nới lỏng định lượng một thập kỷ trước.

Lợi suất trái phiếu sụt giảm và thị trường nợ quốc gia bị bóp méo, thúc đẩy các quỹ trong nước bán ra 206.000 tỷ yen chứng khoán nợ trong cùng giai đoạn để tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn ở nơi khác.

Đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đã trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ, đồng thời nắm giữ khoảng 10% nợ của chính phủ Australia và Hà Lan. Họ còn sở hữu 8% chứng khoán nợ của chính phủ New Zealand và 7% của Brazil.

 

Chưa dừng lại, giới đầu tư Nhật Bản còn tìm đường sang thị trường chứng khoán. Kể từ tháng 4/2013, họ đã chi khoảng 54.100 tỷ yen để mua cổ phiếu trên toàn cầu, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Các nhà đầu tư của xứ sở hoa anh đào hiện nắm giữ 1 - 2% cổ phiếu tại từng thị trường Mỹ, Hà Lan, Singapore và Anh.

Giờ đây, lo ngại BoJ sẽ chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo, nhà đầu tư Nhật Bản đã bắt đầu mang tiền trở về quê nhà. Họ đã bán một lượng kỷ lục trái phiếu chính phủ nước ngoài vào năm ngoái.

“Tiền của nhà đầu tư Nhật Bản đã bắt đầu hồi hương”, ông Jeffrey Atherton, Giám đốc quản lý danh mục tại hãng đầu tư Man GLG thuộc quỹ phòng hộ Man Group, đánh giá.

Công ty quản lý tài sản Asset Management One cho biết các nhà đầu tư Nhật Bản đã có trải nghiệm tồi tệ ở nước ngoài trong khoảng một năm qua, khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh buộc họ phải bán cắt lỗ.

“...nhiều người không còn muốn rót tiền vào trái phiếu nước ngoài. Bây giờ, họ nghĩ rằng không nhất thiết phải mang toàn bộ tiền đi đầu tư ở nước ngoài mà có thể rót vốn ở trong nước nữa”, Asset Management cho hay.

Tóm lại, một khi BoJ đảo chiều chính sách, thị trường tài chính toàn cầu sẽ phải đối mặt với một mối đe doạ trị giá hơn 3.000 tỷ USD và mối nguy này dĩ nhiên sinh ra từ Nhật Bản.

Yên Khê