Nhật Bản không còn là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới
Nhật Bản đã mất vị thế nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức, Barron's dẫn dữ liệu mới nhất cho hay.
Theo báo cáo được công bố hôm 15/2, nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1,9% trong năm 2023. Tuy nhiên, tính theo đồng USD, GDP danh nghĩa của Nhật Bản chỉ đạt 4.200 tỷ USD, thấp hơn con số 4.500 tỷ USD của Đức.
Cuộc đổi ngôi này chủ yếu phản ánh đà giảm của đồng yen so với đồng bạc xanh. Đồng nội tệ của Nhật Bản đã mất gần 20% giá trị so với USD trong hai năm 2022 và 2023.
Giữa lúc các ngân hàng trung ương lớn khác tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn duy trì lãi suất âm, Barron’s giải thích thêm.
Cả hai nền kinh tế này đều phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, dù các nhà sản xuất của Đức chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề khi giá năng lượng tăng cao sau khi Nga tấn công Ukraine.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu còn bị đè nặng bởi việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất, cùng với tình trạng bất ổn xoay quanh vấn đề ngân sách và thiếu hụt lao động lành nghề.
Hồi tháng 1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng đất nước của ông là “kẻ bệnh” của châu Âu.
“Đức chỉ là một người mệt mỏi sau giấc ngủ ngắn và những dự báo về tốc độ tăng trưởng thấp là một lời cảnh tỉnh cho chúng tôi”, vị bộ trưởng bày tỏ.
Nhật Bản cũng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là ô tô. Song, tình trạng thiếu hụt lao động ở đất nước mặt trời mọc nghiêm trọng hơn Đức vì dân số vẫn đang trên đà giảm và tỷ lệ sinh của Nhật Bản vẫn ở mức thấp.
Dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đã thu hẹp 0,1% vào quý cuối cùng của năm 2023. Trước đó, các chuyên gia kỳ vọng GDP của Nhật Bản sẽ tăng trưởng 0,2%.
Tốc độ tăng trưởng GDP quý III cũng được điều chỉnh xuống mức âm 0,8%. Nói cách khác, nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái kỹ thuật sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Theo Barron’s, Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ vào cuối những năm 1960. Trong giai đoạn bùng nổ những năm 1970 và 1980, một số chuyên gia dự đoán nước này sẽ trở thành nền kinh tế số một.
Tuy nhiên, cú nổ của bong bóng tài sản vào đầu những năm 1990 đã dẫn tới “thập kỷ mất mát”, đẩy Nhật Bản vào tình trạng trì trệ và giảm phát.
Nhật Bản bị đối thủ châu Á là Trung Quốc vượt qua vào năm 2010. Hiện tại, quy mô nền kinh tế tỷ dân lớn gấp 4 lần Nhật Bản.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Nhật Bản sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn nữa khi Ấn Độ - một nền kinh tế trẻ đang phát triển mạnh - dự kiến sẽ vượt qua nước này vào năm 2026. Sau đó, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ vượt Đức vào năm 2027.
Việc Nhật Bản tụt lại phía sau Đức được dự đoán là sẽ gây thêm áp lực lên chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida. Vào tháng 11 năm ngoái, ông Kishida đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 17.000 tỷ yen (tương đương 118,5 tỷ USD).
Trọng tâm của kế hoạch kích thích kinh tế là tạm thời cắt giảm thuế thu nhập cố định và thuế cư trú bắt đầu từ tháng 6/2024.
Theo Nikkei Asia, Tokyo dự kiến sẽ giảm cho mỗi người 30.000 yen thuế thu nhập và 10.000 yen thuế cư trú. Các hộ gia đình thu nhập thấp vốn đã được miễn đóng thuế cư trú sẽ nhận được 70.000 yen.
Kế hoạch cũng bao gồm việc gia hạn các khoản trợ cấp đến cuối tháng 4/2024 để giảm bớt gánh nặng cho người dân giữa lúc chi phí sinh hoạt leo thang.