|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bức tranh kinh tế Đức xám xịt, chỉ le lói vài tia hy vọng

13:52 | 13/02/2024
Chia sẻ
Cỗ máy kinh tế Đức đang ngày càng suy yếu và loạt dữ liệu mới nhất không cho thấy nhiều hy vọng.

 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: Getty Images).

Thời gian gần đây, nền kinh tế Đức ít khi nhận được tin tốt. Và dữ liệu kinh tế mới nhất cũng không thể thay đổi tình hình.

Tuần trước, Đức đã công bố một số dữ liệu kinh tế quan trọng, bao gồm số đơn đặt hàng nhà máy, kim ngạch xuất khẩu và sản lượng công nghiệp. Báo cáo cho thấy nền kinh tế vẫn yếu ở thời điểm kết thúc năm cũ.

Chia sẻ với CNBC, ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Berenberg Bank, kết luận: “Dữ liệu mới xác nhận rằng cỗ máy công nghiệp Đức vẫn đang suy thoái”.

Sản lượng công nghiệp tháng 12 giảm 1,6% so với tháng liền trước. Tính chung cả năm 2023, thước đo này sụt 1,5% so với năm 2022.

Xuất khẩu - nền tảng chính của nền kinh tế Đức - giảm 4,6% trong tháng 12 và 1,4% (tương đương 1.526 tỷ euro, tức khoảng 1.680 tỷ USD) trong cả năm 2023.

Trong khi đó, số đơn đặt hàng tại các nhà máy thoạt nhìn có vẻ hứa hẹn hơn khi số liệu tháng 12 tăng 8,9% so với tháng 11.

Song, mức tăng này “không khiến mọi người an lòng”, nhà kinh tế cấp cao Franziska Palmas của Capital Economics lưu ý. Bà cho biết thước đo này tăng là nhờ những đơn đặt hàng quy mô lớn, vốn thường không ổn định.

“Nếu không tính các đơn hàng quy mô lớn thì số đơn hàng nhà máy trong tháng 12 thực chất đã giảm xuống mức thấp sau đại dịch”, bà Palmas nhấn mạnh.

Tính chung cả năm 2023, số đơn hàng nhà máy giảm 5,9% so với năm trước đó.

 

Ông Schmieding cho biết, dù dữ liệu tháng 12 chưa chỉ ra bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ lĩnh vực sản xuất sắp phục hồi, chỉ số PMI tháng gần nhất lại cho thấy ngành này có thể sắp vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất.

Tuy vậy, nền kinh tế đầu tàu của châu Âu vẫn khó tăng trưởng dương trở lại trong tương lai gần, chiến lược gia vĩ mô Erik-Jan van Harn đến từ Rabobank cho hay.

Theo vị chiến lược gia, hoạt động sản xuất công nghiệp tại Đức vẫn chưa quay trở lại mức trước đại dịch. Lĩnh vực này được dự báo sẽ thu hẹp trong quý I/2024, nhưng không nghiêm trọng như quý IV/2023.

Bi quan hơn

Những chuyên gia khác thậm chí còn bi quan về nền kinh tế Đức hơn. Nhà kinh tế trưởng Jörg Krämer của Commerzbank nói với CNBC: “Chúng tôi giữ nguyên dự báo rằng nền kinh tế Đức sẽ giảm 0,3% trong năm 2024”.

Theo dữ liệu do Văn phòng Thống kê Liên bang công bố vào tháng trước, dự báo của ông Krämer sẽ phù hợp với diễn biến của nền kinh tế Đức năm ngoái, khi GDP giảm 0,3% so với năm 2022.

Dữ liệu cũng cho thấy GDP giảm 0,3% trong quý IV, nhưng Đức vẫn tránh được suy thoái kỹ thuật (tức hai quý tăng trưởng âm liên tiếp).

Văn phòng Thống kê Liên bang nhận thấy GDP quý III bị trì trệ chứ không thu hẹp, giúp Đức tránh được suy thoái. Song, nền kinh tế này sẽ thực sự suy thoái kỹ thuật nếu GDP ba tháng đầu năm 2024 sụt giảm.

Ông Krämer giải thích, doanh nghiệp có quá nhiều vấn đề phải đối mặt, từ lãi suất toàn cầu tăng cao, giá năng lượng đắt đỏ, thị trường Trung Quốc không mang đến nhiều cơ hội như trước và Đức ngày càng kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

 

Chiến lược gia van Harn của Rabobank nói thêm rằng một số trong những cơn gió ngược nói trên còn làm suy yếu hoạt động xuất khẩu của Đức.

Những yếu tố như năng lượng giá rẻ từ Nga, nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc và sự phát triển của thương mại toàn cầu từng hỗ trợ xuất khẩu của Đức trong nhiều thập kỷ, “nhưng giờ đều đã yếu đi”, ông cho hay.

Các chuyên gia cho rằng ngoài khía cạnh kinh tế, môi trường chính trị trong nước và quốc tế cũng có thể là rủi ro cho nền kinh tế trụ cột của châu Âu.

Chính phủ Đức phải chịu áp lực lớn vì cuộc khủng hoảng ngân sách gần đây. Toà án hiến pháp kết luận, việc phân bổ lại khoản ngân sách chưa sử dụng trong đại dịch cho các kế hoạch chi tiêu hiện tại là trái pháp luật.

Phán quyết của toà án để lại một lỗ hổng 60 tỷ USD trong kế hoạch ngân sách của chính phủ liên bang, và do nguồn tiền đó đã được phân bổ cho những năm tới, cuộc khủng hoảng có thể gây náo loạn lần nữa vào cuối năm nay khi Berlin bàn kế hoạch ngân sách năm 2025.

Tỷ lệ tín nhiệm đối với chính phủ cũng ở mức thấp. Đảng CDU đối lập đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò.

Cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ cũng có thể khiến tình hình của Đức trở nên khó khăn hơn, ông Schmieding cho hay. “Những lời đe doạ của ông Trump về chiến tranh thương mại có thể là một tin tức tiêu cực cho Đức”, vị chuyên gia nhấn mạnh, dù ông lưu ý rằng điều này phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử.

Khả Nhân