Nước Đức đang bước vào quá trình phi công nghiệp hóa?
Vào mùa Thu năm ngoái, tại một nhà máy sản xuất các bộ phận kim loại dành cho máy cán, nằm ở tỉnh Düsseldorf (Đức), 1.600 công nhân đã có buổi lễ kết thúc 124 năm hoạt động của nhà máy. Đây là một trong những sự kiện đánh dấu khoảnh khắc chấm dứt hơn một thế kỷ hoàng kim của cuộc cách mạng công nghiệp hóa nước Đức.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải đối mặt với một hiện thực “đau đớn”: Những tháng ngày là một siêu cường công nghiệp thế giới có thể sắp kết thúc. Sản lượng chế tạo của “bà đầm già” có xu hướng giảm kể từ năm 2017 và sự suy giảm này ngày càng gia tăng khi khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Đức dần bị xói mòn.
Bà Stefan Klebert, Giám đốc điều hành GEA Group AG - nhà cung cấp máy móc dùng cho sản xuất có thâm niên hơn 230 tuổi, chia sẻ: “Tôi thực sự không chắc rằng chúng tôi có thể ngăn chặn xu hướng này hay không. Nhiều thứ đã thay đổi chỉ trong khoảng thời gian ngắn”.
Nền tảng của bộ máy công nghiệp Đức đã sụp đổ nhanh chóng, khi các nước đảm nhiệm vai trò “đầu ra” cho hàng hóa Đức đang chuyển hướng. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngày càng rời xa châu Âu, thậm chí đang tìm cách cạnh tranh với chính các đồng minh ở phía bờ bên kia Đại Tây Dương trong cuộc đua đầu tư vào khí hậu.
Trung Quốc dần trở thành một đối thủ lớn hơn và không còn là người mua hàng lớn của Đức. Đòn giáng cuối cùng vào một số nhà sản xuất công nghiệp nặng Đức là việc không còn có thể mua được khối lượng khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga.
Bên cạnh những biến động toàn cầu, tình trạng chính trị tê liệt ở trong nước cũng đang làm trầm trọng thêm các vấn đề vốn có từ lâu, như cơ sở hạ tầng xuống cấp, lực lượng lao động già hóa và tệ quan liêu.
Hệ thống giáo dục, từng là một trong những thế mạnh của Đức, ngày càng bộc lộ lỗ hổng do tình trạng thiếu đầu tư lâu dài trong các lĩnh vực dịch vụ công. Viện nghiên cứu Ifo ước tính rằng việc suy giảm kỹ năng toán học sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu thiệt hại khoảng 14 nghìn tỷ euro (15 nghìn tỷ USD) vào cuối thế kỷ này.
Trong một số trường hợp quá trình giảm tốc công nghiệp diễn ra theo từng bước nhỏ, như thu hẹp quy mô và kế hoạch đầu tư. Một số khác được thể hiện rõ hơn qua sự chuyển dịch dây chuyền sản xuất và cắt giảm nhân sự.
Ngoài ra, còn có một vài trường hợp cực đoan - như nhà máy đường ống của Vallourec SACA, từng là một phần của "gã khổng lồ" công nghiệp Mannesmann đã sụp đổ - phải đóng cửa vĩnh viễn.
Mặc dù, nước Đức vẫn đang sở hữu một danh sách đáng ngưỡng mộ bao gồm các nhà sản xuất công nghiệp nhỏ. Nhưng, nhìn vào thực tế hiện nay, rất khó để bất kỳ chuyên gia nào có thể khẳng định rằng phi công nghiệp hóa sẽ không xảy ra hoặc sẽ được ngăn chặn.
Theo bà Maria Röttger, người đứng đầu khu vực Bắc Âu của nhà sản xuất lốp ô tô nổi tiếng toàn cầu Michelin, khả năng cạnh tranh công nghiệp suy giảm có nguy cơ đẩy nước Đức vào vòng xoáy đi xuống.
Công ty sản xuất lốp xe của Pháp đã tuyên bố sẽ đóng cửa hai nhà máy ở Đức và thu hẹp 1/3 quy mô sản xuất ở nước này vào cuối năm 2025 - một động thái có khả năng khiến hơn 1.500 công nhân thất nghiệp. Đối thủ Goodyear của Mỹ cũng đã công bố một kế hoạch tương tự cho hai cơ sở sản xuất tại Đức.
Bà Röttger chia sẻ việc sản xuất lốp xe tải xuất khẩu từ Đức đã không còn lợi thế cạnh tranh về giá. Bà nói: “Nếu xuất khẩu của Đức không còn có tính cạnh tranh trong bối cảnh quốc tế, thì nước này sẽ mất đi một trong những thế mạnh lớn nhất của mình”.
GEA là một ví dụ đáng tiếc khác. Công ty này đang đóng cửa nhà máy bơm gần Mainz để chuyển sang địa điểm mới ở Ba Lan.
Nhà sản xuất phụ tùng ô tô Continental AG, chủ sở hữu của GEA, đã công bố kế hoạch từ bỏ một nhà máy sản xuất các bộ phận cho hệ thống phanh và an toàn cho ô tô vào tháng 7/2023. Tương tự, đối thủ Robert Bosch GmbH cũng đang trong quá trình cắt giảm hàng nghìn công nhân.
Cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa Hè năm 2022 là chất xúc tác chính thúc đẩy quá trình phi công nghiệp hóa. Mặc dù, nền kinh tế Đức đã tránh được suy thoái, nhưng lạm phát của nước này vẫn cao hơn so với các nền kinh tế phát triển khác.
Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là hóa chất - chịu hậu quả trực tiếp từ việc Đức đánh mất nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội ngành công nghiệp hóa chất (VCI), với việc quá trình chuyển đổi sang hydro “xanh” vẫn chưa chắc chắn, gần 1/10 công ty hóa chất của Đức đang có kế hoạch tạm dừng vĩnh viễn các quy trình sản xuất. BASF SE, nhà sản xuất hóa chất lớn nhất châu Âu, đang cắt giảm 2.600 việc làm và Lanxess AG đang cắt giảm 7% nhân viên.
Đại dịch COVID-19 cũng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra nhanh hơn, khi các dây chuyền lắp ráp ô tô của Đức hầu hết bị đình trệ do tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn (chip) và các linh kiện khác. Điều này cho thấy những rủi ro khi phụ thuộc vào mạng lưới các nhà cung cấp rộng khắp, đặc biệt là ở châu Á.
Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa Đức. Đồng thời, sự cạnh tranh giá rẻ của các thương hiệu ô tô Trung Quốc, cũng như hệ thống năng lượng Mặt Trời, tuabin gió… đang gây lo ngại cho các ngành công nghiệp then chốt Đức trong quá trình dành ưu thế chuyển đổi năng lượng.
Trên khắp Đức, các nhà sản xuất tấm pin năng lượng Mặt Trời đang thông báo ngừng hoạt động và cắt giảm nhân sự, do họ phải vật lộn để cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc.
Theo Giám đốc điều hành Detlef Neuhaus, Solarwatt GmbH có trụ sở tại Dresden đã cắt giảm 10% lực lượng lao động của mình và có thể sẽ chuyển sản xuất ra nước ngoài nếu tình hình không cải thiện trong năm nay.
Những “cơn gió ngược” đòi hỏi nền kinh tế Đức phải có sự thích ứng. Giám đốc điều hành Klaus Geißdörfer cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Đó không chỉ là năng lượng. Đó cũng là vấn đề về nguồn nhân lực, hiện đang rất căng thẳng”.
Ông nói thêm, trong vòng một thập kỷ tới, dân số trong độ tuổi lao động của Đức sẽ trở nên quá nhỏ để duy trì nền kinh tế hoạt động như hiện nay.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/