|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một ngành công nghiệp ở Đức điêu đứng vì khủng hoảng Biển Đỏ

07:54 | 25/01/2024
Chia sẻ
Ngành hoá chất Đức đã bắt đầu thấm đòn khi các chuyến hàng đi qua Biển Đỏ bị trì hoãn. Đây là ví dụ mới nhất cho thấy tình trạng gián đoạn nguồn cung đang buộc một số doanh nghiệp phải hạn chế sản xuất.

 

Những "núi" container tại một cảng biển ở Đức. (Ảnh: Reuters).

Giảm sản lượng vì thiếu nguyên liệu

Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của châu Á - từ phụ tùng ô tô, thiết bị máy móc đến hoá chất và đồ chơi - đều đang phải mất nhiều thời gian hơn để đến được châu Âu vì tàu biển phải đi vòng qua châu Phi để tránh bị phiến quân Houthi tấn công trên Biển Đỏ, theo Reuters.

Mặc dù các nhà sản xuất công nghiệp Đức đã quen với tình trạng gián đoạn nguồn cung sau khi đại dịch COVID-19 và chiến sự tại Ukraine nổ ra, tác động của cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ đang dần lộ rõ. Nhà máy của hãng xe điện Tesla ở Berlin (Đức) là ví dụ rõ nét nhất.

Hoá chất, ngành công nghiệp lớn thứ ba của Đức sau ô tô và kỹ thuật với doanh thu hàng năm khoảng 260 tỷ euro (tương đương 282 tỷ USD), phụ thuộc rất nhiều vào châu Á. Khoảng 1/3 nguyên liệu thô mà ngành này nhập khẩu từ bên ngoài châu Âu là đến từ châu Á.

Chia sẻ với tờ Reuters, bà Martina Nighswonger, CEO của ông lớn Gechem, cho biết: “Bộ phận mua sắm nguyên vật liệu của chúng tôi đang phải làm việc vất vả gấp ba lần để có được hàng”.

Do tình trạng chậm trễ ở Biển Đỏ, công ty có doanh thu tới hàng triệu chục triệu euro này đã phải giảm sản lượng nước rửa chén và viên thả bồn cầu vì không thể mua đủ trisodium citrate, axit sulfamic và citric.

Do đó, Gechem đang đánh giá lại hệ thống làm việc ba ca của mình, bà Nighswonger cho hay. Áp lực của công ty càng lớn hơn khi tình trạng gián đoạn vận tải biển có thể sẽ kéo dài trong ít nhất nửa đầu năm 2024.

Theo bà Nighswonger, Gechem đang phải trao đổi thẳng thắn với khách hàng. “Nếu chúng tôi chỉ có 3 xe tải nguyên liệu thay vì 6, mỗi khách hàng sẽ chỉ nhận được một phần đơn hàng mà họ đã đặt, nhưng ít nhất ai cũng có hàng”, bà nói.

Nhà sản xuất hoá chất lớn hơn là Evonik cũng bị ảnh hưởng bởi căng thẳng trên Biển Đỏ. Công ty cho biết một số tàu chở hàng phải đổi hướng tới ba lần trong vòng vài ngày.

Evonik đang cố gắng giảm bớt tác động bằng cách đặt hàng sớm hơn và chuyển sang vận tải hàng không dù đây chỉ là một giải pháp tạm thời vì một số hoá chất không được vận chuyển bằng máy bay.

Lo ngại từ lâu

Cơ quan công nghiệp VCI của Đức từ lâu đã nhắc đến sự phụ thuộc của ngành công nghiệp hoá chất vào nguyên liệu nhập khẩu từ châu Á.

VCI cho rằng dù việc hạn chế sản xuất chỉ diễn ra ở một số doanh nghiệp đơn lẻ, sự chậm trễ của các tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ là một gánh nặng khác cho ngành công nghiệp hoá chất vốn đã suy yếu của Đức.

Nhà kinh tế trưởng Henrik Meincke của VCI cho biết tác động đặc biệt đáng chú ý ở những công ty hoá quy mô vừa, vì những doanh nghiệp này thường nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu thô từ châu Á.

Cuộc khủng hoảng vận tải biển ở Biển Đỏ xảy ra giữa lúc Đức - nền kinh tế trụ cột của châu Âu - chật vật vì suy thoái, chi phí lao động và giá năng lượng đắt hơn. Theo S&P Global, cùng với ô tô và bán lẻ thì ngành hoá chất của châu Âu được coi là dễ bị tổn thương nhất.

Ngoài việc nguyên liệu thô đến chậm hơn, các công ty hoá chất Đức còn cho biết giá nhiên liệu đang tăng cao hơn do tàu chở dầu phải mất thêm 14 ngày mới đến nơi. Doanh nghiệp nói họ chỉ có thể sang tay một phần chi phí cho khách hàng.

Tuy vậy, một số công ty khác lại ít bị ảnh hưởng hơn.

Covestro, công ty sản xuất hoá chất dùng trong nệm, ghế ô tô và vật liệu cách nhiệt dùng trong xây dựng, dự kiến sẽ phải gánh giá cước cao hơn. Song, Covestro cho biết chi phí này không đáng kể trong tổng chi tiêu của công ty.

Nhà sản xuất nước hoa Symrise dự đoán công ty sẽ không bị gián đoạn đơn hàng vì có đủ tồn kho nguyên liệu.

Wacker Chemie, doanh nghiệp cung cấp polysilicon cho một nửa số chip bán dẫn trên thế giới, cũng dự kiến chi phí sẽ tăng cao hơn nhưng hoạt động kinh doanh không bị ảnh hưởng đáng kể.

Nhà kinh tế Meincke của VCI nhận thấy khó có nguy cơ các doanh nghiệp hoá chất phải tạm ngừng sản xuất trên diện rộng ngay cả khi tình hình Biển Đỏ vẫn căng thẳng.

 

Khả Nhân