Những tác động ban đầu của khủng hoảng Biển Đỏ đối với kinh tế châu Âu
Theo Bộ Kinh tế Đức, một số đánh giá ban đầu cho thấy đã xuất hiện sự khan hiếm hàng hóa, đối với một số mặt hàng cụ thể, thường được vận chuyển từ châu Á sang nước này theo tuyến đường đi qua kênh đào Suez. Tuy nhiên, sự thiếu hụt là không đáng kể và các nhà chức trách đang theo dõi sát sao tình hình để chuẩn bị kế hoạch đối phó.
Trong khi đó, tại Anh, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE,) Andrew Bailey, xác nhận các tác động là có nhưng không đáng kể.
Về cơ bản, chưa có tác động tiêu cực nào lớn được ghi nhận trong toàn bộ hệ thống kinh tế-thương mại châu Âu, liên quan đến khủng hoảng ở Biển Đỏ.
Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế chính của “lục địa già” bao gồm cả chỉ số lạm phát trong tháng 12/2023, đã tăng nhẹ trên toàn khu vực. Nguyên nhân, theo các chuyên gia kinh tế, là do sự kết hợp của các hiệu ứng thống kê khác nhau, trong đó có một số tác động chỉ xảy ra một lần và một số áp lực tăng giá dịch vụ.
Lý giải cho nhận định này, các chuyên gia kinh tế cho biết nền kinh tế toàn cầu nói chung vẫn đang hoạt động dưới mức trung bình. Dầu mỏ - mặt hàng dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi xung đột ở Trung Đông – cho đến nay vẫn duy trì nguồn cung ổn định, trong khi nhu cầu dầu đang chậm lại.
Điều này khiến giá dầu biến động không lớn, hạn chế sự tác động đối với các hoạt động kinh tế toàn cầu.
Liên quan tới hoạt động vận chuyển từ châu Á sang châu Âu, công ty hậu cần khổng lồ DHL cho biết vẫn có sẵn năng lực vận chuyển hàng không, đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp.
Tiêu dùng bị thu hẹp giúp giảm khả năng gây áp lực cho hệ thống cung ứng quốc tế, đặc biệt là trên tuyến đường kết nối Á-Âu. Hơn nữa, lạm phát tăng mạnh trong hai năm qua đã đẩy giá hàng hóa lên một nấc thang mới, khiến các công ty khó có thể chuyển phần gia tăng chi phí, do giá vận chuyển tăng, lên người tiêu dùng.
Thay vào đó nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực xây dựng lại tỷ suất lợi nhuận công ty và chấp nhận cắt giảm lợi nhuận tạm thời.
Chủ tịch điều hành của Tập đoàn Pepco, Andy Bond, nói: “Chúng tôi dự tính rằng vẫn có thể hấp thụ chi phí gia tăng mà chúng tôi ước tính sẽ phải trải qua”. Ông Bond cho biết thêm công ty đang nỗ lực cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp.
Nhà bán lẻ đồ nội thất IKEA của Thụy Điển chia sẻ công ty tiếp tục tuân thủ kế hoạch giảm giá và dự trữ hàng, để đối phó với bất kỳ cú sốc nào trong chuỗi cung ứng. Nhờ đó, sự gián đoạn trong hoạt động vận chuyển ở Biển Đỏ sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát giá tiêu dùng.
Mặc dù những tác động từ khủng hoảng ở Biển Đỏ chưa tạo ra hiệu ứng tiêu cực lớn tới hoạt động kinh tế-thương mại châu Âu. Nhưng nếu sự gián đoạn càng kéo dài thì càng có nhiều khả năng bức tranh kinh tế rộng lớn hơn của khu vực sẽ có thêm nhiều gam màu xám.
Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, việc tăng chi phí vận chuyển hàng hóa đi vòng quanh châu Phi sẽ đẩy giá vận tải container tăng lên, góp phần bổ sung thêm 0,6 điểm phần trăm vào lạm phát của châu Âu trong thời gian một năm.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến lạm phát khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ giảm từ 5,4% của năm 2023, xuống còn 2,7% trong năm nay.
Do đó, tổ chức Oxford Economics kết luận rằng: “Điều này cho thấy việc đóng cửa Biển Đỏ kéo dài sẽ không ngăn được lạm phát giảm, nhưng nó sẽ làm chậm tốc độ trở lại bình thường của lạm phát”.
Tuy nhiên, Oxford Economics cũng lưu ý rằng vụ việc sẽ không ngăn cản xu hướng giảm lãi suất dự kiến của các ngân hàng trung ương.