|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu tiếp nhiên liệu tại khu vực Biển Đỏ gia tăng

02:00 | 19/01/2024
Chia sẻ
Việc các hãng tàu quốc tế buộc phải định tuyến lại hải trình đi qua vòng qua châu Phi để tránh các cuộc tấn công tiềm tàng ở khu vực Biển Đỏ đã làm thay đổi mô hình tiếp nhiên liệu và thúc đẩy nhu cầu bổ sung cảng tiếp nhiên liệu, từ Mauritius đến Nam Phi, hoặc đến Quần đảo Canary.

Tại các cảng tiếp nhiên liệu, bao gồm Port Louis, Gibraltar của Mauritius và các cảng ở Quần đảo Canary và Nam Phi, nhiều thương gia cho biết doanh số bán hàng đang tăng vọt. Một số tàu thậm chí đã lên kế hoạch tăng nạp nhiên liệu nhiều hơn ở Singapore và Rotterdam (Hà Lan), khiến hai cảng này trở thành khu vực tiếp nhiên liệu bận rộn nhất thế giới và giá nhiên liệu tại nơi đây cũng trở nên cạnh tranh hơn.

Dữ liệu từ nhà cung cấp nhiên liệu Integr8 Fuels chỉ ra rằng giá nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp được giao tại cảng Cape Town đã tăng 15% lên gần 800 USD/tấn kể từ giữa tháng 11/2023 khi các cuộc tấn công bắt đầu ở Biển Đỏ.

Ông Philip Wang Balke, một nhà kinh doanh nhiên liệu cấp cao tại cảng Integr8 ở châu Phi, chia sẻ nhu cầu về nhiên liệu ở Nam Phi đang tăng lên trong thời gian gần đây, khi ngày càng nhiều tàu lớn tăng dự trữ nhiên liệu.

Lực lượng Houthi ở Yemen, ngày 17/1, tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công các tuyến hàng hải trên Biển Đỏ. Trong bối cảnh đó, hàng trăm tàu container buộc phải kéo dài hành trình đi quanh cực Nam châu Phi, tăng thời gian di chuyển thêm 10-14 ngày nữa, để tránh bị tấn công.

Ông John A. Bassadone, người sáng lập và là Giám đốc điều hành cảng cung cấp nhiên liệu độc lập Peninsula, cho biết: “Các tàu đang chuyển hướng khỏi Biển Đỏ và định tuyến lại quanh bờ biển Nam và Tây Phi. Thời gian di chuyển kéo dài với lưu lượng lớn đã tạo ra tình trạng tắc nghẽn tại các cảng tiếp nhiên liệu quanh châu Phi và gây áp lực đáng kể lên cơ sở hạ tầng cảng”.

Diệu Linh (Theo Reuters)

TS. Cấn Văn Lực: Để ngân hàng bán vàng trực tiếp, giá sẽ lập tức giảm nhưng chỉ là biện pháp trước mắt
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc bán vàng qua nhóm ngân hàng Big 4 chỉ là biện pháp trước mắt nhằm tăng nguồn cung trên thị trường khiến giá giảm ngay. Nhưng về lâu dài cần đảm bảo thị trường vàng minh bạch và ngăn chặn thao túng giá, xoá bỏ độc quyền có thể xử lý dứt điểm được câu chuyện chênh lệch giá.