|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia lo ngại xung đột Biển Đỏ tác động đến Việt Nam: Gây nguy cơ lạm phát, xuất khẩu khó phục hồi

07:30 | 17/01/2024
Chia sẻ
Các chuyên gia lo ngại nếu xung đột tại Biển Đỏ gia tăng có thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá dầu lên cao làm gia tăng lạm phát. Điều này sẽ gây bất lợi rất lớn đến Việt Nam nhất là trong việc phục hồi xuất khẩu.

Các nhà bán lẻ tại châu Âu đang gia tăng nhập khẩu hàng hoá trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của các nước châu Á là tín hiệu tích cực với xuất khẩu các nước trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra tại Biển Đỏ lại khiến các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại chi phí gia tăng, giao hàng muộn thậm chí là sự đứt gãy trở lại của chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã mất rất nhiều thời gian để phục hồi.

Theo Reuters, các nhà khai thác tàu container lớn như Maersk và Hapag-Lloyd đang tránh kênh đào Suez - tuyến đường ngắn nhất từ ​​châu Á đến châu Âu - sau các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào các tàu ở Biển Đỏ.

Sự chuyển hướng này đã làm dấy lên lo ngại về một sự gián đoạn kéo dài khác đối với thương mại toàn cầu cũng như chuỗi cung ứng đang gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19. Thay vào đó, việc đi vòng quanh miền nam châu Phi sẽ tốn thêm 1 triệu USD chi phí nhiên liệu và mất khoảng 10 ngày cho hành trình.

Biển Đỏ là tuyến đường vận chuyển thương mại quan trọng, thường chiếm 15% tổng thương mại đường biển toàn cầu, bao gồm 8% ngũ cốc, 12% dầu vận chuyển bằng đường biển và 8% khí tự nhiên lỏng vận chuyển bằng đường biển. Kể từ cuộc tấn công đầu tiên của Houthi vào ngày 19/10, giao thông trên Biển Đỏ đã giảm đáng kể.

Chỉ số thương mại Kiel cập nhật mới nhất được Viện Kinh tế Thế giới Kiel công bố hôm 11/1 cho thấy, sau khi bắt đầu các cuộc tấn công của Houthi, lưu lượng container qua Biển Đỏ thấp hơn một nửa mức thông thường trong tháng 12 và giảm xuống dưới 70% so với mức bình thường vào đầu tháng 1.

Hai tác động từ xung đột Biển Đỏ đến Việt Nam

Với Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đánh giá vụ việc căng thẳng tại Biển Đỏ không chỉ tác động trực tiếp vào các doanh nghiệp xuất khẩu khi làm tăng chi phí và thời gian giao hàng mà nếu kéo dài nó có thể tác động đến những yếu tố lớn hơn như giá dầu và đứt gãy chuỗi cung ứng gây nguy cơ lạm phát.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng thời gian gần đây số lượng các doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm đến căng thẳng Biển Đỏ đã gia tăng liên tục. Nguyên nhân là cũng giống như các cuộc xung đột khác trên thế giới, vụ việc này có thể tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đầu tiên là sự tác động trực tiếp, nhiều doanh nghiệp cho biết chi phí để vận chuyển một container hàng hoá sang châu Âu đã gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó là các chi phí về hậu cần, bảo hiểm cũng như chi phí khác khiến doanh nghiệp gặp nhiều áp lực.

Cuộc xung đột này còn khiến thời gian giao hàng bị kéo dài và có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không đáp ứng kịp thời gian giao hàng cho đối tác theo hợp đồng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình và dựa trên diễn biến đó để ứng phó kịp thời, lưu ý đến các điều khoản bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Cũng như mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này.

Với tác động gián tiếp, xung đột Biển Đỏ có thể khiến giá dầu tăng cao gây nguy cơ lạm phát. Khi cuộc khủng hoảng này càng kéo dài, càng gây ra nhiều gián đoạn cho hoạt động vận chuyển hàng hóa đường biển trên toàn cầu và chi phí sẽ tiếp tục tăng, các chuyên gia nhận định.

Giá dầu thô Brent ngày 16/1 đạt 78,15 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 72,70 USD/thùng. Trong điều kiện thông thường, các nhà kinh tế đã dự báo giá dầu có thể tăng lên mức 80 USD/thùng trong nửa đầu năm 2024 và sẽ tăng lên khoảng 80 - 85 USD/thùng vào nửa cuối năm 2024 khi kinh tế hồi phục trở lại nhờ lãi suất giảm. Tuy nhiên, với cuộc xung đột tại Biển Đỏ giá dầu thậm chí còn có thể tăng cao hơn.

Theo báo cáo Triển vọng ngành dầu khí mà Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) vừa công bố, năm 2024 giá dầu sẽ được hỗ trợ từ nhiều yếu tố như: Fed nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất từ giữa năm khiến USD yếu đi và nhu cầu dầu của thế giới sẽ tiếp tục tăng khi nền kinh tế phục hồi. Ở trong nước kinh tế hồi phục, thương mại vận tải tăng làm tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu.

Dù vậy, yếu tố khó đoán định nhất hiện là cuộc căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ liệu có tiếp tục gia tăng hay không?

Cần chuẩn bị cho các kịch bản kinh tế 2024 

TS. Võ Trí Thành, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Ảnh: CIEM).

Theo TS. Võ Trí Thành, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ là một biểu hiện của sự xung đột, đối đầu về địa chính trị. Quá trình này nếu diễn biến nghiêm trọng hơn càng tạo nguy cơ phân mảnh cao hơn và sẽ gây tác động tiêu cực đến toàn thế giới.

Không chỉ chuỗi cung ứng bị đứt gãy mà hiệu quả của việc phân bổ nguồn lực cũng sẽ giảm đi rất nhiều, lạm phát có nguy cơ gia tăng. 

Trong năm 2023, việc giảm giá năng lượng và ổn định trong chuỗi cung ứng đã giúp giảm áp lực lạm phát. Tuy nhiên, tình hình không ổn định tại Biển Đỏ đang đảo ngược những yếu tố giảm lạm phát này, làm tăng thêm áp lực lên ngân hàng trung ương vốn đang nỗ lực kiểm soát lạm phát.

Một khi lạm phát tăng trở lại tại các nước châu Âu, ngân hàng Trung ương các nước sẽ phải tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát. Nhu cầu của các thị trường là đối tác thương mại chính của Việt Nam cũng phục hồi chậm lại gây khó khăn cho xuất khẩu.

"Trước những cú sốc từ bên ngoài vậy, câu chuyện ổn định tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế là rất quan trọng", ông nhấn mạnh.

2023 là năm đầu tiên xuất nhập khẩu sụt giảm. (Nguồn: TCTK).

Theo chuyên gia, ở góc độ vĩ mô cần chuẩn bị tốt cho các kịch bản kinh tế năm 2024 để đối phó với rủi ro từ bên ngoài. Trong đó, lành mạnh hoá hệ thống tài chính, ngân hàng, bất động sản hay tạo điều kiện để nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế là những giải pháp đã được đưa ra nhưng vẫn chưa thực hiện được tốt.

Đặc biệt, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp có những giải pháp kích cầu cả bên ngoài và bên trong, cũng như đưa ra các chính sách tài khoá mạnh mẽ cho doanh nghiệp trong năm 2024.

Thứ ba là chuẩn bị nền tảng cho dài hạn. "Chúng ta đang sống trong cuộc khủng hoảng địa chính trị trên khắp thế giới từ Nga - Ukraine đến Israel - Hamas và giờ đây là Biển Đỏ. Điểm khác với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó là trong khi vượt khó người ta vẫn nói đến các cơ hội dù rất thách thức về việc tái cấu trúc nền kinh tế thế giới như: Tăng trưởng xanh, tăng trưởng số, chuyển dịch chuỗi cung ứng", ông nói.

Vì vậy, cần làm sao để phản ứng nhanh, chuẩn bị công cụ đối phó với các cú sốc bất lợi như vụ việc tại Biển Đỏ hiện nay đồng thời tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, tham gia vào xu hướng toàn cầu như tăng trưởng xanh, phát triển bền vững để sau khi cú sốc này qua đi, Việt Nam có thể vươn lên đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hạ An

Nhà đầu tư chứng khoán thận trọng trước hai luồng thông tin trái chiều
Thị tường chứng khoán tuần qua chỉ giao dịch trong 2 ngày, nhưng đã cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư khi chỉ số tăng, trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp. Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều.