|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giá cước tăng gấp đôi vì khủng hoảng Biển Đỏ, lợi nhuận các hãng vận tải biển có thể khởi sắc

16:39 | 16/01/2024
Chia sẻ
Trong nhiều tuần qua, các tàu chở hàng đi qua khu vực Biển Đỏ phải liên tục đối mặt với các cuộc tấn công của phiến quân Houthi. Nhiều hãng vận tải buộc phải thay đổi hành trình, khiến giá cước vận tải biển tăng đột biến.

Các công ty hàng hải toàn cầu đã chuyển hướng hơn 200 tỷ USD hàng hoá khỏi Biển Đỏ để tránh bị phiến quân Houthi tấn công. Việc tàu hàng phải đi đường vòng dài hơn qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi đã kéo giá cước lên tới 10.000 USD cho một container 40 feet (FEU).

Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cho biết tàu thương mại Gibraltar Eagle thuộc sở hữu của nước này vừa bị lực lượng Houthi tấn công hôm 15/1.

Một số nhà quan sát dự đoán tình trạng gián đoạn ở Biển Đỏ có thể đảo ngược vận mệnh của ngành vận tải biển sau một năm 2023 đầy khó khăn.

Trao đổi với CNBC, ông Alan Baer, CEO của công ty logistics OL USA, cho hay: “...cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ có thể giúp các VOCC kiếm thêm hàng tỷ USD ngay cả khi căng thẳng chỉ kéo dài 2 - 3 tuần”.

VOCC là các hãng vận tải có đội tàu riêng. Maersk (trụ sở tại Đan Mạch), Evergreen (Đài Loan) và COSCO (Trung Quốc đại lục) là một số VOCC có tiếng trên thế giới.

Ông Baer nói tiếp: “Nếu xung đột kéo dài trong 3 đến 6 tháng, lợi nhuận của các công ty hàng hải sẽ dần quay về mức cao của năm 2022 vì chi phí vận hành sẽ xuống thấp hơn so với giai đoạn hỗn loạn năm 2021 và 2022”.

Một tàu chở hàng của gã khổng lồ hàng hải Maersk. (Ảnh: Bloomberg).

Gió đổi chiều

Ngành vận tải biển toàn cầu suy yếu vào năm ngoái khi tồn kho hàng hoá tăng cao và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do lãi suất lên cao. Trước khi sự việc ở Biển Đỏ xảy ra, giá cước container toàn cầu đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2022.

Một báo cáo gần đây của Jefferies cho thấy, giá cước trung bình từ châu Á sang châu Âu vào năm 2023 là 1.550 USD/FEU. Hiện tại, giá đã tăng hơn gấp đôi lên 3.500 USD/FEU.

Ông Paul Brashier, Phó Giám đốc cấp cao tại ITS Logistics, cho hay: “Tháng 11 năm ngoái, chúng tôi gần như đã nhìn thấy đáy... giá cước chở hàng đã tụt xuống mức thấp nhất”.

Theo dữ liệu từ nhà phân tích John McCown, tổng lợi nhuận của các công ty vận tải biển trong năm 2021 và 2022 là 364 tỷ USD. Con số này là rất lớn khi so với khoản lỗ luỹ kế 8,5 tỷ USD mà ngành này ghi nhận trong giai đoạn 2016 - 2019.

Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp hàng hải đã bốc hơi 95,6% so với cùng kỳ vào quý III/2023, xuống còn 2,6 tỷ USD.

Đà tăng gần đây của giá cước không thể giúp các công ty vận tải biển quay trở lại những ngày tươi đẹp hậu đại dịch, nhưng xu hướng hiện nay vẫn sẽ giúp lợi nhuận tăng đáng kể.

Nhà kinh tế Nico Luman của ING nhận định lợi nhuận của các hãng tàu container sẽ phục hồi trong quý I/2024 khi giá cước tăng như hiện tại.

Ông Brashier nhấn mạnh: “Chúng tôi dự đoán cuộc suy thoái của lĩnh vực vận tải biển sẽ kết thúc trong năm nay, nhiều khả năng là vào cuối quý III”.

 

Giá cước còn tăng trong bao lâu?

Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đỏ tiếp tục leo thang với việc Mỹ và Anh tấn công vào các mục tiêu Houthi và nhóm phiến quân đe doạ sẽ đáp trả, giá cước có thể sẽ không giảm trong ngắn hạn.

Ông Brashier lưu ý rằng giá cước theo hợp đồng và giá cước trên thị trường giao ngay đều có thể tăng cao hơn nữa.

Ngoài ra, Tết Nguyên đán tại Trung Quốc cũng có thể kéo giá cước đi lên ngay trước khi nhiều doanh nghiệp đóng cửa để nghỉ lễ trong khoảng hai tuần, Phó Giám đốc của ITS Logistics nói.

Theo ông Brashier, hoạt động xuất khẩu của các nước châu Á thường mạnh lên trước dịp Tết Nguyên đán, dẫn đến nhu cầu vận chuyển hàng hoá cao hơn.  

Song, những chuyên gia khác cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra dự báo chính xác. Nhà phân tích Amrit Singh của LSEG nói với CNBC rằng đà tăng của giá cước chủ yếu phụ thuộc vào việc gián đoạn kéo dài bao lâu.

“Sự tham gia của lực lượng hải quân các nước, bao gồm cả Hải quân Mỹ, có thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi, khiến giá cước bị điều chỉnh”, ông Singh lập luận.

Ngoài ra, doanh nghiệp hàng hải toàn cầu còn đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa container. Các hãng đổ xô mua thêm container khi chứng kiến lợi nhuận tăng kỷ lục sau đại dịch, dẫn đến việc dư thừa công suất container.

 Ông Lee Daejin, Giám đốc bộ phận nghiên cứu toàn cầu tại Fertistream, lưu ý: “Nhìn chung, thị trường container vẫn sẽ trầy trật do vấn đề dư cung”.

Yên Khê