Thử thách liên tiếp đối với 'đầu tàu' kinh tế châu Âu
Ngày 2/2, người lao động trong lĩnh vực giao thông công cộng trên khắp nước Đức đã tổ chức một cuộc đình công mang tính cảnh cáo, khiến giao thông công cộng ở nhiều thành phố bị tê liệt. Động thái trên diễn ra sau các cuộc đình công lớn của công nhân đường sắt và sân bay Đức trong những tuần gần đây.
Theo nghiệp đoàn Verdi, các cuộc thương lượng tập thể cho đến nay vẫn chưa đạt kết quả. Nghiệp đoàn này đã kêu gọi khoảng 90.000 người lao động trong ngành vận tải công cộng, đang làm việc cho hơn 130 công ty ở thành phố, tham gia đình công nhằm thúc đẩy cải thiện điều kiện làm việc. Verdi cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra ở tất cả các bang liên bang.
Phó Chủ tịch Verdi, bà Christine Behle nhấn mạnh: “Chúng tôi đang thiếu trầm trọng nhân viên vận tải công cộng và những người làm việc đang phải chịu áp lực rất lớn. Nhiều chuyến xe buýt và xe điện bị hủy hằng ngày do không đủ nhân viên". Nghiệp đoàn này yêu cầu giảm số giờ làm việc hằng tuần, tăng số ngày phép và thêm ngày nghỉ sau ca làm và ca đêm.
Cuộc đình công ngày 2/2 là một phần trong chuỗi các cuộc đàm phán tiền lương đang diễn ra ở Đức. Cuối tuần trước, công ty đường sắt Đức (Deutsche Bahn) lại bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công kéo dài nhiều ngày của các tài xế tàu. Ngày 1/2, có tới 11 sân bay trong nước đã bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công một ngày của nhân viên an ninh hàng không.
Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát ở Đức giảm trong tháng 1/2024. Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 31/1 dựa trên ước tính ban đầu, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức 3,7% trong tháng 12/2023.
Tỷ lệ lạm phát của Đức được dự báo sẽ giảm đáng kể trong năm nay. Viện Ifo ở München kỳ vọng tỷ lệ lạm phát là 2,2% trong năm 2024, so với mức trung bình 5,9% trong năm 2023. Trong những tháng tới, nhà kinh tế trưởng của Viện Ifo, Timo Wollmershäuser dự đoán rằng lạm phát sẽ “chỉ giảm chậm” vì theo khảo sát hàng tháng của Ifo, các nhà cung cấp dịch vụ tiêu dùng đang có kế hoạch tăng giá do doanh số bán lẻ giảm.
Tình hình kinh tế khó khăn của Đức khiến không ít doanh nghiệp nước này bị "vạ lây". Tập đoàn hóa chất BASF (Đức) báo cáo thu nhập năm 2023 kém hơn dự kiến, do nỗ lực cắt giảm chi phí không thể bù đắp cho doanh số bán hàng sụt giảm. Theo số liệu sơ bộ, tập đoàn có trụ sở tại Ludwigshafen đã đạt lợi nhuận ròng 225 triệu euro (245 triệu USD) trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích là 2,25 tỷ euro. Doanh thu đạt 68,9 tỷ euro, giảm hơn 20% so với năm trước và chưa đạt mục tiêu của tập đoàn là 73-76 tỷ euro.
BASF, tập đoàn chuyên cung cấp hóa chất cho lĩnh vực ô tô, nông nghiệp và xây dựng, cho biết kết quả kinh doanh đáng thất vọng này là do tỷ suất lợi nhuận liên quan đến doanh số bán hàng thấp không thể bù đắp bằng việc giảm chi phí cố định đã đạt được. BASF cho biết thu nhập cũng bị ảnh hưởng do suy giảm tài sản tổng cộng 1,1 tỷ euro, chủ yếu ảnh hưởng đến các mảng giải pháp nông nghiệp và vật liệu.
Giống như các công ty khác trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng, BASF đã bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí năng lượng tăng cao sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022.
Ngành công nghiệp sụt giảm ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, và nhu cầu nước ngoài yếu hơn đã làm tăng thêm tình trạng khó khăn cho BASF. Hồi tháng 10/2023, BASF thông báo sẽ đẩy mạnh nỗ lực cắt giảm các khoản chi phí lớn, đặc biệt là ở châu Âu và giảm đầu tư trong những năm tới nhằm nỗ lực cải thiện lợi nhuận. Kết quả kinh doanh cuối cùng năm 2023 của BASF sẽ được công bố vào ngày 23/2.
Trước đó, Cơ quan thống kê Đức ngày 12/1 cho biết số đơn xin phá sản trong tháng 12/2023 tăng 12,3% so với cùng năm 2022. Theo cơ quan trên, tỷ lệ đơn xin phá sản tăng ở mức hai chữ số đã được theo dõi chặt chẽ kể từ tháng 6/2023. Trong tháng 11, mức tăng này là 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Từ tháng 1-10/2023, số công ty mất khả năng thanh toán tăng 24,1% lên 14.751 công ty. Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế (IWH) tại Halle, ông Steffen Mueller, nói: “Chúng tôi dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới”. Trước đó, Công ty tư vấn Falkensteg thậm chí còn dự báo số doanh nghiệp phá sản ở Đức sẽ tăng 30% trong năm 2024.
Chuyên gia kinh tế Jonas Eckhardt cảnh báo tác động của các cuộc khủng hoảng trong năm 2023 sẽ trở nên rõ nét hơn trong năm 2024, dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành như bán lẻ, thời trang, chăm sóc sức khỏe, bất động sản và xây dựng.
Doanh nghiệp ở một số ngành khác như dịch vụ ăn uống, cung cấp phụ tùng ô tô, cơ khí... cũng đối mặt với nguy cơ cao bị phá sản. Trong lĩnh vực xây dựng, năm 2023 cũng là năm hết sức khó khăn khi số vụ phá sản tăng cao. Tuy nhiên, các nhà tài chính bất động sản cảnh báo rằng năm 2024 mới là năm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng bất động sản.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế Đức lớn nhất châu Âu trong năm 2024 có thể tiếp tục chịu tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây. Một số tổ chức kinh tế lớn của thế giới đưa ra dự báo ảm đạm về nền kinh tế Đức trong năm 2024. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng kinh tế Đức sẽ chịu tác động lớn từ sự giảm tốc của kinh tế thế giới do tình trạng thương mại yếu hơn và lãi suất cao trên khắp thế giới tiếp tục trong năm 2024.
Trong khi đó, với vị thế là thị trường ô tô lớn nhất châu Âu, ngành công nghiệp ô tô Đức được coi là thế mạnh của nước này. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng đang đứng trước một trong những thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh với Trung Quốc, với lợi thế về công nghệ trội hơn. Gần 98% lượng xe của Đức vẫn sử dụng động cơ đốt trong, khiến các nhà phân tích cho rằng kế hoạch đưa ra thị trường khoảng 15 triệu xe điện vào năm 2030 là quá tham vọng và không thể đạt được.
Biến đổi khí hậu và điều kiện thời tiết bất lợi có thể cũng gây sức ép lên nền kinh tế Đức. Đức đã chứng kiến các trận mưa lớn và lụt trong năm ngoái và tình trạng này được cho là sẽ tiếp tục trong năm nay. Những điều kiện thời tiết bất lợi tác động đến lĩnh vực năng lượng của Đức, đặc biệt là liên quan đến sản xuất dầu mỏ và khí đốt.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/