Hơn 130 nước đồng ý áp thuế tối thiểu 15%: Các tập đoàn lớn hết đường né thuế?
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày 8/10 cho biết 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đồng ý áp thuế suất tối thiểu 15% nhằm ngăn các tập đoàn lớn tìm cách trốn thuế.
4 trong số 140 quốc gia thuộc khuôn khổ OECD/G20 mở rộng là Kenya, Nigeria, Pakistan và Sri Lanka chưa tham gia thỏa thuận áp thuế nhưng các quốc gia còn lại đã đại diện tới 90% GDP toàn cầu.
Theo Reuters, các điểm chính trong thỏa thuận mới được thống nhất bao gồm:
Tại sao cần áp thuế suất tối thiểu?
Ngân sách của nhiều chính phủ kiệt quệ vì khủng hoảng COVID-19 nên nhu cầu ngăn chặn nạn trốn thuế trở nên rất cấp thiết.
Ngày càng nhiều công ty chuyển lợi nhuận từ các nguồn tài sản vô hình như bằng sáng chế thuốc, phần mềm và quyền sở hữu trí tuệ tới các khu vực có thuế suất thấp hoặc bằng 0.
Đa phần quốc gia muốn chấm dứt tình trạng các doanh nghiệp chuyển lợi nhuận từ nơi kinh doanh thực tế sang nơi có thuế suất thấp hòng giảm chi phí thuế.
Việc áp mức thuế tối thiểu 15% cũng như các điều khoản khác có mục tiêu chấm dứt "cuộc đua xuống đáy" trong hàng chục năm qua khi các quốc gia thi nhau hạ thuế suất để thu hút đầu tư nước ngoài.
Thỏa thuận sẽ được thực thi thế nào?
Những doanh nghiệp có doanh thu toàn cầu từ 750 triệu euro (868 triệu USD) trở lên sẽ phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15%.
Các chính phủ vẫn có thể đưa ra bất kỳ thuế suất nào mà mình muốn, nhưng nếu doanh nghiệp nộp thuế ít hơn 15% ở một quốc gia nào đó thì chính phủ ở quê nhà có quyền đánh thuế thêm để đảm bảo tổng số thuế phải nộp là 15% lợi nhuận. Vì vậy, các tập đoàn lớn sẽ không còn động cơ để chuyển lợi nhuận từ nước này sang nước khác.
Một kế hoạch tham vọng nữa mà thỏa thuận đề ra là cho phép các nước nơi phát sinh doanh thu được đánh thuế 25% tính trên số lợi nhuận vượt mức của doanh nghiệp. Theo OECD, lợi nhuận vượt mức là phần lợi nhuận lớn hơn 10% doanh thu.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Sau thỏa thuận về các chi tiết kỹ thuật hôm 8/10, bước tiếp theo là các bộ trưởng tài chính từ nhóm 20 cường quốc kinh tế (G20) chính thức ủng hộ, dọn đường cho việc các nguyên thủ G20 ký kết vào cuộc họp thượng đỉnh vào cuối tháng 10.
Theo Reuters, vị thế của nước Mỹ vẫn còn những điểm không chắc chắn do Tổng thống Biden đang đề xuất một kế hoạch cải cách thuế của riêng mình và muốn Quốc hội thông qua.
Thỏa thuận hôm 8/10 kêu gọi các nước đưa nội dung thỏa thuận vào luật trong năm 2022 để bắt đầu có hiệu lực áp dụng từ năm 2023. Đây là một thời gian biểu cực kỳ ngắn do các hiệp ước về thuế quốc tế trong quá khứ phải mất nhiều năm mới có thể được áp dụng.
Những nước mới áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số trong những năm gần đây sẽ phải gỡ bỏ các sắc thuế này để áp dụng thỏa thuận mới.
Tác động kinh tế sẽ lớn đến đâu?
OECD - tổ chức đã dẫn dắt quá trình đàm phán - ước tính nếu áp dụng mức thuế tối thiểu 15%, doanh thu thuế trên toàn cầu sẽ tăng thêm 150 tỷ USD mỗi năm.
Quyền đánh thuế với khoảng 125 tỷ USD lợi nhuận toàn cầu sẽ được chuyển từ các nước có thuế suất thấp về nước mà lợi nhuận thực tế được tạo ra.
Theo Reuters, các nhà kinh tế kỳ vọng thỏa thuận này sẽ khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận về đất nước quê nhà, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều khoản giảm trừ và ngoại lệ được quy định trong thỏa thuận lại được thiết kế để giảm tác động với các nước hiện có thuế suất thấp như Ireland. Nhiều tập đoàn của Mỹ đặt chi nhánh đại diện khu vực châu Âu ở Ireland để được hưởng thuế thấp.