Lợi hay hại nếu Indonesia gia nhập OECD?
Theo trang mạng của Viện Lowy (Australia), tháng Bảy vừa qua, Indonesia chính thức tuyên bố nước này quan tâm đến việc trở thành thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani đã nhắc lại điều này vào tuần trước trong cuộc họp của Hội đồng OECD ở Paris (Pháp).
Mong muốn của Indonesia được trở thành thành viên OECD không phải là điều bất ngờ vì nước này đã tham gia tổ chức với tư cách là một trong những đối tác quan trọng kể từ năm 2007. Jakarta tích cực tham gia các ủy ban của OECD, các cuộc khảo sát của OECD và được đưa vào cơ sở dữ liệu thống kê của tổ chức. Indonesia gia nhập Trung tâm Phát triển OECD năm 2009 và đã tham gia 9 trong số 30 Ủy ban và Ban công tác của OECD.
Trong số 5 đối tác chính của OECD, chỉ có Brazil và Indonesia gần đây bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập tổ chức này. Trung Quốc và Ấn Độ, những nước có nền kinh tế lớn hơn và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao hơn Indonesia, vẫn chưa thể hiện ý định gia nhập tổ chức này. Trong khi đó, Nam Phi dường như hài lòng với liên minh BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Có thể, nhiều quốc gia có lý do riêng để không gia nhập OECD, nhưng đối với Indonesia, việc gia nhập tổ chức này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là phí tổn.
OECD được biết đến là “câu lạc bộ các nước giàu”, có nhiệm vụ thúc đẩy hội nhập và phát triển theo nền tảng kinh tế thị trường. Một lợi ích khi trở thành thành viên của tổ chức này là Indonesia sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc và giá trị chung nghiêm ngặt của OECD để đảm bảo các tiêu chuẩn chính sách kinh tế cao. Hợp tác quốc tế và các thỏa thuận thương mại trở nên dễ tiếp cận hơn khi chính sách công của quốc gia phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ tốt nhất toàn cầu. Trong mắt nhiều nhà đầu tư, tư cách thành viên OECD có thể được ví như “con dấu phê duyệt” đối với Indonesia, giúp nước này trở thành một điểm đến đầu tư tiềm năng.
Tư cách thành viên OECD sẽ đảm bảo rằng sự phát triển kinh tế và xã hội của Indonesia được theo dõi một cách nhất quán và chặt chẽ thông qua đánh giá và giám sát định kỳ. Việc thể chế hóa những đánh giá độc lập và mang tính khách quan đối với các chính sách và chuẩn quốc tế thông qua so sánh dữ liệu giữa các quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi những kinh nghiệm cần thiết để đưa ra chính sách dựa trên bằng chứng.
Các nhà hoạch định chính sách ở Indonesia có thể hưởng lợi từ việc chuyển giao kiến thức và kỹ năng từ các nước phát triển, cũng như tiếp cận chuyên môn kỹ thuật và khả năng phân tích của OECD. Những quá trình này có thể thúc đẩy Chính phủ Indonesia thực hiện những cải cách thiết yếu nhằm cải thiện phúc lợi của người dân, ví dụ như xóa đói giảm nghèo và cải thiện chất lượng giáo dục. Do đó, OECD là đối tác quan trọng và là nguồn tham khảo trong việc giải quyết những mối lo ngại này.
Tuy nhiên, có những “phí tổn” liên quan đến việc gia nhập OECD. Đầu tiên, có thể nói rằng tổ chức này quá tập trung vào lợi ích của các nước phát triển, do đó không xem xét một cách thích hợp nhu cầu và quan điểm của các nước đang phát triển vì cơ cấu kinh tế, nhu cầu và lợi ích của họ khác nhau theo thời gian. Học hỏi kinh nghiệm của các nước công nghiệp hóa là cần thiết, nhưng việc hiểu quan điểm của các nền kinh tế mới nổi cũng cần thiết tương tự. Trong trường hợp này, Indonesia cần xác định liệu “các phương pháp hay nhất” - cũng có thể có nghĩa là “các phương pháp thông thường” - có phải là cách tiếp cận lý tưởng sau khi xem xét bối cảnh và hoàn cảnh địa phương hay không.
Thứ hai, tư cách thành viên OECD có thể là một “con dấu phê duyệt”, nhưng không phải là con đường tắt để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ cho thấy tư cách thành viên OECD giúp tăng vốn FDI, nhưng đó không phải là động lực duy nhất. Ví dụ, FDI tăng mạnh sau khi Mexico và Chile gia nhập OECD, nhưng FDI cũng tăng ở Brazil - quốc gia không phải là thành viên của tổ chức này.
Thứ ba, việc trở thành thành viên của OECD cũng là một quyết định mang tính chính trị. Ví dụ, sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, OECD đã quyết định chính thức hủy quá trình gia nhập với Nga, đóng cửa văn phòng OECD ở Moskva và đình chỉ mọi quan hệ với Nga. Những quyết định này có thể đi ngược lại lập trường chính sách đối ngoại tự do và tích cực của Indonesia.
Thứ tư, gia nhập OECD có nghĩa là Indonesia cần sửa đổi luật pháp cũng như chính sách quốc gia và địa phương để đáp ứng các tiêu chí của OECD. Ví dụ, Indonesia có thể sẽ cần phải đưa ra một chính sách đầu tư và thương mại cởi mở hơn, vì Đánh giá chính sách đầu tư của OECD năm 2020 tại Indonesia đã phát hiện ra rằng quốc gia này vẫn còn khá hạn chế đối với đầu tư quốc tế so với các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Có 5 lĩnh vực ưu tiên để OECD ra quyết định chấp nhận thành viên mới: Cải cách cơ cấu, cơ chế đầu tư và thương mại mở, chính sách cơ hội bình đẳng và xã hội, nỗ lực quản trị công, chống tham nhũng và bảo vệ môi trường. Vấn đề cần xem xét ở đây là Indonesia đã chuẩn bị như thế nào để giải quyết hậu quả của việc tiêu chuẩn hóa các quy tắc và quy định của mình. Những hậu quả ngắn hạn đối với người dân trong nước là gì và cần làm gì để chuẩn bị cho người dân trước những tác động của tư cách thành viên?
Indonesia hy vọng sẽ hoàn tất quá trình gia nhập OECD trong vòng chưa đầy 4 năm. Theo thông cáo báo chí của Bộ Công nghiệp, Indonesia đã thực hiện 15 trong số 200 tiêu chuẩn của OECD. Để thể hiện cam kết, Chính phủ Indonesia sẽ thành lập Ủy ban Quốc gia có nhiệm vụ xác định các lỗ hổng chính sách, lĩnh vực và các vấn đề chưa giải quyết được trên toàn khu vực. Quyết định của Indonesia về việc gia nhập OECD sẽ được đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng OECD vào tháng 12/2023.
Indonesia phải nhận thức được những rủi ro, thời gian tham gia ban đầu và lợi ích lâu dài khi gia nhập OECD. Trước khi trở thành thành viên OECD, có thể Indonesia cần cải thiện chính sách dựa trên bằng chứng và xác định các sáng kiến cần thực hiện để đảm bảo hợp tác lâu dài và hiệu quả với OECD. Jakarta nên tối đa hóa lợi ích từ việc đánh giá ngang hàng và nỗ lực hướng tới đạt được tầm nhìn của Indonesia đến năm 2045. Indonesia sẽ cần có tiêu chuẩn cao về chính sách kinh tế và thiết lập thể chế để đạt được khát vọng trở thành một quốc gia có thu nhập cao.