Tất tần tật về thiên đường thuế - mắt xích trọng yếu trong vụ Hồ sơ Pandora
Ngày 4/10 vừa qua, Hiệp hội Báo chí Điều tra Quốc tế (ICIJ) và các đối tác truyền thông đã công bố một tập tài liệu khổng lồ mang tên Hồ sơ Pandora, hé lộ những góc khuất trong thế giới tài chính ngầm.
Hơn 100 tỷ phú, 35 nhà lãnh đạo và 300 chính khách có liên đới trong Hồ sơ Pandora. Các nhân vật này đã sử dụng nhiều tổ chức tài chính, công ty vỏ bọc,…tại các thiên đường thuế để che giấu hàng nghìn tỷ USD tài sản.
ICIJ cũng từng tiến hành một cuộc điều tra tương tự vào năm 2016, từ đó ra đời một trong các tập tài liệu gây rúng động lịch sử: Hồ sơ Panama. Sau khi Hồ sơ Panama xuất hiện trên truyền thông, ít nhất hai nhà lãnh đạo thế giới đã phải từ chức.
Ở cả hai vụ rò rỉ dữ liệu trên, vai trò của các thiên đường thuế đều được nhấn mạnh. Trên thực tế, các thiên đường thuế đã có từ khá lâu, một số nhà sử học thậm chí còn cho rằng thiên đường thuế từng tồn tại dưới dạng các hòn đảo biệt lập trong thời kì Hy Lạp cổ đại.
Có ít nhất ba tiêu chí để xác định một thiên đường thuế
Theo Investopedia, các thiên đường thuế lâu đời nhất trong thời đại của chúng ta có thể kể đến Liechtenstein (Tây Âu), Thụy Sĩ (Tây Âu) và Panama (vùng biển Caribe). Ba nơi này được cho là đã nổi lên từ những năm 1920.
Ngoài ra, chúng ta còn có nhiều thiên đường thuế khác như Andorra (Tây Âu), Bahamas (vùng biển Caribe), Bermuda (bang North Carolina, Mỹ), Quần đảo Virgin thuộc Anh (vùng biển Caribe), Quần đảo Cayman (vùng biển Caribe), Hong Kong (châu Á), Mauritius (Đông Phi), St. Kitts & Nevis (vùng biển Caribe),...
Dù chúng đã tồn tại nhiều năm, hiện vẫn chưa có định nghĩa chung về thiên đường thuế. OECD, một tổ chức gồm 37 quốc gia phát triển có trụ sở tại Paris, sử dụng ba thuộc tính dưới đây để xác định liệu một khu vực tài phán có phải là thiên đường thuế hay không.
1. Không đánh thuế hoặc chỉ có thuế danh nghĩa
Đầu tiên và quan trọng nhất, các thiên đường thuế không đánh thuế hoặc chỉ áp đặt thuế danh nghĩa. Người nước ngoài có thể tránh đóng thuế tại quê nhà bằng cách đưa tài sản hoặc doanh nghiệp đến thiên đường thuế.
Song, chỉ riêng thuộc tính này là chưa đủ để xác định liệu một khu vực có phải là thiên đường thuế hay không, Investopedia lưu ý.
Khá nhiều quốc gia có hệ thống pháp luật nghiêm ngặt cũng đề xuất một số ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng không được xếp vào thiên đường thuế. Do đó, chúng ta có thuộc tính thứ hai bên dưới.
2. Bảo vệ thông tin khách hàng
Các thiên đường thuế thường nhiệt tình bảo vệ thông tin tài chính cá nhân của khách hàng. Hầu hết các thiên đường thuế đều có luật chính thức hoặc thông lệ hành chính để ngăn chặn sự giám sát của các cơ quan thuế nước ngoài. Họ không bao giờ hoặc rất ít khi chia sẻ thông tin với những cơ quan này.
3. Thiếu minh bạch
Tại các thiên đường thuế, bộ máy lập pháp, cùng hệ thống luật pháp và hành chính thường khá mập mờ. Các khách hàng có thể giao dịch và đàm phán thuế một cách kín kẽ, hoàn toàn thiếu tính minh bạch so với ở các nước khác.
Ngoài ba thuộc tính trên, Văn phòng Giải trình Trách nhiệm của chính phủ Mỹ (GAO) còn liệt kê thêm hai thuộc tính bổ sung của một thiên đường thuế.
4. Không cần xuất hiện tại địa phương
Các thiên đường thuế thường không yêu cầu các tổ chức nước ngoài phải hiện diện đáng kể tại địa phương.
Điều này thường dẫn đến những tình huống thú vị. Chẳng hạn, một báo cáo của GAO vào năm 2008 cho thấy một tòa nhà ở Quần đảo Cayman là nơi đặt văn phòng của gần 19.000 công ty, chủ yếu là các doanh nghiệp quốc tế.
Do vậy, các khách hàng nước ngoài có thể yêu cầu hưởng các quyền lợi về thuế tại một thiên đường thuế mà không thực sự xuất hiện, sản xuất hàng hóa hay kinh doanh dịch vụ trong phạm vi quốc gia đó.
Cho nên, những kẻ trốn thuế có thể tiếp tục kinh doanh ở Florida (Mỹ) trong khi khẳng định họ là cư dân của quốc đảo Bahamas khi được yêu cầu nộp thuế.
5. Marketing
Cuối cùng, các thiên đường thuế cũng cần chiến lược marketing riêng. Họ tự quảng bá mình là trung tâm tài chính nước ngoài. Trên thực tế, nhiều thiên đường thuế cũng được coi là trung tâm tài chính quốc tế quan trọng, đơn cử như Hong Kong.
Ngoài mức thuế thấp và tính chất bí mật, các thiên đường thuế còn có một số yếu tố kinh tế xã hội khác. Thứ nhất, các nước này thường sở hữu nền chính trị và kinh tế ổn định để cung cấp các quyền lợi về thuế cho nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như Thụy Sĩ.
Thứ hai, các thiên đường thuế thường không áp dụng chính sách kiểm soát hối đoái vì điều này có thể gây nguy hiểm cho nhà đầu tư. Thứ ba, nhiều thiên đường thuế như Mauritius đã trở nên nổi tiếng nhờ những lỗ hổng trong các thỏa thuận tránh thuế mà họ ký kết với nước khác.
Thứ tư, các điểm đến như Thụy Sĩ và Áo thường được ưa chuộng với dịch vụ ngân hàng nước ngoài chuyên nghiệp và là điểm đến an toàn cho tài sản của nhà đầu tư. Cuối cùng, vị trí luôn là một yếu tố quan trọng tạo nên sự nổi tiếng của một thiên đường thuế, như Bahamas là một điểm đến phổ biến cho các doanh nghiệp Mỹ vì nằm gần bang Florida.