|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phần nổi của hồ sơ Pandora không có tên người Việt Nam

16:59 | 05/10/2021
Chia sẻ
Trái với thông tin do tờ Guardian đưa ra vào lúc đầu, dữ liệu do ICIJ công bố hiện chưa nêu tên bất kỳ người Việt Nam nào.

Trong nhiều năm qua, Hiệp hội Báo chí Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã thu thập hơn 11,9 triệu tập tài liệu mật từ 14 công ty dịch vụ tài chính quốc tế để tổng hợp thành Hồ sơ Pandora. Tổng khối lượng dữ liệu lên đến 2,94 TB.

Sau đó, ICIJ đã hợp tác cùng hơn 600 nhà báo đến từ 150 hãng tin lật giở từng hồ sơ, đào sâu vào cách thức che giấu khối tài sản của hàng trăm quan chức và giới tỷ phú tại nước ngoài.

Hiện tại, Hồ sơ Pandora đang được coi là vụ rò rỉ dữ liệu tài chính lớn nhất thế giới, vượt qua quy mô Hồ sơ Panama (năm 2016) và Hồ sơ Paradise (năm 2017).

Phân tích của ICIJ cho thấy, hơn 950 doanh nghiệp ở các thiên đường thuế có liên hệ với 336 nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao, cũng như hơn 100 tỷ phú và người nổi tiếng khác nhau.

Hơn 2/3 trong số doanh nghiệp trên được thành lập ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, một khu vực từ lâu đã được biết đến như một mắt xích quan trọng trong hệ thống tài chính ngầm thế giới.

Ông Gerard Ryle - Giám đốc của ICIJ, dự đoán Hồ sơ Pandora sẽ gây ra tác động lớn hơn so với những vụ rò rỉ trước, đặc biệt là khi chúng được công khai giữa một đại dịch đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng…

Chưa ghi nhận người Việt Nam trong danh sách

Tờ Guardian - một trong các đối tác truyền thông của ICIJ, ban đầu cho biết Việt Nam có liên quan tới Hồ sơ Pandora.

"Hồ sơ Pandora chứa 2,94 TB dữ liệu, là vụ rò rỉ lớn nhất trong ba gần vụ đây… Các địa điểm liên quan trải dài từ Việt Nam đến Belize và Singapore, cũng như đến các quần đảo xa xôi như Bahamas và Seychelles", Guardian viết.

Tuy nhiên, theo ICIJ, hiện không có chính trị gia Việt Nam nào xuất hiện trong Hồ sơ Pandora. Thống kê cho thấy, các nước có nhiều nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao liên đới nhất là Ukraine (38), Nga (19), UAE (11), Honduras (11), Colombia (11), Nigeria (10), Anh (9), Brazil (9) và Angola (9).

Riêng tại Đông Nam Á, Philippines có 3 chính trị gia trong Hồ sơ Pandora, theo sau là Indonesia (2) và Malaysia (2). Ngoài ra, Trung Quốc có 2 quan chức nằm trong danh sách này.

Thống kê này không bao gồm các doanh nhân, nghệ sĩ, vận động viên thể thao, ...

Hồ sơ Pandora không nêu tên người Việt Nam - Ảnh 1.

Việt Nam được tô màu trắng, cho thấy không có chính trị gia nào xuất hiện trong Hồ sơ Pandora. (Nguồn: ICIJ).

Trong khi đó, những cái tên gây tranh cãi nhất bao gồm Vua Abdullah II - người đang cai trị Jordan, gia đình Aliyev cầm quyền tại Azerbaijan, hai nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) là Thủ tướng Andrej Babiš (Cộng hòa Séc) và Tổng thống Nicos Anastasiades (Cyprus).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta cũng có tên trong tập tài liệu bị rò rỉ, dù hai người này từng tự ca ngợi mình là kẻ thù của tham nhũng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà Mỹ nghi ngờ có tài sản bí mật, lại không có tên trong Hồ sơ Pandora. Song, rất nhiều cộng sự thân cận của ông Putin, bao gồm người bạn thân nhất thời thơ ấu Petr Kolbin (hiện đã qua đời) và một người phụ nữ mà ông Putin được cho là từng có quan hệ tình cảm, đều nằm trong danh sách.

Đáp lại những thông tin trong Hồ sơ Pandora, Hoàng gia Jordan hôm 4/10 cho biết việc Quốc vương Abdullah II sở hữu nhiều tài sản ở nước ngoài không phải là điều gì mờ ám, đồng thời nhấn mạnh do các lý do riêng tư và bảo mật mà không tiết lộ số tài sản này.

Cùng ngày, Thủ tướng Séc Andrej Babiš đã bác bỏ các cáo buộc và khẳng định hành động của ông nằm trong khuôn khổ luật pháp. Trong khi đó, Điện Kremlin gọi những gì được nêu trong Hồ sơ Pandora là "cáo buộc thiếu căn cứ."

Khả Nhân