Hồ sơ Pandora: Số lượng chính trị gia nhiều gấp đôi hồ sơ Panama, tiết lộ cách giới tỷ phú cất giấu tài sản
Những bí mật bị rò rỉ trong hồ sơ Pandora đã làm sáng tỏ những bí mật tài chính của giới lãnh đạo cũng như tỷ phú trên thế giới. Trong ít ngày qua, hồ sơ Pandora đã trở thành đề tài nóng, được quan tâm ở nhiều quốc gia, theo New York Times.
Có gì trong hồ sơ Pandora?
Pandora trong thần thoại Hy Lạp là một chiếc hộp kín đựng đầy những tai ương của nhân loại. Hồ sơ Pandora chứa khoảng 11,9 triệu tài liệu bị rò rỉ từ 14 công ty trong ngành dịch vụ tài chính, đồng thời mô tả cách giới tỷ phú cất giấu tài sản cá nhân.
Hơn 600 nhà báo đến từ 117 quốc gia đã cùng làm việc để phân tích, tổng hợp thông tin từ bộ tài liệu khổng lồ này.
Hồ sơ Pandora khác gì với hồ sơ Panama năm 2016?
Số lượng chính trị gia và quan chức nhà nước có tên trong hồ sơ Pandora nhiều gấp đôi so với hồ sơ Panama năm 2016, một bản báo cáo buộc tội về ngành ngân hàng được phát hành cách đây 5 năm.
Hồ sơ Pandora gồm thông tin về hơn 330 chính trị gia và quan chức từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 35 lãnh đạo lãnh đạo đương nhiệm và đã mãn nhiệm.
Giới tỷ phú giấu tiền bằng cách nào?
Một lĩnh vực đang phát triển mạnh của ngành dịch vụ tài chính chuyên giúp giới tỷ phú cất giấu tài sản, qua đó giảm thiểu các khoản thuế phải nộp một cách hợp pháp.
Giới tỷ phú thường tìm đến những nơi như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ và quần đảo Cayman, cũng như một số bang của Mỹ như Nam Dakota và Delaware để cất giữ tài sản. Những khu vực này được coi là "thiên đường thuế".
Quyền sở hữu tài sản bí mật có thể được che giấu bởi các công ty ẩn danh - những công ty không bắt buộc phải xác định chủ sở hữu. Ở một số quốc gia, việc đứng tên cho các tài sản, đặc biệt là bất động sản không mang tính bắt buộc.
Việc sử dụng lỗ hổng này cho phép các chủ sở hữu thực sự đứng sau nhiều lớp hồ sơ pháp lý khó hoặc không thể phá vỡ. Ví dụ, chủ sở hữu công ty A có thể là công ty B, chủ sở hữu công ty B có thể là công ty C, tương tự như vậy.
Tại sao việc không kê khai danh tính chủ sở hữu tài sản được coi là hợp pháp?
Nhiều cá nhân có những lý do hợp pháp để không tiết lộ tài sản mà họ sở hữu - chẳng hạn như để bảo vệ an toàn cho những thành viên khác trong gia đình. Tuy nhiên, những người ủng hộ chủ nghĩa minh bạch tài chính cho rằng hệ thống này đang bị lạm dụng và được xây dựng vì lòng tham.
Phần lớn ngành dịch vụ tài chính tại nhiều quốc gia không được kiểm soát. Một số nhân viên ngân hàng, kiểm toán viên và kế toán làm việc trong ngành này là những cựu quan chức, biết rõ những lỗ hổng trong hệ thống.
Ủy ban Độc lập Cải cách Thuế Doanh nghiệp Quốc tế, một đơn vị có trụ sở tại Paris cho biết: "Hồ sơ Pandora tiết lộ mặt tối bên trong thế giới tài chính, cung cấp một cánh cửa dẫn vào các hoạt động mới của một nền kinh tế toàn cầu. Các hệ thống tài chính ở một số quốc gia cho phép những người giàu nhất thế giới và các công ty đa quốc gia che giấu sự giàu có của họ. Trong một số trường hợp, họ chỉ phải trả rất ít hoặc thậm chí không phải trả thuế".
Tầm quan trọng của hồ sơ Pandora
Bản báo cáo được công bố trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến cho sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt trên thế giới, làm gia tăng sự phẫn nộ của người dân ở nhiều quốc gia.
Những tiết lộ này cũng có thể gây nhức nhối về mặt chính trị, ngay cả ở những quốc gia mà giới lãnh đạo không phải giải trình quá nhiều trước công chúng như Nga hay Jordan, quốc gia theo chế độ quân chủ. Hồ sơ Pandora cung cấp thông tin và cái nhìn sâu sắc về bí mật tài chính của các nhà lãnh đạo.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không trực tiếp được nêu tên trong báo cáo của Pandora nhưng có những sự liên kết với các tài sản ở Monaco, bao gồm cả một ngôi nhà do một phụ nữ Nga mua lại, người được cho đã có con với ông. Người phát ngôn của ông Putin gọi những thông tin này là không có cơ sở.
Quốc vương Abdullah của Jordan bị cáo buộc sử dụng các công ty vỏ bọc được đăng ký tại Caribe để mua 15 dự án bất động sản ở Mỹ, Anh và các nơi khác. Văn phòng của ông cho biết nhà vua đã sử dụng tiền cá nhân để mua.
Gary Kalman, giám đốc văn phòng tại Mỹ của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), đơn vị giám sát vấn đề tham nhũng tài chính trên khắp thế giới cho biết: "Tôi không nghĩ đây là sự kết thúc dành cho ông Vladimir Putin. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo thực sự lo lắng về danh tiếng của mình".
Đặc biệt, đối với Quốc vương Abdullah, người dân Jordan giờ đây biết "ông ấy đã chi tiền cho các ngôi nhà ở Malibu và Georgetown, trong khi ở Jordan, người dân không có đủ tiền cho các dịch vụ cơ bản", ông Kalman nói.
Đối với các nhà lãnh đạo đã vận động cam kết hạn chế tham nhũng - chẳng hạn như ở Pakistan, Cộng hòa Séc và Kenya – việc có tên trong hồ sơ Pandora là điều đáng xấu hổ.
Nhiều người hy vọng hồ sơ Pandora sẽ đẩy nhanh xu hướng tăng cường các quy định tài chính quốc tế, hạn chế trốn thuế và đặt ra những luật lệ nghiêm ngặt hơn.
"Khi bạn giàu đến mức trở thành tỷ phú và phải tìm cách để giấu tiền, bạn không thể làm điều đó một mình. Bạn cần một mạng lưới các chuyên gia để giúp làm điều đó. Đáng buồn rằng những người này thường có nhiệm vụ bảo vệ hệ thống tài chính", bà Lakshmi Kumar, lãnh đạo tại Global Financial Integrity, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington chia sẻ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/