100 tỷ phú, 35 nhà lãnh đạo và hơn 300 quan chức bị lộ bí mật kinh doanh trên hồ sơ Pandora
Một vụ rò rỉ dữ liệu lớn về những tập tin từ các công ty nước ngoài đã phơi bày các giao dịch tài chính bí mật của các tỷ phú, chính trị gia và nhà lãnh đạo trên thế giới, theo tờ The National của Scotland.
Tổng cộng có 35 nhà lãnh đạo đương nhiệm và cựu lãnh đạo các quốc gia trên thế giới cùng hơn 300 quan chức nhà nước dính líu đến vụ rò rỉ dữ liệu hồ Sơ Pandora với gần 12 triệu tệp, một trong những vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử.
Hơn 650 phóng viên đã tham gia cuộc điều tra hồ sơ. Đây là cuộc điều tra lớn nhất mà Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) từng thực hiện, đồng thời là lần rò rỉ mới nhất trong vòng 7 năm qua, bao gồm hồ sơ Paradise và hồ sơ Panama.
Hơn 100 tỷ phú có tên trong hồ sơ Pandora đã sử dụng các công ty vỏ bọc để mua và nắm giữ hàng loạt mặt hàng xa xỉ như du thuyền, tác phẩm nghệ thuật và tài sản khác. Hồ sơ mất tới 18 tháng phân tích và sẽ được công bố trong những ngày tới, với các cá nhân từ hơn 90 quốc gia có liên quan.
Một trong những phát hiện lớn nhất từ vụ rò rỉ cho thấy cách chủ sở hữu của 95.000 công ty nước ngoài thành lập các công ty hợp pháp nhằm mua tài sản tại nước Anh. Điều này nhấn mạnh thực tế rằng Chính phủ Anh đã không thành lập sổ đăng ký cho chủ sở hữu tài sản ở nước ngoài, mặc dù đã nhiều lần hứa hẹn. Có những lo ngại rằng một số người mua bất động sản có thể đang che giấu các hoạt động rửa tiền.
Kết quả từ hồ sơ cho thấy cựu thủ tướng Tony Blair và vợ đã tiết kiệm được 312.000 bảng Anh tiền thuế khi mua một căn nhà phố ở London trị giá 6,45 triệu bảng Anh để Cherie Blair sử dụng làm văn phòng kinh doanh. Tài sản này trước đây thuộc sở hữu của một công ty nước ngoài. Blair đã mua lại công ty thông qua một doanh nghiệp khác ở Anh vào năm 2017, sau đó giải thể và giữ lại tài sản.
Tài liệu rò rỉ cũng cho thấy gia đình Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã bí mật tham gia vào các giao dịch tài sản trị giá hơn 400 triệu bảng Anh. Gia đình ông đã bán một tài sản thuộc Crown Estate, đế chế tài sản của gia đình hoàng gia được quản lý bởi Kho bạc Vương quốc Anh và quyên góp tiền cho Exchequer, với giá khoảng 67 triệu bảng Anh. Điều này có thể khiến chính quyền Vương quốc Anh cảm thấy lúng túng.
Hồ sơ Pandora cũng tiết lộ rằng Vua Jordan đã bí mật xây dựng một đế chế bất động sản trị giá 70 triệu bảng Anh (100 triệu USD) ở Mỹ và Anh. Các tài liệu cũng chỉ ra một mạng lưới các công ty do Abdullah II bin Al-Hussein sở hữu bí mật đã mua 15 ngôi nhà kể từ khi ông nắm quyền vào năm 1999. Chính phủ Vương quốc Anh là một trong những người hậu thuẫn lớn nhất của Jordan với cam kết tài trợ 650 triệu bảng Anh trong vòng 5 năm, kể từ năm 2019.
Ngoài ra, hồ sơ Pandora cũng đề cập tới Tổng thống Nga Vladimir Putin với các tài sản bí mật ở tiểu bang Monaco. Vụ rò rỉ dữ liệu Pandora bao gồm 2,94 terabyte dữ liệu thô với hơn 6,4 triệu tài liệu, gần 3 triệu hình ảnh, hơn 1,2 triệu email, gần 1,4 triệu bảng tính và các tệp khác. ICIJ tin rằng cuộc điều tra này "mở ra rất nhiều thứ bí mật".