|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cộng hòa Síp (Cyprus) có gì mà hàng nghìn người sẵn sàng chi 60 tỉ đồng mua hộ chiếu?

18:00 | 25/08/2020
Chia sẻ
Nhóm điều tra của hãng tin Al Jazeera (Qatar) đã phát hiện một tài liệu mật liệt kê khoảng 1.400 cá nhân được chính phủ Cộng hòa Cyprus phê duyệt hộ chiếu trong giai đoạn 2017 - 2019. Điều gì khiến một quốc gia nhỏ bé giữa Địa Trung Hải thu hút nhiều người mua hộ chiếu đến vậy?

Hộ chiếu Cyprus mang lại cơ hội tự do đi lại ở EU và trên thế giới

Đảo Cyprus (hay đảo Síp) là một hòn đảo nằm ở phía đông Địa Trung Hải, nổi tiếng từ thời cổ đại với sự giàu có về khoáng sản, rượu vang và vẻ đẹp thiên nhiên.

Với vị trí thuận lợi, nằm gần ba châu lục Á, Âu và Phi, Cyprus là điểm trung chuyển hàng hóa cũng như để di chuyển đến các nước trong và ngoài châu Âu thông qua hệ thống hàng hải và hàng không phát triển.

Năm 1960, sau 35 năm làm thuộc địa, đảo Cyprus độc lập khỏi Anh và chỉ bắt đầu bị chia cắt từ sau cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1974.

Kể từ đó, đảo này bị tách thành nước Cộng hòa Cyprus của người Hy Lạp ở miền nam và một quốc gia tự xưng là Cộng hòa Bắc Cyprus của người Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc.

Cộng hòa Cyprus là một quốc gia có đủ tư cách thành viên của EU và được quốc tế công nhận rộng rãi. Ngược lại, Cộng hòa Bắc Cyprus chỉ được công nhận bởi Thổ Nhĩ Kỳ.

Cộng hòa Cyprus trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1/5/2004 và sau đó gia nhập khu vực đồng tiền chung euro vào năm 2008.

Hiện tại, người mang hộ chiếu CH Cyprus có thể được miễn thị thực đến 174 quốc gia trên thế giới và có quyền tự do sinh sống, học tập cũng như làm việc tại 27 nước thành viên EU.

Ngày 23/8, hãng tin Al Jazeera đưa tin nhóm điều tra của hãng đã thu thập được một bộ tài liệu mật có tên "The Cyprus Papers". Bộ tài liệu chứa hơn 1.400 đơn đăng kí do chính phủ Cộng hòa Cyprus phê duyệt cho Chương trình Đầu tư Cyprus (CIP) trong giai đoạn 2017 - 2019.

Một số hồ sơ còn bao gồm thành viên trong gia đình, nâng tổng số cá nhân được cấp hộ chiếu châu Âu lên gần 2.500 người.

Theo Al Jazeera, chương trình CIP cho phép công dân nước khác mua hộ chiếu của Cyprus và theo đó, có thể trở thành công dân EU bằng cách đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro (tương đương 2,5 triệu USD hay gần 60 tỉ đồng Việt Nam) vào quốc gia này.

Thời gian tới, hãng tin Al Jazeera sẽ tiết lộ danh tính của hàng chục người đã nhập quốc tịch Cyprus và một số cá nhân đáng lẽ không thể mua hộ chiếu Cyprus do liên quan đến các tiền án, tiền sự.

Theo hãng tin Qatar này, trong danh sách người mua hộ chiếu Cyprus sắp công bố có một số doanh nhân Việt Nam. Lãnh đạo Ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết sẽ kiểm tra thông tin một đại biểu Quốc hội có tên trong danh sách mua hộ chiếu Cyprus.

Mua hộ chiếu Cyprus với giá từ gần 60 tỉ đồng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

Chương trình CIP là gì?

Chương trình CIP cho phép người dân từ khắp nơi trên thế giới mua quyền công dân của Cộng hòa Cyprus thông qua khoản đầu tư tối thiểu 2,5 triệu USD vào các lĩnh vực khác nhau, điển hình như bất động sản.

Người mua hộ chiếu Cyprus phải tự chứng minh mình không có tiền án, tiền sự. Những người từng bị điều tra, bị truy tố hình sự hoặc có tiền án đều bị cấm mua hộ chiếu Cyprus. Các cá nhân bị EU hoặc một nước thứ ba như Mỹ, Nga hoặc Ukraine trừng phạt hoặc từng làm việc cho các tổ chức bị trừng phạt cũng không được phép mua hộ chiếu Cyprus.

Mua quốc tịch thì có gì sai?

Theo Al Jazeera, việc mua quốc tịch mới không có gì là bất hợp pháp và một số quốc gia khác như các đảo ở vùng Caribe cũng cung cấp dịch vụ này.

Tuy nhiên, việc biến quyền công dân thành một loại hàng hóa rủi ro ở chỗ một số người sẽ lạm dụng quyền công dân mới để trốn tránh trách nhiệm từ quốc gia xuất xứ của họ.

Trong nhiều trường hợp, một số người bị phát hiện mua hộ chiếu Cyprus ngay trước khi bị buộc tội. Một số người đang sống lưu vong và bị buộc tội vắng mặt.

Al Jazeera nhận định, đối với nhiều cá nhân giàu có trong tập hồ sơ The Cyprus Papers, 2,5 triệu USD cần để mua hộ chiếu chỉ là một phần nhỏ trong khối tài sản của họ.

Tập hồ sơ mật tiềm ẩn nhiều điểm nóng

Trong số 2.500 cái tên xuất hiện trong tập hồ sơ bị rò rỉ, có hàng chục cá nhân mà các nhà vận động chống tham nhũng cho rằng lẽ ra không được cấp quốc tịch Cyprus hoặc có thể bị tước quyền công dân Cyprus vì hành vi phạm tội sau khi được cấp hộ chiếu.

Theo Al Jazeera, hồ sơ mua quốc tịch Cyprus đến từ 70 quốc gia khác nhau trên thế giới. Các nước có lượng người nộp đơn nhập tịch Cyprus cao nhất là Nga (1.000), Trung Quốc (500) và Ukraine (100).

Ngoài ra, người Anh, Mỹ, Mali, Morocco, Israel, Palestine, Nam Phi, Hàn Quốc và Arab Saudi cũng có tên trong danh sách.

Kể từ khi CIP ra đời năm 2013, EU đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích, coi chương trình đầu tư này là một rủi ro an ninh. EU coi Cyprus là cửa hậu cho phép những người có ảnh hưởng chính trị từ các quốc gia thù địch đi vào phần còn lại của châu Âu.

Dưới áp lực từ EU, Cyprus đã thắt chặt qui định vào năm 2019, tuy nhiên nghiên cứu của Al Jazeera cho thấy nhiều cá nhân có lai lịch chính trị rủi ro đã mua được hộ chiếu Cyprus trước khi qui định mới có hiệu lực.

Cyprus phản ứng như thế nào?

Chính phủ Cộng hòa Cyprus cho biết họ đã thắt chặt qui định và mỗi hồ sơ nộp vào chương trình CIP đều tuân thủ các qui định tại thời điểm nộp đơn.

Hiện tại, Cyprus đã cam kết sẽ tước quyền công dân của một số người nếu họ phạm tội nghiêm trọng.

Tháng 7/2020, chính phủ đảo này đã thông qua một bộ luật cho phép tước quyền công dân Cyprus. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, với tư cách là quốc gia thành viên của EU, Cyprus hoạt động với sự minh bạch tuyệt đối.

Khả Nhân