OECD hạ triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2021
Trong báo cáo mới nhất công bố cùng ngày, OECD cho biết kinh tế thế giới đã phục hồi trong năm nay nhờ các biện pháp kích thích, các chương trình triển khai vaccine ngừa COVID-19 nhanh chóng và việc nhiều nước có thể nối lại các hoạt động kinh tế.
Theo báo cáo của OECD, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đã vượt qua mức trước đại dịch sau cuộc suy thoái do COVID-19 gây ra năm ngoái.
Hiện OECD dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 5,7% trong năm nay, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó hồi tháng Năm.
Song triển vọng cho năm 2022 đã được cải thiện một chút, với mức tăng trưởng dự kiến tăng 0,1 điểm phần trăm lên 4,5%.
OECD lưu ý sự phục hồi vẫn rất không đồng đều, với kết quả giữa các quốc gia khác biệt rất rõ ràng. Báo cáo cho biết khoảng cách về sản lượng và việc làm vẫn tồn tại ở nhiều nước, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vốn có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Trong báo cáo mới nhất, OECD đã hạ triển vọng tăng trưởng của Mỹ từ 6,9% xuống 6,0% trong năm nay. Con số này thấp hơn mức dự báo do Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đưa ra là 6,7%.
Tuy nhiên, OECD đã điều chỉnh dự báo về Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng thêm 1 điểm phần trăm lên 5,3%.
Dù vậy, triển vọng giữa các nước trong khối vẫn khác nhau, với mức tăng trưởng ở Pháp, Italy (I-ta-li-a) và Tây Ban Nha dự kiến cao hơn trong khi Đức không có kết quả tốt như vậy.
Triển vọng tăng trưởng của Argentina (Ác-hen-ti-na), Brazil (Bra-xin), Mexico (Mê-hi-cô), Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cải thiện, trong khi dự báo của Australia (Ôx-trây-li-a), Vương quốc Anh, Nhật Bản và Nga bị hạ.
Dự báo về Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, không đổi ở mức 8,5%.
OECD cho biết tác động của biến thể Delta của virus gây dịch COVID-19 đến nay là tương đối nhẹ ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Tuy nhiên, biến thể này đã làm giảm động lực phục hồi ở nhiều nơi khác, đồng thời gây thêm áp lực lên chi phí và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Báo cáo của OECD nhấn mạnh tiến độ triển khai vaccine nhanh hơn, hoặc tiết kiệm hộ gia đình tăng cao hơn sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Song các yếu tố này cũng có khả năng đẩy áp lực lạm phát trong ngắn hạn đi lên.
Ngược lại, tiến độ triển khai vaccine chậm và sự lây lan liên tục của các biến thể virus SARS-CoV-2 mới sẽ khiến khả năng phục hồi của các nền kinh tế yếu đi, cũng như tình trạng mất việc làm diễn ra trên diện rộng hơn.